Thứ 2, 20/05/2024, 07:52[GMT+7]

Bầu cử QH Pháp: Đảng Xã hội thắng áp đảo

Thứ 2, 18/06/2012 | 13:51:40
1,097 lượt xem
Theo kết quả sơ bộ của Bộ Nội vụ Pháp cũng như các viện thăm dò dư luận, đảng Xã hội (PS) giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp với khoảng 300 ghế trong vòng 2 của cuộc bầu cử diễn ra ngày 17-6. Chiến thắng như dự đoán tạo điều kiện thuận lợi để Tổng thống François Hollande thực thi những cam kết tranh cử tổng thống hồi tháng 5.

Cử tri Pháp đã trao niềm tin và quyền lực tuyệt đối cho đảng PS của Tổng thống Francois Holland.

Dù tỉ lệ cử tri không tham gia bỏ phiếu lên đến mức kỷ lục, 44,3%, thấp nhất trong các kỳ bầu cử lập pháp trong nền Cộng hòa thứ năm của Pháp, phe cánh hữu vẫn không thể lật ngược được thế cờ để tạo thế cân bằng lực lượng tại Quốc hội gồm 577 ghế. Đảng cánh hữu UMP - đảng đối lập chính - chỉ giữ được khoảng 207 ghế. Đây là thất bại thứ hai liên tiếp của đảng này kể từ khi ông Nicolas Sarkozy không thể tái đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, Tổng thư ký toàn quốc của đảng này, ông François Copé được bầu lại ở thành phố Meau, vùng Seine et Marne.

Sau vòng một tổ chức ngày 10-6, 36 ứng cử viên đã đắc cử trong đó có 23 người thuộc đảng PS và 7 người thuộc đảng UMP. Vì vậy ở vòng hai này, cử tri chỉ bầu chọn tiếp 541 ứng cử viên vào Hạ viện. Tại hầu hết các đơn vị bầu cử, cuộc đối đầu chủ yếu là giữa hai phe cánh tả và cánh hữu truyền thống.

Chính sách cải cách xã hội và kinh tế theo chiều hướng “trả lại quân bình và công lý″ do Tổng thống François Hollande đưa ra phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả vòng hai bầu cử quốc hội Pháp. Việc đảng Xã hội cầm quyền giành thắng lợi áp đảo, vượt quá số ghế 289 cần thiết để có đa số tuyệt đối, là dấu hiệu cho thấy người dân Pháp mong muốn và tin tưởng vào một chính phủ mạnh và thống nhất có thể tạo ra sự thay đổi tích cực và đưa đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Hiện cánh tả cũng chiếm đa số tại Thượng viện.

Như vậy, chính phủ của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault có thể tiến hành ngay các kế hoạch cải cách trong đó có việc tăng thuế đối với những người giàu mà không cần đến sự hỗ trợ của đảng Sinh thái châu Âu, đảng Xanh hoặc của đảng Mặt trận cánh tả. Với 18 ghế ở Quốc hội, đảng Sinh thái châu Âu-đảng Xanh có thể thành lập được một nhóm nghị sĩ tại Hạ viện.

Phát biểu trên truyền hình sau khi có kết quả sơ bộ, Thủ tưởng Ayrault cảm ơn sự “lựa chọn đúng″ của cử tri khi trao cho đảng PS quyền kiểm soát Quốc hội. “Sự dân chủ tại Quốc hội sẽ được lập”, ông Ayrault nói và khẳng định rằng “tiếng nói của phe đối lập” sẽ được lắng nghe và tôn trọng. Trong khi đó, ông François Copé thừa nhận thắng lợi của phe cánh tả, đồng thời cho biết đảng UMP với một đa số mạnh trong Quốc hội sẽ có tiếng nói “đối trọng nhưng thận trọng″.

Cuộc bầu cử quốc hội lần này cũng chứng kiến một số bất ngờ khi đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia (FM) lần đầu tiên có mặt tại Hạ viện Pháp kể từ năm 1998 sau khi giành được ít nhất hai ghế ở khu vực miền Nam trong đó có Marion Maréchal-Le Pen, cháu gái ông Jean Marie Le Pen, nguyên là Chủ tịch của đảng này. Đây là đại biểu Quốc hội trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, 22 tuổi. Tuy nhiên thủ lĩnh đảng này, bà Marine Le Pen lại thất bại. Đây có thể coi là cú sốc đối với bà Le Pen chính vì vậy bà đã yêu cầu kiểm phiếu lại ở khu vực bầu cử của mình.

Một ứng cử viên khác được cho là có tham vọng trở thành Chủ tịch Hạ viên, bà Segolene Royal – ứng viên tổng thống năm 2007 và là một lãnh đạo cấp cao của đảng PS – lại thất bại trước một ứng cử viên ly khai của đảng này, ông Olivier Falorni, tại vùng La Rochelle.

Một số ứng cử viên chủ chốt của đảng UMP thuộc chính phủ của Tổng thống mãn nhiệm Sarkozy cũng bị cử tri nói “không″ trong đó có nguyên Bộ trưởng Nội vụ Claude. Cũng giống như bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Phong trào dân chủ (MoDem) và ứng cử viên tổng thống vừa qua – ông cũng không thể vượt qua cuộc bầu cử quốc hội lần này.

Kết quả bầu cử cho thấy cử tri Pháp có sự phân biệt rõ ranh giới giữa chính trị và đời sống cá nhân. Trước đó, dư luận Pháp xôn xao khi thấy bà Valérie Trierweiler, người bạn đời hiện nay của Tổng thống Hollande, đưa ra thông điệp ủng hộ đối thủ của bà Ségolène Royale, vợ trước của ông Hollande.

Sau 17 năm phải nhường quyền quyết định cho phe cánh hữu, đảng Xã hội giành lại được quyền lực tuyệt đối qua chiến thắng “kép″ ở hai cuộc bầu cử thổng thống và quốc hội chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Dù phía trước còn nhiều thách thức, Tổng thống Hollande cùng chính phủ mới có thể thực hiện các kế hoạch cải cách đã đề ra với đủ tỉ lệ phiếu thuận tại Hạ viện khi biểu quyết những dự luật cải cách khó khăn mà không lo bị phe cánh tả và các đảng liên minh khác gây áp lực.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa