Thứ 2, 13/01/2025, 02:03[GMT+7]

Ý nghĩa việc EU phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Thứ 5, 13/02/2020 | 07:50:31
1,614 lượt xem
Việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA với tỷ lệ phiếu thuận cao cho thấy sự coi trọng của Liên minh châu Âu đối vai trò, vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Chiều tối 12/2 (giờ Việt Nam), Nghị viện châu Âu trong phiên họp toàn thể đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng. Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam (EVIPA) cũng đã được phê chuẩn ngay sau đó, với 407 phiếu thuận, 188 phiếu chống và 53 phiếu trắng.

Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến các vấn đề phát triển bền vững.

Hiệp định Thương mại tự do EVFTA sẽ có hiệu lực sau 1 tháng kể từ khi hai bên thông báo cho nhau là đã hoàn tất các thủ tục pháp lý. Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn, thủ tục cuối là Hội đồng châu Âu ký ban hành.

Về phía Việt Nam, EVFTA sẽ phải chờ Quốc hội phê chuẩn vào tháng 5/2020 và Chủ tịch nước ký ban hành, lúc đó mới được coi là hoàn tất các thủ tục pháp lý và sau 1 tháng thì Hiệp định Thương mại tự do được áp dụng trên thực tế.

Riêng với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) còn phải chờ Quốc hội của tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn, quá trình này có thể kéo dài tới 3 năm hoặc hơn.

Đối với cả 2 hiệp định, số phiếu thuận nhiều hơn gấp 2,5 lần so với số phiếu không thuận. Cộng đồng doanh nghiệp của châu Âu trông đợi các hiệp định này sớm áp dụng, sau 8 năm chờ đợi, kể từ khi hai bên bắt đầu đàm phán. Hiệp định Thương mại tự do sẽ dỡ bỏ hầu hết các rào cản thuế quan, còn Hiệp định Bảo hộ đầu tư củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.

Trong cuộc thảo luận lần cuối ngày 11/2 tại đây, nhiều nghị sĩ đã nhấn mạnh lợi ích kinh tế đối với châu Âu và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới.

Khi Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực, có thể dự đoán là vào đầu tháng 7/2020, 65% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay lập tức. Số còn lại, bao gồm xe máy, ô tô, dược phẩm, hóa chất, rượu vang, thịt gà và thịt lợn… sẽ theo lộ trình giảm thuế dần dần trong 10 năm.

Về phía Việt Nam, 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ được miễn thuế ngay lập tức, phần còn lại cũng sẽ giảm dần trong 7 năm.

Trong phiên tranh luận cuối cùng diễn ra tại Nghị viện châu Âu trưa 11/2, các nghị sĩ đã đưa ra nhiều lập luận đa chiều, nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh khác nhau tác động của hai hiệp định vừa ký với Việt Nam. Không phải mọi ý kiến đều đồng thuận nhưng đa số các nghị sĩ cho rằng 2 hiệp định đều có lợi cho cả hai bên, không chỉ trên bình diện kinh tế và phê chuẩn được hai hiệp định này sẽ mở ra triển vọng về mục tiêu dài hạn, tiến tới thỏa thuận thương mại - đầu tư ở cấp độ cao hơn, giữa Liên minh châu Âu với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

30 phút ngay sau khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Bộ Công Thương đã tổ chức ngay cuộc họp báo để thông cáo và giải đáp các thắc mắc liên quan.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh công tác quản lý chống gian lận xuất xứ. Bởi khi thuế suất từ Việt Nam sang thị trường châu Âu giảm về 0% cũng là lúc xuất hiện các nguy cơ thẩm lậu hàng hóa, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để chuyển tải hàng hóa sang thị trường châu Âu.

Theo vtv.vn