Thứ 2, 20/05/2024, 08:49[GMT+7]

Mỹ và Israel gia tăng sức ép với Iran

Thứ 6, 22/06/2012 | 16:25:46
931 lượt xem
Sau khi cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) tại Moscow (Nga) kết thúc hồi đầu tuần qua mà không đạt được thỏa thuận nào, Mỹ và Israel đang tiếp tục gia tăng sức ép với nước cộng hòa Hồi giáo này. Một mặt kêu gọi tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, Mỹ và Israel đồng thời cảnh báo, một lựa chọn quân sự vẫn còn đang để ngỏ.

Nhà máy hạt nhân Bushehr cua Iran (Ảnh: Internet)

Phát biểu tại Jerusalem ngày 22/6, Phó Thủ tướng Israel Shaul Mofaz cho biết, tăng cường các biện pháp trừng phạt là cần thiết và tất cả các lựa chọn khác, trong đó có giải pháp quân sự vẫn đang được để ngỏ. Lời tuyên bố của ông Shaul đưa ra trong bối cảnh, Tổng thống Nga Vladimia Putin chuẩn bị có chuyến thăm Israel vào tuần tới, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước cũng như tiếp tục thảo luận về các giải pháp đối với chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Israel bày tỏ hi vọng, Nga - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thể hiện trách nhiệm và giúp đỡ ngăn cản một cuộc đua hạt nhân.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng bày tỏ lo ngại về một cuộc đua vũ trang tại Trung Đông, nếu Iran tiếp tục theo đuổi các mục tiêu hạt nhân của mình. Ngoại trưởng Clinton cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran sẽ mang lại những hậu quả không lường trước được trong khu vực.

Bà Hillary Clinton nói: “Người dân Iran đều biết rằng, họ không được phép có vũ khí hạt nhân. Thậm chí cả trong ý định, Iran cũng không được phép nghĩ đến điều này. Việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân có thể gây ra một cuộc đua vũ trang trong  khu vực, gây ra  những hậu quả không lường trước được”.

Sức ép đối với Iran gia tăng sau 3 vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 thất bại. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp thấp hơn vào tháng 7 tới tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc đối thoại tại Nga không mang lại kết quả tích cực và lệnh cấm vận dầu của Liên minh châu Âu sắp có hiệu lực, đang làm sâu sắc hơn bất đồng giữa Iran và các nước phương Tây, khiến dư luận không khỏi lo ngại về một lựa chọn quân sự.

Nhà phân tích Mark Fitzpatrick thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế có trụ sở tại London (Anh) cho rằng, cũng rất ít có triển vọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo nếu hai bên thiếu tin tưởng và tôn trọng các cam kết.

 “Các cuộc đối thoại sắp tới có thể giúp thu hẹp những bất đồng. Tuy nhiên điều quan trọng là phải đạt được một quyết định chính trị. Nếu các cuộc đối thoại mới tiếp tục thất bại, điều này sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực, dẫn tới việc một lựa chọn quân sự đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể trở thành hiện thực” - Nhà phân tích Mark Fitzpatrick nói.

Gây áp lực lẫn nhau, leo thang căng thẳng đang khiến tình hình hạt nhân Iran ngày càng thêm phức tạp và nhạy cảm. Chiều hướng ấy sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi lệnh cấm vận dầu của Liên minh châu Âu có hiệu lực. Vì vậy, mặc dù không mang lại những kết quả tích cực, nhưng đàm phán hiện vẫn là giải pháp ưu tiên được đặt lên hàng đầu của tất cả các bên liên quan./.

Theo VOV

  • Từ khóa