Thứ 5, 21/11/2024, 20:30[GMT+7]

“Nghệ sĩ” nông dân giữ “lửa” chèo Kỳ 1: “Lão say” mê chèo

Chủ nhật, 28/01/2024 | 22:36:47
27,971 lượt xem
Tại “quê lúa, đất chèo” Thái Bình, nghệ thuật chèo không chỉ được lưu giữ bởi các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ chuyên nghiệp mà còn được bảo tồn, phát triển bởi các “nghệ sĩ” nông dân và gần 3.000 câu lạc bộ nghệ thuật quần chúng.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Ro biểu diễn cùng các nghệ nhân, diễn viên câu lạc bộ chèo làng Khuốc.

Danh xưng “lão say” gắn liền với Nghệ nhân nhân dân (NNND) Bùi Văn Ro từ năm ông 18 tuổi. Với vai ông lão say rượu trong trích đoạn chèo cổ “Lão say cu cậu” và giành huy chương vàng hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thái Bình ở tuổi 18, đến nay đã 72 tuổi, ông vẫn dành trọn niềm đam mê với chèo.

Người giữ “báu vật” của làng

Làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) hiện có khoảng 150 nghệ nhân, diễn viên đang tham gia tập luyện, biểu diễn chèo thường xuyên, trong đó nghệ nhân Bùi Văn Ro là NNND và 3 nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Bao lần về thăm làng Khuốc là ngần ấy lần chúng tôi có dịp được xem NNND Bùi Văn Ro biểu diễn ở chiếng chèo của làng. Những buổi biểu diễn khi vào mùa đông, lúc trong mùa hè, khi sớm, khi muộn nhưng nhiệt huyết của ông lão tuổi đã ngoài 70 vẫn luôn làm khán giả thán phục. Có trích đoạn ông vào vai lão say ngật ngưỡng; có trích đoạn ông lại là lão nông mực thước, điềm đạm, yêu làng, yêu nước. Lời ca, lối diễn của ông là hồn cốt của chèo cổ, mang tới không gian đậm chất văn hóa cổ truyền...

Say mê biểu diễn, truyền nghề cho con cháu của làng thông qua hình thức truyền khẩu, hơn 50 năm qua, tiếng hát chèo của ông vẫn da diết, đôi tay vẫn mềm mại theo làn điệu chèo. Gương mặt hồ hởi, tinh thần phấn chấn, NNND Bùi Văn Ro trải lòng: Tôi bén duyên với chèo từ sự chỉ dạy của người bác ruột là nghệ nhân Bùi Văn Ca và các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của làng Khuốc. Niềm đam mê nghệ thuật chèo cứ thế mà ngấm vào máu từ lúc nào cũng không hay. Chèo Khuốc có nhiều làn điệu độc đáo mà không ở đâu có được như: Ván cờ tiên, Đường trường thu không, Tình thư hà vị, Hề đơm đó... Những làn điệu độc đáo của chèo Khuốc không thấy ở nơi đâu bởi ca từ và lối hát rất riêng. Có những làn điệu dù giống nhau nhưng cách ngắt nhịp, đánh trống đế của nghệ nhân chèo Khuốc lại hoàn toàn khác. Khi du khách đến với làng Khuốc thường được xem những vở chèo cổ như “Từ Thức du tiên”, “Vợ chồng lão chài”, “Quan âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ”... Đặc biệt, vở chèo “Tống Trân Cúc Hoa”, đây là vở mà làng Khuốc gán ghép khoảng 20 làn điệu chèo cổ...

NNND Bùi Văn Ro trăn trở, khó khăn nhất của làng Khuốc hiện nay là nhiều nghệ nhân không còn nữa. “Vốn cổ” của nghệ thuật chèo làng Khuốc đang được lưu giữ bởi những nghệ nhân lớn tuổi. Vì vậy, dù tuổi cao, sức khỏe có giới hạn nhưng ông vẫn cùng các nghệ nhân như Mai Văn Hồng, Vũ Thị Thao, Mai Thị Bé hăng say biểu diễn, truyền nghề, tận tay chỉ bảo con cháu trong làng. Mỗi người đều mong từ tâm huyết của tuổi già và nhiệt huyết của tuổi trẻ, “vốn cổ” của làng sẽ sống mãi...

Trăn trở nhân lên tình yêu với nghệ thuật chèo

NNND Bùi Văn Ro từng là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Khuốc hơn 20 năm. Không chỉ nổi tiếng với những vai lão trong chèo, ông còn đặc biệt thành công với những vai hề. Các vai diễn của ông thường là vai chính. Như bao thế hệ nghệ nhân chèo của làng Khuốc, ông vẫn ngày ngày bền bỉ trên chiếc xe đạp đã cũ kỹ, dù nắng hay mưa đi khắp nơi truyền dạy chèo cho người dân ở mọi lứa tuổi. Ngoài nhiều phần thưởng cao quý, năm 2019 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT. Năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu NNND ở lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

NNND Bùi Văn Ro trăn trở: Không ít nghệ nhân của làng Khuốc đã gắn bó với nghệ thuật chèo gần cả cuộc đời. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, tất cả mọi người vẫn đang bền bỉ trên hành trình truyền dạy nghệ thuật chèo cho con cháu trong làng và những người có mong muốn được tìm hiểu, học hỏi về chèo. Ngoài ra, ở những địa phương khác trong tỉnh cũng có một số nghệ nhân có nhiều thành tích và đóng góp lớn trong truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật chèo nhưng chưa được công nhận NNƯT, NNND. NNND Bùi Văn Ro cho rằng, để phong trào tập luyện, biểu diễn nghệ thuật chèo ngày thêm sôi nổi, cần quan tâm xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND cho những thành viên ở các đội chèo, nhóm chèo khác trong tỉnh. Ông mong mỏi sự ghi nhận của các ngành chức năng sẽ góp phần nhân lên tình yêu và trọng trách của mỗi người trong việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống.

Trong đời sống văn hóa hiện đại, nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu không kịp thời bảo lưu, những vốn cổ của cha ông có thể sẽ bị thất truyền. NNND Bùi Văn Ro tin tưởng, với sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống, Thái Bình sẽ mãi là đất chèo như bao đời qua.

 NNND Bùi Văn Ro cùng nghệ nhân cao tuổi của làng Khuốc biểu diễn trích đoạn chèo cổ.

(còn nữa)

Tú Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày