Thứ 4, 15/01/2025, 17:14[GMT+7]

“Nghệ sĩ” nông dân giữ “lửa” chèo Kỳ 2: Bảo tồn nghệ thuật chèo làng Khuốc

Thứ 2, 29/01/2024 | 22:40:56
29,231 lượt xem
Với những người giữ “lửa” chèo như NNND Bùi Văn Ro và nhiều nghệ nhân, diễn viên không chuyên khác, tại xã Phong Châu (Đông Hưng), việc bảo tồn nghệ thuật ở làng chèo cổ ngày càng thu hút các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Từ đó thiết thực đưa nơi đây trở thành điểm đến văn hóa không thể bỏ lỡ của du khách gần xa.

Câu lạc bộ chèo thôn Khuốc Tây, xã Phong Châu (Đông Hưng) biểu diễn tại liên hoan văn nghệ quần chúng các thôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu.

Thúc đẩy bảo tồn nghệ thuật chèo

Về làng Khuốc, xã Phong Châu hôm nay, hòa mình vào bất cứ buổi biểu diễn nào, phần đông khán giả đều ấn tượng bởi dường như mọi thế hệ của làng từ những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ tới các cụ ông, cụ bà đều say mê diễn chèo. Tại các cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ của tỉnh, những năm qua cũng đều ghi nhận không ít thí sinh đến từ nôi chèo cổ này. Đó là kết quả của quá trình cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng nỗ lực vào cuộc bảo tồn chèo làng Khuốc. Nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác bảo tồn, phát huy các giá trị chèo cổ mà cha ông đã để lại, cấp ủy đảng địa phương đã ban hành các nghị quyết củng cố và kiện toàn ban chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) chèo của xã. CLB chèo của xã, của các thôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tổ chức hoạt động tập luyện, biểu diễn, phát triển tài năng cũng như xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận NNND, NNƯT...

Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn xã ngày càng được quan tâm đầu tư và hoàn thiện không chỉ là cơ sở để các CLB tập luyện mà còn là nơi nghệ nhân làng chèo có thể truyền dạy, lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo cho người dân và du khách. 

Ông Hà Quang Cường, Bí thư Đảng ủy xã Phong Châu chia sẻ: Một trong những thiết chế văn hóa đặc biệt trên địa bàn xã được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng và nhân dân địa phương chung tay gìn giữ từ năm 2015 đến nay là nhà thờ tổ chèo. Hiện nay, UBND xã giao cho chủ nhiệm CLB chèo của xã quản lý. Đây cũng là nơi diễn ra lớp truyền dạy nghệ thuật chèo do bà Cao Thị Bấc, một thành viên CLB chèo của xã tổ chức. Nhà thờ tổ chèo thường đón tiếp các đoàn nghệ thuật, các đoàn làm phim cũng như các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công chèo trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, năm 2018 xã Phong Châu đầu tư xây mới nhà văn hóa với 250 chỗ ngồi, sân khấu 100m2 có đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng thiết thực phục vụ cho hội họp, tập luyện, biểu diễn văn nghệ. Mỗi năm có khoảng 20 chương trình nghệ thuật do CLB chèo của xã dàn dựng, biểu diễn tổ chức tại nhà văn hóa xã. Quan tâm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, xã cũng đã đầu tư xây mới 1 nhà văn hóa thôn với 150 chỗ ngồi, sân khấu trong nhà và ngoài trời; tu sửa, nâng cấp 3 nhà văn hóa các thôn còn lại. Ngoài ra, chiếng chèo xã Phong Châu là nơi thường xuyên đón tiếp các đoàn khách tới tham quan, tìm hiểu về chèo cổ, là nơi CLB chèo của xã biểu diễn, giao lưu với các CLB chèo trong và ngoài huyện, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp...

Nghệ nhân làng chèo Khuốc biểu diễn trích đoạn. 

Tìm thế hệ kế cận chèo cổ

Dù hiện nay, nghệ thuật chèo ngày càng được quan tâm khôi phục và bảo tồn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Xã Phong Châu là địa phương thuần nông, đa số người dân, con em địa phương đang làm việc trong các công ty và đi học nên ít có thời gian tham gia tập luyện hát chèo. Bên cạnh đó, việc đào tạo thế hệ kế cận vững chuyên môn, có đủ niềm đam mê với chèo cũng là bài toán khó. Vì vậy, hiện nay các thành viên CLB chèo xã Phong Châu đang nỗ lực đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với thế hệ trẻ, tìm ra các hạt nhân tiêu biểu để truyền nghề. Bên cạnh đó, CLB cũng tích cực tham gia biểu diễn ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh nhằm góp phần quảng bá nghệ thuật chèo Khuốc.

Bí thư Đảng ủy xã Phong Châu Hà Quang Cường cho biết thêm: Bên cạnh việc tổ chức biểu diễn quảng bá nghệ thuật chèo Khuốc thì hoạt động truyền dạy chèo cho thế hệ trẻ được chú trọng. Năm 2020, xã Phong Châu được nhận một dự án bảo tồn và phát huy giá trị chèo cổ làng Khuốc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với sự hỗ trợ của dự án, CLB chèo của xã được cung cấp nhạc cụ, trang phục biểu diễn, đặc biệt mở được 1 lớp truyền dạy cho 20 học sinh. Thực hiện chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các trường học cũng tích cực đưa nghệ thuật chèo vào chương trình văn nghệ của giáo viên và học sinh. Trong nhà trường có giáo viên dạy hát, múa chèo cho học sinh, các em biểu diễn hát, múa chèo ngay trên sân trường. Trong các dịp hè, nhiều em tham gia lớp học của bà Cao Thị Bấc tại nhà thờ tổ chèo. Hiện nay có 12 em học sinh thường xuyên tham gia hát, diễn trích đoạn chèo cùng nghệ nhân trong các chương trình biểu diễn.

Xã Phong Châu đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tiếp tục bảo tồn nghệ thuật chèo như ghi chép, thu thập tài liệu về lịch sử và nguồn gốc của hát chèo; lời bài hát, giai điệu, cách diễn đạt... phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn nghệ thuật chèo; củng cố, kiện toàn CLB chèo của xã, các CLB văn nghệ của thôn và của các đoàn thể; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng việc dạy hát, múa chèo trong trường học; tổ chức các khóa học, lớp học và hoạt động giáo dục về hát chèo để truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ... Với sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, địa phương quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo để làng chèo Khuốc không chỉ là niềm tự hào của người dân Thái Bình mà còn là điểm đến về du lịch trải nghiệm của du khách gần xa.

Em Quách Hà Linh là một trong những học sinh thường xuyên tham gia biểu diễn cùng nghệ nhân của làng Khuốc. 

(còn nữa)

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày