Lan tỏa nghệ thuật chèo vào trường học
Sinh động, cuốn hút
Giờ tập thể dục giữa giờ của Trường Tiểu học Bình Định (Kiến Xương) những ngày tháng 3 rộn ràng tiếng nhạc, tiếng hát chèo: “Đẹp lắm quê mình con sóng lúa bao la thơm ngát hương hoa/Quê em Bình Định lắng sâu đậm đà...”. Gần 600 học sinh nhẹ nhàng, thư thái tập luyện trong nhịp của làn điệu chèo “Mái trường Bình Định mến yêu”. Đó chỉ là một trong nhiều giờ học lồng ghép để đưa nghệ thuật chèo vào dạy và học tại ngôi trường này.
Bà Phạm Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Đầu tháng 7/2023, trường thành lập câu lạc bộ chèo với 60 thành viên, trong đó có 30 cán bộ, giáo viên và 30 học sinh là hạt nhân đại diện cho các lớp. Lớp được duy trì 2 buổi/tuần trong dịp hè và 2 buổi/tháng trong năm học. Tham gia câu lạc bộ, các thầy cô giáo và các em học sinh được truyền đạt những phương pháp, kỹ thuật cơ bản khi hát chèo và thực hành các làn điệu chèo cơ bản như điệu lới lơ, luyện năm cung, đào liễu, đường trường thu không. Cùng với đó, được trực tiếp đóng các vai Thị Mầu, Xúy Vân, hề chèo... Sau 8 tháng thành lập câu lạc bộ, đến nay đông đảo học sinh trong Trường đã biết hát múa một số làn điệu chèo. Nhà trường tổ chức và duy trì hoạt động múa hát chèo cho học sinh toàn trường vào 15 phút đầu giờ sáng thứ ba, thứ năm hàng tuần và lồng ghép trong các tiết học môn Âm nhạc. Điều mừng nhất đối với Trường Tiểu học Bình Định là giờ đây rất nhiều em thích và đam mê nghệ thuật chèo, tự tin biểu diễn trước đông người.
Từ điểm sáng Trường Tiểu học Bình Định, huyện Kiến Xương đã nhân rộng việc phát triển nghệ thuật chèo cho học sinh tại tất cả các trường học trên địa bàn huyện.
Ông Ngô Văn Quang, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 100% trường mầm non tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với nghệ thuật chèo; 100% trường phổ thông bước đầu triển khai việc dạy hát chèo trong nhà trường; 22 cơ sở giáo dục phối hợp với câu lạc bộ chèo của địa phương và Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện tổ chức các lớp dạy hát chèo cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Đến nay, 40 câu lạc bộ chèo tại các trường học trên địa bàn huyện thường xuyên được hỗ trợ về chuyên môn, đầu tư cơ sở vật chất, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục, thiết bị... nhằm phục vụ hoạt động của câu lạc bộ. Có thể thấy, sau 1 năm thực hiện đề án phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ. Đây cũng là những yếu tố giúp cho phong trào văn hóa văn nghệ nhà trường được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, tìm kiếm tài năng để đào tạo nhân lực trẻ kế cận cho nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương.
Bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống
Việc đưa nghệ thuật chèo vào trường học đã được nhiều đơn vị thực hiện từ những năm trước đây, tuy nhiên đến khi UBND tỉnh ban hành các văn bản cụ thể thì việc này mới được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, ngày 4/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” và ngày 2/11/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2489/QĐ-UBND phê duyệt đề án “Phát triển nghệ thuật chèo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục duy trì, phát huy nghệ thuật chèo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong đó học sinh là lực lượng đông đảo và thuận lợi hơn cả trong việc trao truyền, gìn giữ, phát huy nghệ thuật chèo.
Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay, 100% các đơn vị đã đưa nghệ thuật chèo vào trường học, được giảng dạy chính khóa, lồng ghép, tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục như: Giáo dục địa phương, Âm nhạc, Ngữ văn, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp một cách sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với chương trình giáo dục, với đặc trưng của từng môn học, lớp học, cấp học và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Một số phòng giáo dục và đào tạo đã xây dựng thành công các mô hình điểm phát triển nghệ thuật chèo trong trường học; chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo nghệ thuật như Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên trong toàn huyện, tổ chức hội thi múa hát chèo để tạo phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi, có sức lan tỏa lớn.
Việc đưa nghệ thuật chèo vào trường học đã tạo điều kiện cho học sinh có được sân chơi để giao lưu học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, công tác này cũng còn một số hạn chế như: giáo viên chưa được tập huấn một cách đồng bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ hoạt động giảng dạy nghệ thuật chèo còn thiếu; việc hình thành các câu lạc bộ chèo ở một số trường học gặp khó khăn do không có hoặc có rất ít học sinh đăng ký tham gia, chưa có kinh phí hỗ trợ để duy trì hoạt động lâu dài trong thời gian tới.
Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Đứng trước những khó khăn trên, ngành giáo dục đã đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp trong đó tập trung công tác truyền thông; đẩy mạnh sinh hoạt chuyên môn thông qua các hội thảo, tọa đàm; xây dựng các mô hình điểm; tăng cường trang thiết bị, bố trí kinh phí; tổ chức liên hoan nghệ thuật chèo học sinh phổ thông.
Nhiều học sinh Trường Tiểu học Bình Định (Kiến Xương) có nâng khiếu với nghệ thuật chèo.
Đặng Anh
Tin cùng chuyên mục
- Liên hoan Bé làm quen với làn điệu chèo truyền thống quê hương 19.04.2024 | 15:43 PM
- “Nghệ sĩ” nông dân giữ “lửa” chèoKỳ 3: Nghệ sĩ không chuyên lan tỏa nghệ thuật chèo (tiếp theo và hết) 31.01.2024 | 08:37 AM
- Nghệ thuật chèo - niềm tự hào của người dân quê lúa 31.03.2023 | 16:25 PM
- Ngân tiếng chèo quê 28.02.2023 | 16:19 PM
- Trích đoạn: Lý trưởng – Mẹ Mõ 16.06.2020 | 09:20 AM
- Ca khúc chèo: Thái Bình quê lúa 15.06.2020 | 09:08 AM
- Làn điệu Hề Mồi (Lời cổ) 14.06.2020 | 09:38 AM
- Làn điệu Lới lơ (Lời cổ) 12.06.2020 | 17:55 PM
- Làn điệu Xẩm Xoan (Lời cổ) 09.03.2020 | 10:38 AM
- Trích đoạn: Nghinh hương quán 24.01.2020 | 21:48 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình
- Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Cam Hòa
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất