Thứ 7, 21/12/2024, 20:03[GMT+7]

Thành phố: Đưa nghệ thuật chèo vào trường học

Thứ 3, 23/04/2024 | 22:41:57
17,908 lượt xem
Nhằm lan tỏa nghệ thuật truyền thống đặc sắc, thành phố Thái Bình đẩy mạnh thành lập câu lạc bộ chèo trong trường học; khuyến khích học sinh tham gia biểu diễn chèo qua các hoạt động tập thể, sinh hoạt ngoại khóa.

Cô và trò Trường Tiểu học Vũ Phúc với tiết mục múa chèo “Ngôi nhà hạnh phúc”.

Giờ tập thể dục giữa giờ của Trường THCS Vũ Chính rộn tiếng nhạc, tiếng hát chèo. Hơn 700 học sinh tay cầm quạt nhẹ nhàng, thư thái uốn theo giáo viên hướng dẫn trong nhịp của làn điệu chèo. Trước kia, với những bài tập thể dục nhịp điệu thông thường, học sinh thường tập với tinh thần uể oải vì vậy các động tác thường không đẹp mắt. Từ khi đưa nghệ thuật chèo vào tập luyện, các em tỏ ra rất hứng thú, giúp nâng cao sức khỏe để các em có tinh thần thoải mái bước vào tiết học mới. Để phù hợp với lứa tuổi học sinh, giáo viên tổng phụ trách và âm nhạc của nhà trường đã lựa chọn và biên soạn lại những làn điệu chèo hay, từ giai điệu đến những động tác làm sao đơn giản nhất, gần gũi nhất, giúp các em dễ thuộc và dễ dàng thực hiện. 

Bà Vũ Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Vũ Chính cho biết: Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thị xã (30/6/1954 - 30/6/2024) và 20 năm thành lập thành phố Thái Bình (2004 - 2024), ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng như tích cực tham gia cuộc thi tìm hiểu “Thành phố Thái Bình 70 năm xây dựng và phát triển”; tổ chức các bài hát múa chèo vào giờ tập thể dục giữa giờ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền về lịch sử truyền thống cách mạng, các giá trị văn hóa, vai trò, tiềm năng của thành phố, những thành tựu và kết quả thành phố đã đạt được 70 năm qua. Nhà trường triển khai đến học sinh toàn trường để các em được tham gia, tạo tính lan tỏa, ý nghĩa cao hơn để gìn giữ nét đẹp đặc sắc của quê hương Thái Bình. 

Em Nguyễn Thị Gia Linh, học sinh lớp 8, Trường THCS Vũ Chính chia sẻ: Ngoài những hoạt động học tập và vui chơi ngoại khóa của nhà trường em cũng rất hào hứng với tiết giữa giờ để được học những bài múa chèo. Em thấy rất thú vị và hứng thú khi được hiểu hơn về làn điệu chèo truyền thống của quê hương. 

Nhằm truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống đến thế hệ trẻ, Trường Tiểu học Vũ Phúc đã đưa những làn điệu chèo vào giảng dạy và tiết tập thể dục giữa giờ. Vui tươi, hào hứng là cảm nhận chung của học sinh khi được tiếp cận bộ môn này. Qua các làn điệu chèo mà các cô giáo thanh nhạc trong trường truyền dạy, các em đã hiểu hơn về loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương mình. Nhiều học sinh đã có thể thuộc và hát đúng làn điệu một số bài chèo ngay tại lớp học. 

Em Lý Thị Vân Anh, lớp 5, Trường Tiểu học Vũ Phúc chia sẻ: Con biết và làm quen với làn điệu chèo từ khi vào lớp 1. Bắt đầu từ khi nhà trường dạy múa, hát về làn điệu chèo thì chúng con đã biết hát luyến láy và thêm yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống này. 

Còn với em Lê Nhật Minh Quân, lớp 4, Trường Tiểu học Vũ Phúc thì hát chèo đã ngấm vào em từ khi còn là cậu bé 4 tuổi. Ngay từ khi còn nhỏ em đã được mẹ hướng dẫn tận tình về cách luyến láy trong chèo. Vừa qua, tham gia cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình lần thứ IV và lọt vào vòng bán kết, Minh Quân tâm sự: Em rất vui và vinh dự khi được tham gia cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình. Đây chính là động lực để em tiếp tục theo đuổi đam mê hát chèo trong tương lai. 

Cô giáo Đoàn Thị Quế, Tổng phụ trách Liên đội Trường Tiểu học Vũ Phúc cho biết: Việc lồng ghép dạy chèo trong nhà trường giúp các em khơi dậy niềm say mê, yêu thích loại hình nghệ thuật này. Để những bài hát chèo được phổ biến tới các em học sinh, nhà trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa giới thiệu làn điệu chèo; đồng thời thành lập Câu lạc bộ Em yêu hát chèo. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển nghệ thuật chèo trong trường học đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghệ thuật chèo, từ đó trân trọng, có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo phù hợp với lứa tuổi học sinh, góp phần xây dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục trong trường học. Qua đó phát hiện những nhân tố có năng khiếu về nghệ thuật chèo, bồi dưỡng, tư vấn định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố được giới thiệu, làm quen, đưa nghệ thuật chèo vào giảng dạy tích hợp, lồng ghép phù hợp với từng cấp học; 50% cơ sở giáo dục phổ thông có câu lạc bộ chèo... Đến năm 2030, 100% cơ sở giáo dục phổ thông có câu lạc bộ chèo, có bài hát chèo được sáng tác dành riêng cho đơn vị. 

Việc đưa nghệ thuật hát chèo vào học đường đã tạo điều kiện cho học sinh có được sân chơi để giao lưu học hỏi, thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Đây cũng là những yếu tố giúp cho phong trào văn hóa văn nghệ trong các nhà trường trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, tìm kiếm tài năng để đào tạo nhân lực trẻ kế cận cho nghệ thuật chèo truyền thống của tỉnh nhà. 

Các em học sinh Trường THCS Vũ Chính đồng diễn bài múa chèo.

Minh Nguyệt 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày