Thứ 5, 25/04/2024, 10:30[GMT+7]

Thái Thụy: Xử lý môi trường bãi triều sau ngao chết

Thứ 4, 05/10/2022 | 08:31:52
10,143 lượt xem
Thời gian qua, trên địa bàn một số xã ven biển huyện Thái Thụy xuất hiện tình trạng ngao chết hàng loạt. Để bảo vệ môi trường biển không bị ô nhiễm, ngành chức năng huyện và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung nhân lực, phương tiện tiến hành thu gom vỏ, xác ngao chết và chôn lấp đúng nơi quy định.

Hộ nuôi ngao tại xã Thái Đô (Thái Thụy) thu gom vỏ ngao.

Vụ nuôi ngao năm nay, gia đình ông Nguyễn Bá Phường, thôn Tân Tiến, xã Thái Đô nuôi thả 6ha ngao thương phẩm tại vùng bãi triều ven biển. Thời gian gần đây, tại diện tích nuôi ngao của ông Phường đã xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt với tỷ lệ từ 30 - 40%. Để bảo đảm vệ sinh môi trường sống cho số ngao còn lại, gia đình ông đã tích cực thu gom toàn bộ lượng vỏ ngao chết, tiến hành vệ sinh bãi nuôi. 

Ông Phường cho biết: Do số lượng ngao nuôi bị chết trên diện tích lớn nên tôi phải thuê thêm 7 lao công cùng 2 lao động của nhà tiến hành thu dọn vỏ, xác ngao chết, vệ sinh mặt bãi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường bãi nuôi. Nhà tôi phải mất 4 buổi để thu dọn hết toàn bộ số vỏ, xác ngao chết trong bãi. Toàn bộ số vỏ ngao chết, gia đình cũng phối hợp với Công ty TNHH Minh Phú là đơn vị có diện tích nuôi ngao tại khu vực bãi triều này để tiến hành chôn lấp đúng nơi quy định.

Ông Nguyễn Văn Điều, thôn Tân Tiến, xã Thái Đô buồn bã chia sẻ: Gia đình tôi có 4ha bãi nuôi ngao thương phẩm bị chết với tỷ lệ hơn 30%. Nhà tôi phải thuê 5 lao động để tiến hành thu dọn vỏ ngao chết trên mặt bãi. Việc thu gom vỏ ngao chết là yêu cầu bắt buộc đối với các hộ nuôi bởi nếu không thu dọn số vỏ ngao chết sẽ làm ô nhiễm bãi nuôi, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của những con ngao đang sống. Do đó, trước khi địa phương tuyên truyền, vận động thì các hộ nuôi cũng đã chủ động, có kinh nghiệm trong việc vệ sinh bãi nuôi và thu gom, xử lý vỏ ngao chết.

Ông Tạ Đức Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Đô cho biết: Thời gian gần đây, xã tiếp nhận đơn trình báo của 80 hộ nuôi ngao bị chết với diện tích khoảng 500ha, gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con. Trước tình trạng ngao chết, UBND xã đã tuyên truyền để người dân tập trung thu gom vỏ ngao chết, vệ sinh vây lưới để bảo vệ môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến các vùng nuôi ngao khác. Ngoài ra, xã bố trí khu vực để đào hố chôn lấp vỏ ngao, xác ngao chết bảo đảm an toàn, đúng quy định về vệ sinh môi trường.

Toàn huyện Thái Thụy hiện có hơn 1.300ha ngao nuôi tại khu vực bãi triều thuộc các xã ven biển gồm: Thụy Trường, Thụy Hải, Thái Đô, Thái Thượng, Thụy Xuân. Theo báo cáo của UBND hai xã Thái Thượng và Thái Đô, vừa qua, tại bãi triều trên địa bàn hai xã có hiện tượng ngao chết. Trước tình trạng trên, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện, UBND hai xã kiểm tra, khảo sát tại một số khu vực bãi triều nuôi ngao và ghi nhận có hiện tượng ngao yếu, ngao chết, mật độ từ 600 - 5.400 con/m2, cỡ ngao từ 90 - 700 con/kg. 

Theo ông Bùi Huy Tập, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy: Để khắc phục hậu quả ngao chết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nuôi, Phòng đã tham mưu UBND huyện tăng cường chỉ đạo các xã ven biển có diện tích ngao nuôi, đặc biệt là UBND xã Thái Đô thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các sở, ngành chức năng của tỉnh trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản ven biển và thu gom, xử lý ngao chết, bảo vệ môi trường. 

Theo đó, yêu cầu UBND các xã ven biển khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn người dân tập trung nhân lực, trang thiết bị thực hiện thu gom vỏ ngao, xác ngao chết đưa ra ngoài khu vực bãi nuôi và đổ, chôn lấp đúng nơi quy định, tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi ngao. Hướng dẫn người dân kiểm tra mật độ ngao nuôi, nếu ngao khỏe cần có kế hoạch đảo bãi hoặc san thưa, bảo đảm mật độ dưới 300 con/m2 đối với cỡ ngao từ 500 - 700 con/kg. Hàng ngày, sau khi nước thủy triều xuống tiến hành san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây lưới phía cuối hướng dòng chảy, tránh hiện tượng mật độ quá cao gây chết ngao. Thường xuyên vệ sinh vây lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lưu thông cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho ngao sinh trưởng; vệ sinh mặt bãi, san lấp những vũng trũng đọng nước trên mặt bãi, tránh hiện tượng nhiệt độ tăng cao cục bộ gây chết ngao.

Trần Tuấn