Thứ 6, 03/05/2024, 05:32[GMT+7]

Hiệu quả xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm truyền thống

Thứ 5, 03/08/2023 | 23:29:27
3,930 lượt xem
Từ sản phẩm tự cung tự cấp, mắm cáy của người dân xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương đã trở thành hàng hóa có thương hiệu và được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Có được sự thay đổi tích cực đó đều xuất phát từ việc chủ động xây dựng nhãn hiệu tập thể, đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP cho sản phẩm truyền thống của địa phương.

HTX SXKDDV thủy sản Hồng Tiến chú trọng xây dựng hình ảnh cho sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến để thuận lợi tiếp cận thị trường.

Mắm cáy từ lâu là đặc sản của xã Hồng Tiến. Mắm cáy ở đây thơm ngon bởi được làm từ con cáy sống tự nhiên trong vùng nước lợ nên giàu đạm, sạch cộng với cách chế biến cầu kỳ, công phu của người dân được lưu truyền qua hàng trăm năm. Dù là đặc sản nhưng thứ thực phẩm nước chấm này làm ra chỉ để tự cung tự cấp trong thôn, trong xã. Sản phẩm không có quy cách đóng gói, nhãn mác và chưa đăng ký chất lượng, khó tiếp cận thị trường, vì vậy không mang lại giá trị kinh tế cho bà con.

Năm 2018, HTX SXKDDV thủy sản Hồng Tiến cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn quy trình sản xuất cho các hộ xã viên, đồng thời lập hồ sơ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến. Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, HTX tập trung chỉ đạo, quản lý chất lượng sản phẩm bảo đảm ổn định, đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn. Ý thức sản xuất chú trọng chất lượng mắm cáy của xã viên được nâng lên. HTX cũng đầu tư cho công tác đóng gói, nhãn mác, xây dựng hình ảnh sản phẩm hấp dẫn.

Có nhãn hiệu, mắm cáy Hồng Tiến bước đầu trở thành sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thị trường. Cũng như 30 hộ xã viên tham gia sản xuất mắm cáy, ông Hoàng Văn Phiệt, thôn Nam Hòa, xã Hồng Tiến phấn khởi vì sản phẩm nghề truyền thống của địa phương được nhiều nơi biết đến và việc tiêu thụ thuận lợi hơn. Ông Phiệt chia sẻ: Trước đây nhà tôi làm mắm cáy chủ yếu để gia đình dùng, nếu làm nhiều thì mang ra chợ quê bán có thêm chút tiền mua rau, mua cá. Nhưng từ khi địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến thì rất nhiều người ở trong, ngoài huyện về địa phương hỏi mua. Mỗi tháng, gia đình tôi làm và bán được 60 - 70 lít mắm cáy các loại, cho thu nhập gần 17 triệu đồng. Nghề làm mắm cáy bao đời của người dân chúng tôi đến giờ mới thực sự mang lại việc làm, thu nhập, mở ra cơ hội làm giàu.

Năm 2021, HTX SXKDDV thủy sản Hồng Tiến tiếp tục làm hồ sơ đăng ký và được UBND tỉnh cấp chứng nhận cho sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Các sản phẩm đều sử dụng mã số, mã vạch cung cấp đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, sản phẩm mắm cáy Hồng Tiến có đủ điều kiện tham gia vào các chuỗi cung ứng như siêu thị và sàn thương mại điện tử. Doanh thu bán hàng của HTX tăng mạnh, bình quân đạt 20%/năm. Nếu như năm 2020, tổng sản lượng mắm cáy của HTX sản xuất và tiêu thụ chỉ đạt khoảng 9.000 lít, doanh thu đạt hơn 2,3 tỷ đồng, đến năm 2022, sản lượng tiêu thụ hơn 12.000 lít, doanh thu gần 3,2 tỷ đồng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thời gian qua, HTX SXKDDV thủy sản Hồng Tiến đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp canh tác, khai thác hợp lý nhằm bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản từ vùng đất bãi ngập nước của xã. Cùng với đó, HTX cùng với địa phương quy hoạch gần 30ha diện tích cấy lúa hữu cơ kết hợp phát triển rươi và cáy, đưa tổng diện tích vùng nguyên liệu cáy của Hồng Tiến lên hơn 100ha. Nếu như trước đây, nông dân Hồng Tiến chỉ khai thác được khoảng gần 80 tấn cáy/năm thì nay đã đạt 120 tấn/năm và sản lượng cáy vẫn tiếp tục tăng nhờ bà con biết khai thác kết hợp bảo vệ cho cáy sinh sôi, phát triển.

Mắm cáy Hồng Tiến được người dân ưa chuộng. Ảnh khai thác internet

Ông Trần Văn Kiểm, Giám đốc HTX SXKDDV thủy sản Hồng Tiến cho biết: Sản lượng cáy ngày càng tăng nên ngoài sản xuất mắm cáy, chúng tôi cũng hướng dẫn, vận động xã viên phương pháp chế biến cáy tươi xay cấp đông. Sản phẩm chỉ với hai nguyên liệu chính là cáy xay nhuyễn lọc lấy thịt và nước muối ăn; do không có chất phụ gia, không có chất bảo quản nên rất an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm cũng được HTX đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và cấp mã số, mã vạch cung cấp thông tin truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm mới này cũng đang được người tiêu dùng đón nhận tích cực, nhất là các bếp ăn tập thể của nhà trường, doanh nghiệp trong tỉnh đặt mua nhiều. Mỗi tháng, HTX tiêu thụ được khoảng 1.000 lít cáy tươi xay cấp đông, doanh thu đạt 60 triệu đồng cũng góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân từ nghề chế biến cáy.

Hà Thanh