Thứ 6, 03/05/2024, 00:14[GMT+7]

Phòng, chống mưa bão cho đối tượng nuôi thủy sản

Thứ 7, 26/08/2023 | 16:51:04
3,627 lượt xem

Ảnh minh họa.

1. Đối với khu vực nuôi tôm, cá
Nếu có điều kiện cần chăng lưới bốn xung quanh ao, gim chân lưới chắc chắn để tránh hiện tượng nước tràn bờ tôm, cá thoát ra ngoài. Sử dụng vôi bột rắc xung quanh bờ ao, chủ động chuẩn bị máy phát điện để đề phòng hiện tượng mất điện.

Trong ao nuôi nước mặn, lợ nước ao nuôi dễ bị phân tầng trên ngọt dưới mặn, xảy ra tình trạng thiếu ô xy tầng đáy, cần sử dụng quạt nước, sục khí hoặc máy bơm, bơm đảo nước trong ao để chống sự phân tầng của nước, tăng cường ô xy. Chủ động tháo nước tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa có trong ao. Khi mưa dứt, nắng bật lên, các chất hữu cơ phân hủy nhanh tạo ra các khí độc trong ao làm tôm, cá dễ bị ngộ độc, người nuôi cần sử dụng hóa chất để giải phóng khí độc ra khỏi ao.

Trong thời gian xử lý hóa chất, người nuôi nên sử dụng máy quạt nước, sục khí để tăng cường ô xy hòa tan trong nước, chủ động có sẵn OXYTAZEN dạng hạt hoặc dạng nước để đề phòng tình trạng thiếu ô xy cục bộ xảy ra.

Trong những ngày mưa bão và sau mưa thời tiết chưa ổn định người nuôi không nên cho tôm ăn tươi sống (don dắt, ốc...), nhất là với các ao nuôi tôm sú dễ gây ra tình trạng ô nhiễm nước ao nuôi.

Đối với các ao nuôi cá biển thường sử dụng thức ăn tươi sống, trong những ngày mưa nên hạn chế thức ăn tươi sống, vệ sinh khu vực cho cá ăn, phối trộn thuốc phòng bệnh tiên đắc với lượng 0,25g thuốc/1kg cá để phòng mội số loại bệnh thường gặp ở các loài cá nuôi.

Dùng thuốc Vikato rải trực tiếp xuống ao với lượng từ 400 - 500g/1000m3 để tiêu độc khử trùng và phòng bệnh ngoại ký sinh trùng cho ao nuôi cá.

Vệ sinh ao, vớt lá cây và rác thải khác ra khỏi ao nuôi.

2. Đối với khu vực nuôi ngao ngoài bãi triều
Người nuôi cần đề phòng hiện tượng ngọt hóa của môi trường nuôi ngao do lượng nước mưa tích tụ và lượng nước mưa tiêu úng từ nội đồng đổ ra. Với những bãi ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên tiến hành thu hoạch ngay để tránh thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Kiểm tra vây lưới, kịp thời san ngao khi có hiện tường dạt vào chân vây, thực hiện tốt việc khai thông các vùng nước đọng, tránh hiện tượng ứ đọng nước ngọt cục bộ kéo dài làm chết ngao nuôi.

3. Đối với khu vực nuôi cá lồng
Kiểm tra gia cố dây neo, phao nâng, lồng bè, nếu có điều kiện di chuyển lồng bè đến khu vực an toàn.

Trung tâm Khuyến nông Thái Bình