Thứ 4, 04/12/2024, 00:42[GMT+7]

Triển khai cao điểm chống khai thác IUU

Thứ 5, 08/02/2024 | 15:10:23
6,006 lượt xem
Cùng với những tỉnh, thành ven biển khác, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã thực hiện hàng loạt biện pháp như tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tàu thuyền trong quá trình đánh bắt hải sản cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để chung tay quyết tâm hành động, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định (IUU) trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo của tỉnh về chống khai thác IUU kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại huyện Tiền Hải.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền…

Thực hiện chống khai thác IUU hầu hết ngư dân Thái Bình luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong khai thác, đánh bắt thủy sản đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không xâm phạm vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận ngư dân thiếu ý thức hoặc vì lợi ích kinh tế đã khai thác sai luồng tuyến, mất kết nối… Từ đó, việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn so với trước đây.

Năm 2023, Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh Thái Bình đã thành lập 5 đoàn kiểm tra chống khai thác IUU tại huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Từ đầu năm 2024 đến nay đã tổ chức các cuộc kiểm tra, tại các cảng cá, bến cá; đánh giá tình hình thực hiện các quy định kiểm soát việc khai thác hải sản trên địa bàn theo quy định và tăng cường các biện pháp nhằm kiên quyết không để tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp xảy ra. Đây là động thái tích cực của Thái Bình khắc phục những hạn chế mà đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại cuộc kiểm tra chống khai thác IUU vào ngày 17/1/2024. 

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin: Toàn tỉnh hiện có 725 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản, trong đó: Lưới kéo 188 tàu, lưới rê 375 tàu cá, lưới vây 6 tàu cá, dịch vụ hậu cần 21 tàu cá, lưới chụp 2 tàu cá, nghề khác 133 tàu cá. 100% tàu cá của tỉnh được kẻ biển, đánh dấu theo quy định; 173/175 tàu cá được cấp giấy chứng nhận theo quy định, đạt 98,85%; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên được kiểm tra, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật. 173/175 tàu cá đang hoạt động đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tàu cá, nhất là tàu cá khai thác vùng khơi không để vượt qua ranh giới vùng biển, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Chủ động rà soát, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định gắn với giám sát sản lượng tại các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền. Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở ngư dân và chủ phương tiện chấp hành nghiêm việc khai thác thủy sản đúng vùng, sử dụng ngư cụ đúng tiêu chuẩn quy định và không dùng chất nổ, chất cấm, xung điện, dụng cụ khai thác có tính hủy diệt thủy sản và không vi phạm vùng biển nước ngoài. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ 19 tài khoản theo dõi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để chủ động theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá và phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi tàu cá có sự cố trên biển. Đến nay, Thái Bình chưa phát hiện tàu cá, ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị các lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ.

Đại tá Lâm Mạnh Hồi, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thái Bình cho biết: Bộ đội Biên phòng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho ngư dân về tác hại của việc khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp. Chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời Bộ đội Biên phòng luôn đồng hành, hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững. Từ đó, ngư dân cũng đã nâng cao ý thức trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và có nhiều hành động thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các xã có số tàu cá hoạt động khai thác thủy hải sản tiếp tục vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ với các ngành, đơn vị, các cấp liên quan để bảo đảm từng người dân, từng chủ tàu, thuyền trưởng biết và thực hiện nghiêm các quy định một cách hiệu quả và thường xuyên, để các hiện tượng vi phạm, tiêu cực chấm dứt, sớm gỡ "thẻ vàng", đưa hoạt động khai thác thủy sản trở lại lành mạnh, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế, phù hợp lợi ích chính đáng của đất nước và ngư dân.

Ông Bùi Đức Thàn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Tiền Hải cho biết: Trong những ngày giáp tết Nguyên đán 2024, khi các ngư dân huyện Tiền Hải cập bến không ra khơi đánh bắt hải sản, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền đến từng chủ tàu, nhà ngư dân về các hành vi khai thác thủy sản bị coi là bất hợp pháp; các loại giấy tờ cần có khi khai thác thủy sản trên biển; các chế tài xử lý khi khai thác hải sản không bảo đảm quy định, đặc biệt là không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo của tỉnh về chống khai thác IUU tặng quà cho ngư dân huyện Tiền Hải.

Quyết liệt từ công tác chỉ đạo chống khai thác IUU

Tại cuộc kiểm tra chống khai thác IUU sáng ngày 7/2/2024, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo của tỉnh về chống khai thác IUU nêu rõ: Để thực hiện có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 4/2024), UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 30/KH-UBND về kế hoạch cao điểm chống khai thác IUU đến tháng 4/2024. Đồng thời đã yêu cầu các địa phương khắc phục một số tồn tại hạn chế như: Tàu cá mất kết nối, giám sát hành trình trên biển; tàu cá vi phạm sai vùng khai thác; kiểm soát chất lượng nhật ký, phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản; tàu cá chưa sơn cabin, kẻ biển số theo đúng quy định; tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo, và không theo quy định ra vào cảng cá và các cửa sông, cửa lạch chưa được kiểm soát. Để sớm gỡ “thẻ vàng” các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý tàu cá như đăng ký tàu cá, cấp giấy khai thác thủy sản cập nhật đầy đủ vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia Vnfishbase, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm IUU. Thực hiện giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá - Cục Thủy sản và cảnh báo chủ tàu, thuyền trưởng khi đưa tàu vượt ranh giới cho phép trên biển hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi hoạt động trên biển. Kịp thời thông báo tới các địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan điều điều tra, xác minh xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm về mất kết nối VMS trên biển. Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện rà soát thống kê toàn bộ tàu cá, thông báo, yêu cầu các chủ tàu sơn ca bin, kẻ biển số theo đúng quy định; hướng dẫn tổ chức quản lý cảng cá trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo Văn phòng đại diện Thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh kiểm tra xử lý và lưu trữ hồ sơ liên quan đến tàu cá vi phạm khai thác IUU tại cảng. Bảo đảm số lượng kiểm tra tàu cá cập cảng, tàu cá rời cảng lớn hơn tỷ lệ kiểm  tra tối thiểu theo từng đối tượng kiểm tra quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT; xử lý tàu cá vi phạm lUU đặc biệt là tàu cá vi phạm sai vùng khai thác, mất kết nối trên biển quá thời gian quy định. Các ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn, xử lý các tàu cá có nguy cơ vi phạm lUU. Chủ động trong công tác nắm tình hình, trực tiếp điều tra hoặc phối hợp điều tra xử lý 100% tàu cá vi phạm các quy định lUU theo thẩm quyền, tập trung điều tra, xử lý hành vi tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu các mất tín hiệu kết nối VMS. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến ngư dân qua nhiều hình thức thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng…

Tàu thuyền của ngư dân huyện Tiền Hải cập bến cảng cá cửa Lân.

Để nhanh chóng gỡ ‘‘thẻ vàng’’ của EC ngoài sự chỉ đạo của các cấp, các ngành cần có sự chung tay của ngư dân khi ra khơi đánh bắt hải sản phải có trách nhiệm, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên biển, chấp hành nghiêm việc đánh bắt thủy sản đúng vùng tuyến, đúng quy định pháp luật Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây là hành động thiết thực góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia nói chung và mặt hàng thủy sản nói riêng trên thương trường quốc tế.

Mạnh Thắng – Lưu Ngần