Thứ 6, 19/04/2024, 07:47[GMT+7]

BRICS bộc lộ sức sống mạnh mẽ

Thứ 6, 30/12/2011 | 08:17:45
1,758 lượt xem
Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) – một nhóm các nền kinh tế đặc biệt, đang có bước tiến dài với sức sống mạnh mẽ, được coi là điểm sáng trên khuôn hình kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa của năm 2011.

Trái với phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ và các nước Khu vực sử dụng đồng Euro, các nền kinh tế mới nổi đang chiếu rọi tia sáng hy vọng, trong đó phải kể đến vai trò của các nước BRICS.

Năm 2011, kinh tế Trung Quốc ước tăng 9%, Ấn Độ tăng 8%, Nga 4% trong khi Brazil, Nam Phi cũng đang đạt được những bước tiến bộ đáng kể. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế mới nổi được dự đoán là sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình là 6,4%, so với mức 1,6% của các nước phát triển. Các nước đang phát triển đang chiếm phần ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới.

Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, Liên Hợp Quốc trong một báo cáo cho biết các nền kinh tế đang nổi đứng đầu là Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo Jim O'Neill, Giám đốc Hãng Quản lý Tài sản của Goldman Sachs, người đưa ra khái niệm “BRIC” (trừ Nam Phi), trong giai đoạn từ năm 2001 - 2010, chỉ số GDP của các nước BRIC đã có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, nhiều hơn những gì mà ông đã tưởng tượng, thậm chí cả trong những viễn cảnh lạc quan nhất.

Từ góc độ một nhà kinh tế học, trong cuốn sách “Bản đồ phát triển: Cơ hội kinh tế tại các nước BRIC và Hơn thế nữa”, Jim O'Neill viết: “Sau 10 năm chứng kiến sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đã đến lúc hình thành một trật tự thế giới mới, với việc các nước BRIC có được vị trí xứng đáng”.

Vị thế của các nước thuộc BRIC là không thể bàn cãi, nhưng các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo, như một quy luật “thịnh-suy”, tăng trưởng kinh tế bình quân ở các nước này giảm sẽ từ mức 9,7% trong cả 10 năm qua xuống mức 6,1% vào năm 2012.

Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ bị cản trở bởi mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1935. Giá trị đồng Rupee xuống tới mức thấp kỉ lục khiến lạm phát tăng nhanh và gây khó khăn cho đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế Brazil và Nga tuy đã tăng trưởng suốt thập kỉ qua nhưng đã có dấu hiệu bị tổn hại do giá kim loại giảm ở Trung Quốc.

Năm 2011, chỉ số Composite Thượng Hải của Trung Quốc và chỉ số BSE của Ấn Độ cùng giảm 23%. Trong khi chỉ số Micex của Nga giảm 18% còn Bovespa của Brazil cũng giảm 16%. Trong cùng thời gian, chỉ số chứng khoán MSCI nhóm các thị trường mới nổi của 21 quốc gia giảm 20%, chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ tăng 0,6%.

Theo đánh giá của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs, thập kỉ huy hoàng của các thị trường mới nổi này có thể đã qua đi.

Theo VGP

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày