Thứ 5, 25/07/2024, 21:59[GMT+7]

Châu Âu bị hạ bậc tín nhiệm hàng loạt

Thứ 2, 16/01/2012 | 08:14:51
1,372 lượt xem
Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) bất ngờ hạ mức xếp hạng của một loạt nước trong khu vực sử dụng đồng euro. Quyết định này được nhận định sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống khủng hoảng nợ công châu Âu vốn đang bế tắc hiện nay.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's. (Nguồn: AP)

9 nước châu Âu đã đồng loạt bị hạ bậc tín nhiệm trong thông báo của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 13/01. Theo cơ quan này, các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu cho đến nay vẫn chưa hiệu quả.

Ông John Chambers, Giám đốc phụ trách xếp hạng, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết: “Các biện pháp được áp dụng cho đến nay, chủ yếu là thắt chặt chi tiêu, theo chúng tôi là chẩn đoán sai vấn đề nợ của châu Âu. Vấn đề của châu Âu thực ra liên quan đến tính cạnh tranh”.

Trong 9 nước bị hạ bậc lần này, thu hút sự chú ý nhiều nhất là Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 eurozone và là nước đóng góp lớn thứ 2 cho Quỹ cứu trợ tài chính châu Âu, Pháp từ mức cao nhất AAA bị hạ 1 bậc.

Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin cho biết, quyết định của S&P sẽ không ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của Pháp: “Đây không phải một tin tốt lành, nhưng cũng không đến mức là một thảm họa. Nó giống như 1 sinh viên bao lâu nay vẫn được điểm 20/20, bây giờ xuống 19 điểm. Đấy vẫn là một điểm số cao”.

Cùng với Pháp là 8 nước khác bị hạ bậc tín nhiệm: Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Chypre bị hạ 2 bậc, còn Áo, Malta, Slovakia và Slovenia bị hạ 1 bậc. Như vậy, trong 17 nước khu vực đồng euro, 16 nước đang ở trong tình trạng đáng lo ngại, chỉ còn Đức vẫn vững vàng ở bậc cao nhất.

Quan chức phụ trách kinh tế hàng đầu của EU đã chỉ trích quyết định của S&P. Cũng chính cơ quan này đã hứng chịu nhiều búa rìu dư luận khi hạ bậc tín nhiệm của Mỹ hồi năm ngoái.

Ông Olli Rehn, Ủy viên kinh tế Liên minh châu Âu (EU) cho biết: “Động thái này không nhất quán trong bối cảnh khu vực đồng euro đang có hành động mang tính quyết định để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ”.

Quyết định lần này của S&P không gây ra sự hoảng loạn trên các thị trường do các nhà đầu tư đã được chuẩn bị về tâm lý. Tuy nhiên, Chính phủ các nước châu Âu sẽ phải đối mặt với chi phí vay mượn cao hơn, làm gia tăng áp lực tài chính trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Theo VTV

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày