Chủ nhật, 24/11/2024, 11:57[GMT+7]

“Số hóa” di tích lịch sử văn hóa

Thứ 4, 10/04/2024 | 07:19:47
4,005 lượt xem
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, tuổi trẻ thành phố Thái Bình đã thực hiện dán mã QR tại các di tích. Từ công trình thanh niên này, người dân và du khách dễ dàng tra cứu thông tin, giới thiệu, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa.

Quét mã QR tại công trình thanh niên tuyên truyền, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa từ đường Bùi Quang Dũng, xã Tân Bình (thành phố Thái Bình).

Từ đường Bùi Quang Dũng, thôn Đồng Thanh, xã Tân Bình là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lưu giữ bia đá khắc bài văn ca ngợi công đức của một trong những công thần khai quốc thời Đinh, thế kỷ thứ X. Đến đây, thay vì phải có người hướng dẫn hay thông tin về địa điểm này thì người dân và du khách chỉ cần lấy điện thoại quét mã QR từ đó dẫn đến website có những thông tin chính xác và đầy đủ về di tích. Ông Bùi Xuân Sính, người trông coi từ đường Bùi Quang Dũng cho biết: Tháng 3/2024, Đoàn Thanh niên thành phố Thái Bình đã gắn biển mã QR tại công trình thanh niên tuyên truyền về di tích lịch sử văn hóa tại từ đường. Việc xây dựng công trình là sự sáng tạo trong công tác quảng bá, mang lại hiệu quả thiết thực. Thay vì cần liên hệ trước để có hướng dẫn khi tham quan như trước, ứng dụng quét mã QR cho phép du khách tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nhất, tiện lợi nhất và bảo đảm tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... Anh Lê Văn Đạt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Bình cho biết: Ngoài việc dán mã QR tại từ đường Bùi Quang Dũng và chùa Chành, Đoàn Thanh niên xã cũng tuyên truyền trên fanpage của Đoàn Thanh niên xã, các hội nhóm của thanh niên để đoàn viên, thanh niên biết, thêm niềm tự hào và cùng gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của di tích lịch sử văn hóa.

Còn chị Phí Thị Thanh Hoa, thôn Hưng Đạo, xã Vũ Đông chia sẻ: Đa số đoàn viên, thanh niên cũng như người dân đều sử dụng điện thoại thông minh, nên việc quét mã QR đã tạo thuận lợi trong việc tìm hiểu di tích. Du khách tìm hiểu và tham khảo nhiều thông tin hơn so với phương thức truyền tải truyền thống. Trong khi đó, phương thức tuyên truyền này vẫn bảo đảm tính chính xác về các dữ liệu liên quan đến di tích, phục vụ người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.

Để triển khai việc gắn mã QR cho các di tích lịch sử văn hóa, các cấp bộ đoàn ở thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương, đơn vị chọn lọc tài liệu, cập nhật nhiều thông tin hữu ích, tổng hợp những bài thuyết minh hấp dẫn chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của các ban quản lý di tích. Anh Vũ Mạnh Hoàng, Bí thư Thành đoàn cho biết: Tự hào và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, tuổi trẻ thành phố Thái Bình luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy. Trong đó, việc “số hóa” các di tích tại địa phương đang được các cấp bộ đoàn thúc đẩy thực hiện. Đến nay, toàn thành phố đã có 19 di tích được tuổi trẻ dán mã QR tuyên truyền. Mỗi mã QR có chứa nhiều thông tin, hình ảnh trực quan về các di tích và có thể cập nhật sự thay đổi các dữ liệu thông tin theo thời gian một cách dễ dàng. Các cơ sở đoàn đang tiếp tục khảo sát để triển khai các công trình dán mã QR, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho nhiều đối tượng khác nhau.

Ông Vũ Văn Liệu, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Thái Bình cho biết: Dán mã QR tại các di tích lịch sử văn hóa là công trình thanh niên thiết thực nhằm giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên tiếp tục phát huy truyền thống của địa phương, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như của đoàn.

Với những tiện ích mang lại, mã QR tại các di tích lịch sử văn hóa đã trở thành trợ thủ đắc lực giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và cảm nhận các giá trị của điểm đến một cách trọn vẹn hơn.

Đoàn Thanh niên xã Vũ Đông dán bảng mã QR về đình làng Đông Trì.



Xuân Phương