Thứ 6, 27/12/2024, 09:20[GMT+7]

Nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em

Thứ 3, 17/09/2024 | 09:31:32
2,152 lượt xem
Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ em. Tình trạng thiếu dinh dưỡng xảy ra trong các giai đoạn phát triển làm trẻ em không phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, do đó cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học.

Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ nông thôn.

Từ đầu tháng 7/2024 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với trung tâm y tế 7 huyện trong tỉnh tổ chức chương trình tư vấn phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE), cấp sản phẩm cho trẻ suy dinh dưỡng và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho hơn 1.400 phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và người trực tiếp chăm sóc trẻ tại 14 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện. Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống SDDTE tại địa phương, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực cho trẻ em. Tại đây, các bà mẹ được tư vấn cách lựa chọn, chế biến và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng. 

Chị Phạm Liên Chi, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) con 9 tháng tuổi có biểu hiện suy dinh dưỡng, khi biết tại Trạm Y tế thị trấn tổ chức buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng chị đã đưa con đến để nghe bác sĩ hướng dẫn. Chị chia sẻ, tại đây chị đã tiếp nhận được nhiều thông tin cần thiết về dinh dưỡng và kiến thức phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng, đa dạng hóa thực phẩm cho bữa ăn gia đình và cách theo dõi sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. 

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Trạm Y tế thị trấn cho biết: Chương trình phòng, chống SDDTE được địa phương rất quan tâm. Hàng năm, Trạm phối hợp tổ chức nhiều buổi truyền thông, tư vấn trực tiếp, đồng thời phát qua hệ thống truyền thanh về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung vitamin A, tuyên truyền hướng dẫn cách sử dụng và chế biến hợp lý các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. 

Những năm qua, hoạt động phòng, chống SDDTE trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm. Trong đó, hoạt động truyền thông về dinh dưỡng tại cộng đồng là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phòng, chống SDDTE với mục đích nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi dinh dưỡng ngày càng tốt hơn cho người dân, đặc biệt là trẻ em. 

Bác sĩ Lại Văn Hạ, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Hiện nay, các bà mẹ vẫn chủ yếu nấu ăn cho con dựa vào kinh nghiệm, đôi khi có những kinh nghiệm chưa đúng, không bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng, cơ cấu bữa ăn cho trẻ, dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng. Trước thực trạng trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với các trạm y tế tổ chức truyền thông, tư vấn và trình diễn bữa ăn mẫu... nhằm cung cấp những kiến thức và kỹ năng đúng để các mẹ và những người chăm sóc trẻ hiểu đúng và thực hành đúng dinh dưỡng. Ngoài ra, vừa qua, Trung tâm phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em và Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức 7 lớp hướng dẫn sử dụng phần mềm thực đơn dinh dưỡng mẹ và bé cho 500 cán bộ y tế các tuyến và 1.500 phụ nữ có thai, bà mẹ đang nuôi con nhỏ trong toàn tỉnh. Các hoạt động về dinh dưỡng thu hút sự tham gia nhiệt tình của cán bộ y tế, các bà mẹ và người chăm sóc trẻ tại cộng đồng. 

Cũng với mục tiêu nâng cao kiến thức, thực hành dinh dưỡng hợp lý cho cộng đồng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi, ngành y tế đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống SDDTE vào tháng hành động vì trẻ em, chiến dịch uống vitamin A bổ sung, tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ... Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hoạt động chuyên sâu về công tác phòng, chống SDDTE của y tế thôn, tổ dân phố đã giúp thu được những kết quả khả quan. Năm 2023, theo kết quả điều tra 30 cụm của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ SDDTE thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 9,8%, thể gầy còm là 6%, thể thừa cân - béo phì là 7,4%. 

Để hoạt động phòng, chống SDDTE trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao hơn, những hoạt động trọng tâm tiếp tục được triển khai là: Củng cố, nâng cao năng lực mạng lưới làm công tác dinh dưỡng; xây dựng mô hình điểm về chăm sóc toàn diện cho trẻ; tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, gia đình và mỗi người dân về phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi; theo dõi tăng trưởng và bổ sung vitamin A, viên sắt/đa vi chất cho các đối tượng nguy cơ; phối hợp tổ chức triển khai theo quan điểm hoạt động cải thiện dinh dưỡng là một hoạt động liên ngành, có sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, có sự tham gia của mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng. 

Hoàng Thía

 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày