Thứ 4, 15/01/2025, 12:48[GMT+7]

Vẫn phát hiện các vi phạm về an toàn thực phẩm

Thứ 2, 27/05/2024 | 08:51:22
4,586 lượt xem
Dù các ngành, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên tuyên truyền, tiến hành kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP vẫn diễn ra.

Các thành viên trong đoàn kiểm tra tại hộ kinh doanh tiệm bánh Minh Khôi (thành phố Thái Bình).

Trong tháng hành động vì ATTP năm 2024, mới đây kiểm tra tại hộ kinh doanh tiệm bánh Minh Khôi (thành phố Thái Bình), đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh đã phát hiện vi phạm và quyết định xử phạt cơ sở về hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định. 

Anh Đặng Ngọc Minh, chủ hộ kinh doanh cho biết: Mỗi ngày cơ sở xuất bán khoảng 10 - 15 chiếc bánh ga tô và sử dụng hết 3 - 4kg bột để làm bánh. Do còn thiếu kinh nghiệm nên đã để xảy ra vi phạm. Qua kiểm tra, từ hướng dẫn, nhắc nhở của các thành viên trong đoàn, tôi đã rút ra kinh nghiệm, đồng thời có thêm kiến thức để hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện tốt hơn. 

Ngoài hộ kinh doanh tiệm bánh Minh Khôi, qua kiểm tra các thủ tục pháp lý theo quy định hiện hành về ATTP và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc bảo quản nguyên liệu thực phẩm, quy trình sản xuất, đóng gói... tại Công ty TNHH Thảo dược Bông Tuyết, xã Phúc Khánh (Hưng Hà), các thành viên trong đoàn kiểm tra cũng phát hiện cơ sở vi phạm với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định. Đoàn đã đề nghị chủ cơ sở lên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để nhận quyết định xử phạt. 

Ông Phạm Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Bông Tuyết chia sẻ: Qua kiểm tra, chúng tôi đã nhận ra lỗi vi phạm. Công ty sẽ cố gắng khắc phục, rất cảm ơn đoàn đã có những hướng dẫn, chỉ ra tồn tại, hạn chế để chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn. 

Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP trong tháng hành động vì ATTP năm 2024, ngành y tế, ngành nông nghiệp, ngành công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp kiểm tra tại các cơ sở thuộc lĩnh vực quản lý. Hoạt động kiểm tra liên ngành tập trung vào các cơ sở như: bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm... Qua kiểm tra liên ngành từ ngày 2 - 13/5 tại 10 cơ sở, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh do ngành y tế chủ trì đã phát hiện lỗi vi phạm, ra quyết định xử phạt 5 cơ sở gồm: 3 bếp ăn tập thể, 1 hộ kinh doanh tiệm bánh và 1 công ty sản xuất, kinh doanh trà thảo dược. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các huyện, thành phố. 

Ngoài hoạt động kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người trực tiếp chế biến thực phẩm; đồng thời, thường xuyên tổ chức giám sát mối nguy. Chi cục đã thực hiện mua mẫu giám sát tại 22 xã trên địa bàn huyện Kiến Xương với tổng số gần 440 mẫu sản phẩm chế biến từ thịt (giò, chả), 11 mẫu rượu trắng. Kết quả, phát hiện 12 mẫu sản phẩm chế biến từ thịt của 8 cơ sở có test nhanh dương tính với hàn the. Chi cục đã phối hợp với UBND huyện Kiến Xương kiểm tra đột xuất 8 cơ sở, trong đó lấy mẫu được 5 cơ sở, 3 cơ sở còn lại không lấy mẫu được do đóng cửa, không kinh doanh. Kiểm nghiệm 5 mẫu thì 4 mẫu có kết quả giò, chả có hàn the - chất cấm trong thực phẩm với hàm lượng từ 439 - 2449mg/kg. Chi cục đã mời 4 cơ sở lên làm việc, lập biên bản xử phạt với tổng số tiền 28 triệu đồng. Hiện cơ sở đã chấp hành nộp phạt nghiêm túc, đúng quy định. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trong tháng hành động vì ATTP, chúng tôi kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc 3 ngành quản lý nhằm nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về ATTP để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Qua kiểm tra các cơ sở ngành y tế quản lý, chúng tôi thấy hầu hết các cơ sở đã tuân thủ quy định về ATTP song vẫn còn phát hiện một số cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể có những lỗi vi phạm như: Nơi chế biến vẫn có côn trùng, việc lưu mẫu, kiểm thực 3 bước chưa đúng quy định, chưa xuất trình được hóa đơn, hợp đồng mua bán nguyên liệu... 

Thực tế cho thấy nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn hiện hữu. Theo thống kê của Bộ Y tế, quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Gần đây nhất là vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) làm hơn 300 công nhân phải nhập viện điều trị. 

Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm là tiếng chuông cảnh báo đối với các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi người dân, gia đình. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP... 

Với thời tiết nắng nóng của mùa hè, thực phẩm rất dễ ôi thiu, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng lớn, do đó việc bảo đảm ATTP càng phải được chú trọng. Bảo đảm ATTP từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, phân phối, vận chuyển đến sử dụng là trách nhiệm chung của mỗi người vì sức khỏe của bản thân, cộng đồng, tránh để ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của tỉnh kiểm tra tại bếp ăn Trường Mầm non Lê Danh Phương (Hưng Hà).

Như Hoàng