Thứ 6, 22/11/2024, 12:14[GMT+7]

Mùa hè - thêm nỗi lo về an toàn thực phẩm

Thứ 7, 22/06/2024 | 12:05:27
7,739 lượt xem
Gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), trong đó có vụ khiến hàng trăm người phải nhập viện, thậm chí có người đã tử vong. Nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nếu như các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm không được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người buôn bán thực phẩm thực hiện một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, với yếu tố thời tiết mùa hè, nhiệt độ nóng như hiện nay, thực phẩm rất dễ hỏng, ôi thiu làm tăng nguy cơ gây NĐTP.

Nhân viên Công ty TNHH May Lan Lan chuẩn bị suất ăn trưa cho người lao động bảo đảm an toàn thực phẩm.

Liên tiếp xảy ra ngộ độc thực phẩm 

Trong tháng 5/2024, tại Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ NĐTP đông người, trong đó vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mỳ đã khiến gần 550 người phải nhập viện, trong đó có bệnh nhi 5 tuổi nặng nhất tử vong. Trước đó, tại Sóc Trăng cũng ghi nhận vụ NĐTP sau khi ăn bánh mỳ khiến 150 người phải đi viện; tại Khánh Hòa gần 340 người phải đi viện sau khi ăn ở quán cơm gà; tại Vĩnh Phúc, hơn 430 người phải nhập viện sau khi ăn tại một bếp ăn tập thể. 

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 5 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 26 vụ NĐTP khiến hơn 2.100 người mắc. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ NĐTP giảm song số người mắc lại tăng gấp 3 lần. Không chỉ ở các quán ăn đường phố, NĐTP xảy ra ở cả bếp ăn trong khu công nghiệp, trường học. Trong 26 vụ NĐTP 5 tháng đầu năm có tới 11 vụ liên quan đến vi sinh vật làm 1.241 người mắc, chiếm tới 58% tổng số ca mắc. Ngoài vi sinh vật, độc tố vi sinh vật còn có do hóa chất, độc tố tự nhiên... Nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP được chỉ ra là do thời tiết nóng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột; nhận thức và ý thức của người dân về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng, chống NĐTP chưa tốt; một số cơ sở còn buông lỏng quản lý, đặc biệt là việc hoạt động giám sát nguyên liệu đầu vào...

Tại Thái Bình, dù từ đầu năm đến nay chưa ghi nhận có vụ NĐTP đông người xảy ra song cũng ghi nhận vụ việc liên quan đến mất ATTP cho thấy nguy cơ NĐTP luôn tiềm ẩn. 

Vẫn còn những nỗi lo... 

Là người nội trợ, thường xuyên đi mua thực phẩm cho gia đình, bà Nguyễn Thị Mây, xã Vũ Chính (thành phố Thái Bình) luôn lo lắng về chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm hiện nay. Bà chia sẻ: Khi đi mua thực phẩm, kể cả với người nội trợ có kinh nghiệm cũng chỉ phân biệt được giữa thực phẩm tươi ngon và ôi thiu chứ khó có thể phân biệt được thực phẩm có chứa chất cấm hay không. Vấn đề nguồn gốc thực phẩm cũng luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát, phát hiện hàng giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc, không bảo đảm an toàn.  

Dù công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP vẫn được các ngành, địa phương, đơn vị liên quan thực hiện, trong đó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thường xuyên tiến hành các đợt kiểm tra chuyên ngành, liên ngành; xử phạt nhiều cơ sở song qua kiểm tra vẫn phát hiện các vi phạm về ATTP. 

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Trong quá trình kiểm tra, một số lỗi vi phạm mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường gặp là: nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; người trực tiếp chế biến thức ăn không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, chưa thực hiện đúng quy định về kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; vẫn phát hiện giò, chả có chứa chất cấm (hàn the)... Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý, lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP; đồng thời công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. 

Bảo đảm ATTP từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng 

NĐTP có thể xuất hiện mọi lúc, mọi nơi nếu chủ quan, lơ là. Triệu chứng cụ thể của NĐTP tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây ra. Nếu do vi sinh vật hoặc độc tố từ vi sinh vật, người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước. Nếu NĐTP do nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên, bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa mà cả ở các cơ quan khác như hệ thần kinh, tim mạch. NĐTP sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hóa, bị mất nước, nhiễm trùng hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng như: rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng... 

Từ thực trạng các vụ NĐTP liên tục xảy ra thời gian gần đây, bà Phạm Thị Mỹ Hạnh khuyến cáo: Để phòng ngừa và hạn chế NĐTP có thể xảy ra, người dân cần thực hiện 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn theo khuyến cáo của WHO như: Chọn thực phẩm an toàn; nấu chín kỹ thức ăn; ăn ngay sau khi nấu; bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín; nấu lại thức ăn thật kỹ; tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống; rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Bên cạnh đó, khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị NĐTP cần phải dừng ngay việc sử dụng và niêm giữ toàn bộ thực phẩm đó lại để xác minh và báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để xử lý kịp thời; đưa người bị ngộ độc đến các cơ sở y tế. 

Nguy cơ NĐTP vẫn luôn hiện hữu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vấn đề cốt lõi trong công tác bảo đảm ATTP hiện nay. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình kiến thức cần thiết trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho chính mình và gia đình. 

 Cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất nhập khẩu Vân Tiến (thành phố Thái Bình) chú trọng bảo đảm vệ sinh khu vực chế biến thực phẩm.

Hoàng Lanh