Thứ 2, 02/12/2024, 18:39[GMT+7]

Tránh “tiền mất tật mang” khi mua thực phẩm chức năng qua mạng

Thứ 5, 28/11/2024 | 09:20:17
703 lượt xem
Khi nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng để chăm sóc sức khỏe, làm đẹp... của người dân ngày càng tăng thì thị trường buôn bán các sản phẩm này cũng trở nên sôi động. Không chỉ các cơ sở bán lẻ thuốc, các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng xuất hiện, quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng khiến người tiêu dùng như bước vào “ma trận”, từ hàng xách tay cho đến sản phẩm sản xuất trong nước.

Ảnh minh họa.

Bỏ tiền mua “niềm tin”

Thỉnh thoảng người bị hoa mắt, chóng mặt, da nổi mụn... nên chị Vũ Thị Hương (thành phố Thái Bình) lên mạng tìm mua thực phẩm chức năng, chủ yếu là sản phẩm bổ gan, bổ não. Chị Hương chia sẻ: Người bán không có cửa hàng, chỉ bán online nên tôi không xem được trực tiếp sản phẩm. Họ giới thiệu là hàng xách tay từ nước ngoài về. Tôi tin tưởng mua vì là người quen bán chứ cũng không biết nguồn gốc sản phẩm như thế nào, có đúng như quảng cáo không.

Cũng như chị Hương, lúc rảnh rỗi, bà Bùi Thị Vân (thành phố Thái Bình) thường xuyên xem livestream trên mạng xã hội, thấy người bán hàng quảng cáo sản phẩm bổ não với những công dụng chữa các triệu chứng đau đầu, chóng mặt như mình đang bị nên bà đã đặt mua sản phẩm về dùng thử. Tuy nhiên, nhiều khi nhận được sản phẩm, nhìn quy cách đóng gói, nhãn mác thì bà lại không dám dùng vì không chắc chắn về chất lượng.

Thực phẩm chức năng là các sản phẩm an toàn và có lợi cho sức khỏe khi được sử dụng cho đúng đối tượng với liều lượng thích hợp và sản phẩm được sản xuất theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện nay, trên các trang mạng xã hội không khó để tìm thấy các sản phẩm thực phẩm chức năng được rao bán. Sản phẩm được bán đa dạng từ hàng sản xuất trong nước đến các sản phẩm được quảng cáo xách tay, nhập từ nước ngoài về với các nhóm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gan, não hay các loại vitamin... để tăng sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe. Để tạo niềm tin cho người có nhu cầu mua, nhiều sản phẩm đã được thổi phồng công dụng so với thực tế.

Phát hiện vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng

Tại Thái Bình, dù chưa phát hiện vi phạm về việc buôn bán thực phẩm chức năng trên mạng nhưng qua kiểm tra trong năm 2022 và 2023, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã xử lý vi phạm hành chính đối với 6 công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn với tổng số tiền trên 119 triệu đồng. Năm 2024, theo kết quả giám sát mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên thị trường và thực hiện theo chỉ đạo của Sở Y tế về việc xử lý đối với sản phẩm vi phạm chất lượng, Chi cục đã thực hiện kiểm tra đột xuất, lập biên bản vi phạm và tham mưu thanh tra Sở Y tế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp với hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố với số tiền phạt hơn 7 triệu đồng.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Nguyên nhân các thực phẩm chức năng là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bán tràn lan trên thị trường là do siêu lợi thu được từ việc sản xuất, buôn bán các mặt hàng này. Người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là hàng thật và đâu là hàng giả. Bên cạnh đó, một số thực phẩm chức năng đã được thần thánh hóa công dụng so với thực tế khiến nhiều người lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc, thần dược chữa bệnh và lạm dụng việc sử dụng, sử dụng không phù hợp với nhu cầu của cơ thể hay sử dụng cùng lúc nhiều loại thực phẩm chức năng. Việc kiểm soát buôn bán hàng trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn...

Đừng để “tiền mất tật mang”

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Liên, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Kiến Xương cho biết: Thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị bệnh mà chỉ hỗ trợ cho bệnh nhân trong điều trị, không thể sử dụng riêng để khỏi bệnh. Qua thăm khám, tôi đã gặp hai vợ chồng trong một gia đình bị men gan cao do sử dụng thực phẩm chức năng. Sau đó, tôi tư vấn gia đình ngừng sử dụng, một thời gian sau thăm khám lại chỉ số men gan đã ổn định. Tuy nhiên, đây là trường hợp may mắn khi được tư vấn kịp thời, có thể có những trường hợp bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe mà chưa được phát hiện. Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên nếu sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, bán trôi nổi trên mạng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh hưởng chức năng gan, thận... Nếu dùng triền miên, lâu dài thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm: Để lựa chọn và sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng bảo đảm an toàn, hiệu quả, người tiêu dùng cần lưu ý tình trạng sức khỏe của bản thân có cần phải sử dụng thực phẩm chức năng hay không, nên có tư vấn của bác sĩ. Nếu sử dụng, trước khi mua cần tìm hiểu thông tin về sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành, sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, được bán ở các cửa hàng có uy tín; tránh lựa chọn sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; luôn cảnh giác với những quảng cáo không đúng sự thật những tác dụng như thần dược của thực phẩm chức năng. Thời gian tới, thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm, trong tháng 12/2024, Chi cục sẽ triển khai hoạt động giám sát, hậu kiểm đối với nhóm thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sản xuất trên địa bàn tỉnh, số lượng mẫu khoảng 25 mẫu, tập trung chủ yếu vào các chỉ tiêu mà sản phẩm đã công bố trên nhãn.

Sử dụng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, dùng trong thời gian dài có thể gây suy thận. Trong ảnh: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải.

Hoàng Lanh