Thứ 4, 21/05/2025, 17:27[GMT+7]

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Thứ 4, 21/05/2025 | 09:03:35
375 lượt xem
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả, rau quả nhiễm hóa chất độc hại tại một số tỉnh, thành phố. Tại Thái Bình, để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), cùng với các ngành, đơn vị liên quan, ngành y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về ATTP thuộc lĩnh vực ngành quản lý.

Nhiều đơn vị tuân thủ việc trang bị trang phục bảo hộ cho người trực tiếp chế biến thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP 

Từ ngày 21/4 - 20/5, 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành của ngành y tế thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại bếp ăn các doanh nghiệp, cơ sở ăn uống trên địa bàn tỉnh. Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng ATTP, Sở Y tế cho biết: Trong tháng hành động vì ATTP, ngành y tế thành lập 2 đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đoàn tập trung kiểm tra các nội dung về giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; điều kiện bảo đảm ATTP như cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý liên quan nếu có; nhãn sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; lấy mẫu đánh giá các chỉ tiêu ATTP theo quy định khi cần thiết... Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính sẽ lập biên bản và tham mưu xử lý theo quy định. 

Tính đến ngày 7/5, đoàn đã kiểm tra tại 17 cơ sở, trong đó có 6 cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp tại xưởng chế biến, 5 cơ sở chế biến tại bếp ăn đơn vị và 6 bếp ăn tập thể. Qua kiểm tra, cơ sở cung cấp nhiều nhất là 1.500 suất/ bữa và ít nhất là 120 suất/ bữa cho công nhân. Hầu hết các cơ sở đã thực hiện lưu mẫu giấy tờ liên quan đến công tác bảo đảm ATTP tại cơ sở như: giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với những đơn vị thuộc diện bắt buộc; sổ kiểm thực 3 bước; sổ lưu mẫu thức ăn; giấy khám sức khỏe... Điều kiện cơ sở vật chất đều phù hợp với quy mô chế biến, phân khu riêng biệt giữa khu sơ chế, chế biến, khu chia suất ăn, nhà ăn; trang thiết bị dụng cụ đầy đủ, làm bằng vật liệu an toàn. Các cơ sở đã có biện pháp phòng, chống côn trùng, động vật gây hại... 

Vẫn còn những nỗi lo 

Dù nhiều cơ sở đã chú trọng đến việc bảo đảm ATTP, tuy nhiên, qua kiểm tra trong tháng hành động vì ATTP năm 2025, đến ngày 7/5, đoàn phát hiện một số cơ sở có nền nhà, khu chế biến có dấu hiệu xuống cấp cần cải tạo lại; một số cơ sở đã có biện pháp phòng, chống côn trùng gây hại xâm nhập song chưa triệt để...; 2 cơ sở vi phạm lỗi bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị dụng cụ vật liệu không bảo đảm vệ sinh. Riêng năm 2024, Phòng ATTP, Sở Y tế tiến hành kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và hậu kiểm ATTP tại gần 170 cơ sở, xử phạt 35 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 200 triệu đồng; lấy hơn 4.430 mẫu giò, chả, xúc xích, phát hiện 26 mẫu giò, chả có hàn the. 

Công tác kiểm tra ATTP vẫn được các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện hàng năm. Song thực tế cho thấy, số lượng nhân lực kiểm tra vẫn còn mỏng, trong khi đó số lượng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhiều; nhiều cơ sở hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa đổi mới công nghệ sản xuất. Bên cạnh đó, thủ đoạn vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn ra tinh vi, phức tạp khiến người tiêu dùng lo lắng. Bà Phạm Thị Hợi, thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư) chia sẻ: Mỗi lần đi chợ, thực phẩm phong phú nhưng tôi không dám mua của người lạ, chủ yếu mua từ người quen vì tin tưởng. Thế nhưng, mua rồi cũng không biết nguồn gốc, xuất xứ ra sao. 

Liên tiếp các vụ vi phạm về thuốc, sữa, thực phẩm chức năng giả, rau nhiễm hóa chất độc hại... được phát hiện, xử lý thời gian gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo tới người tiêu dùng và cho thấy còn những lỗ hổng trong công tác quản lý ATTP. Để bảo đảm ATTP, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, ý thức, trách nhiệm của người quản lý, người trực tiếp sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ các quy trình chế biến từ khâu tiếp nhận nguyên liệu (đầu vào) đến đầu ra thực phẩm chín. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nói không và tẩy chay sản phẩm không rõ xuất xứ, thực phẩm bẩn, kém chất lượng.

Một số cơ sở đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, chế biến thực phẩm. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Liên Hạnh (Vũ Thư).

Hoàng Lanh