Thứ 6, 22/11/2024, 18:32[GMT+7]

Người chiến sĩ Điện Biên và chiếc dù cứu mạng

Thứ 7, 06/04/2024 | 22:03:09
7,007 lượt xem
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam. Trong chiến dịch ấy đã có biết bao tấm gương mưu trí, dũng cảm “gan không núng, chí không mòn”... Ông Hoàng Công Củng, xã Đông Xá (Đông Hưng) là một trong những chiến sĩ Điện Biên anh hùng đó.

Ông Hoàng Công Củng chia sẻ những kỷ niệm và chiến công của ông cùng đồng đội ở chiến trường.

Lập công xuất sắc được tặng huân chương ngay tại chiến trường

70 năm đã trôi qua song người chiến sĩ Điện Biên Hoàng Công Củng, 92 tuổi đời, 65 năm tuổi đảng vẫn nhớ như in những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/ Gan không núng/Chí không mòn”. 

Ông Củng kể: Ngay sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, tháng 3/1954, tôi cùng đồng đội Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 bước vào chiến dịch vĩ đại nhất - chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ đánh chiếm cứ điểm đồi Độc Lập. Thực dân Pháp tuyên bố đồi Độc Lập là một trong những pháo đài bất khả xâm phạm và là trung tâm đề kháng duy nhất có 2 tuyến phòng ngự hoàn chỉnh buộc quân đội Việt Nam khi tiến công phải đột phá 2 lần. Vì thế, việc chuẩn bị cho trận đánh đồi Độc Lập của ta rất khẩn trương và bí mật. Ngày ta đánh quấy rối địch, đêm thì đào hào. Mỗi đêm chỉ ngủ chập chờn vài giờ đồng hồ trong tiếng đại bác, tiếng súng ầm ầm xung quanh. Đúng 3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, quân ta nổ súng tấn công đồi Độc Lập. Trận chiến diễn ra rất quyết liệt, giành giật từng lô cốt, từng đoạn chiến hào. Các chiến sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết tâm đánh chiếm đồi Độc Lập trước khi trời sáng.

Ông Hoàng Công Củng kể lại những trận chiến năm xưa. 

Ông Củng kể tiếp: Lúc đó không còn biết sợ là gì nữa, anh em người nào hy sinh, bị thương nặng thì nằm lại, còn đi được là cứ xung phong lao vào đồn địch giành giật từng mét chiến hào. Tiểu đội của tôi chiếm được một đoạn hào 50m của Pháp, xác địch nằm la liệt, quân Pháp phản công dữ dội nhằm chiếm lại đoạn hào đó. Anh em trong Tiểu đội chiến đấu anh dũng, lần lượt ngã xuống. Trước khi hy sinh, đồng chí Tiểu đội phó giao nhiệm vụ cho 2 đồng đội còn sống là tôi và một chiến sĩ nữa phải giữ bằng được đoạn hào chữ T dài chừng 20m đến khi trời sáng. Biến đau thương thành hành động, tôi bình tĩnh hô đồng đội đi nhặt lựu đạn trên xác lính Pháp gom lại thành đống xung quanh mình. Hễ nghe tiếng bước chân, tiếng xì xồ là ném lựu đạn, ném xong hô to “xung phong”. Quân địch nghe vậy sợ rút một lúc rồi lại điên cuồng tiến ra hòng chiếm lại đoạn hào này. Tôi và đồng đội cố thủ giữ vững đoạn hào suốt 2 tiếng đồng hồ, đẩy lùi nhiều đợt phản công, tiêu diệt hàng chục lính Pháp trước khi trời sáng. Đến 6 giờ 30 phút, cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã tung bay trên đồi Độc Lập, tôi mới phát hiện 2 cánh tay mình tê cứng vì ném lựu đạn, giọng khản đặc vì hô “xung phong”. Trong vòng 3 giờ đồng hồ, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 và Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đã xóa sổ 1 tiểu đoàn lính Bắc Phi của Pháp, tiêu diệt 483 tên địch, bắt 200 tên khác... 

Chiến thắng đồi Độc Lập, quân ta đã tiêu diệt 2/3 cứ điểm quan trọng ở phân khu Bắc, giữ vững đoạn hào khiến quân Pháp không thể rút chạy về phía Mường Thanh, góp phần ngăn chặn quân tiếp viện của địch, không thể tái chiếm đồi Độc Lập. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào chiến thắng cứ điểm đồi Độc Lập, ông Củng đã được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba ngay tại chiến trường, được thăng chức lên làm Tiểu đội phó Tiểu đội súng máy. 

Chiếc dù cứu mạng 

Sau khi tham gia chiến đấu giành chiến thắng trên đồi Độc Lập, ông Củng và 19 chiến sĩ tiếp tục xung phong đi làm nhiệm vụ đặc biệt: Đột kích vào sân bay Mường Thanh rải truyền đơn và bắt sống một tên địch làm tù binh đưa về để khai thác. 

Ông Củng nhớ lại: Khi lên đường thì trời đổ mưa, lúc đầu mưa nhỏ rồi mưa cứ to dần, trời tối đen như mực, các chiến sĩ trước đây ghét pháo sáng bao nhiêu thì giờ lại mong địch bắn lên bấy nhiêu để biết đường mà đi. Súng và người đều ướt sũng, bẩn vì ngã liên tục. Sau bao vất vả, cuối cùng nhóm đột kích cũng đã lọt vào sân bay. Vừa rải xong truyền đơn thì phát hiện có một trung đội địch đang đi về phía mình. Khi quân địch còn cách ta chừng 100m, xạ thủ trung liên lên đạn rồi bóp cò, lần 1 rồi lần 2 súng đều không nổ. Để bảo đảm an toàn, quân ta được lệnh rút lui, đúng lúc này pháo sáng địch bắn lên rực trời. Thấy quân ta vẫn chưa ra khỏi hàng rào, tôi nghĩ nhanh: Mình cần phải tấn công bất ngờ thì quân địch mới hoang mang, toàn đội mới có thời cơ thoát ra ngoài an toàn. Nghĩ là làm, tôi nhoài người, lấy hết sức ném liên tiếp 3 quả thủ pháo vào giữa đội hình địch. Bị tấn công phủ đầu, quân địch ngã xuống la liệt, chúng la hét om sòm, bắn xối xả ra xung quanh. Khu vực sân bay lúc này pháo sáng liên tiếp được bắn lên, sáng rực bầu trời, súng trong đồn thi nhau nhả đạn. Tôi đề nghị đồng chí Đại đội phó cho anh em rút về, mình sẽ đi cuối cùng yểm trợ. Thấy đồng đội cuối cùng đã qua hàng rào an toàn, tôi định bò lùi ra thì pháo sáng rực trời, đèn pha trong căn cứ quét vào hàng rào nhìn rõ từng ngọn cỏ, đạn bay xối xả. Trong lằn ranh sinh tử, thấy một hố đại bác giữa hàng rào tôi liền trượt ngay xuống, chui vào trong một chiếc dù. Trong lòng tôi lúc ấy vui mừng vì đồng đội đã rút ra ngoài an toàn, còn lo vì mình đang nằm trong làn đạn của cả hai bên, đạn bay vèo vèo, cắm xuống đất ngay quanh mình. Đã nhiều ngày chiến đấu, đêm thì đào giao thông hào, vừa mệt vừa đói vừa buồn ngủ, tôi vùi người xuống đất, cẩn thận kéo chiếc dù che kín đầu, ngủ lúc nào không biết. Cái nóng của mùa hè như thiêu như đốt khiến tôi bừng tỉnh, hé một góc dù để hít thở không khí bên ngoài. Mồ hôi vã ra như tắm, môi khô, cổ họng rát bỏng, chân tay bị chuột rút co quắp đau buốt. Một mình nằm giữa vòng vây của quân thù, chỉ cần sơ hở một chút là có thể bị bắt sống hoặc bắn chết vì quân địch ra lấy hàng tiếp tế đến rất gần. Khi trời tối hẳn, tôi quyết định rời cái hố để về đơn vị và không quên cắt lấy một miếng vải dù - “ân nhân” cứu mạng mang về làm kỷ niệm. Phải mất gần 30 phút tôi mới thoát ra khỏi hàng rào cuối cùng, toàn thân đầy máu. 

Sau trận chiến đấu táo bạo giúp đồng đội rút lui an toàn, ông Củng được thăng chức Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng máy, tiếp tục tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 28/4, sau một trận giao tranh ác liệt trên cánh đồng Mường Thanh, ông bị thương nặng phải chuyển về hậu cứ. Hôn mê mấy ngày, lúc tỉnh lại nghe thông báo “Chúng ta đã chiến thắng tại Điện Biên Phủ”, ông Củng mừng vì máu xương đồng đội không tiếp tục đổ xuống trên lòng chảo Điện Biên nữa, tiếc nuối vì không có mặt trên chiến trường để chiến đấu đến giờ phút lịch sử cuối cùng. 

Ông Hoàng Công Củng được thưởng nhiều huân, huy chương các loại. 

Hòa bình lập lại, ông Củng được chuyển công tác, tấm vải dù lại cùng ông lên đường vào khu Bốn, nơi mà giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất lúc bấy giờ. Đơn vị đã nhiều lần bị bom Mỹ đánh trúng, bạn bè đã có người hy sinh nhưng kỳ lạ và may mắn thay ông và nó vẫn an toàn. Tấm vải dù đã cùng ông đi qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, theo ông khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam và nghỉ hưu về địa phương.


Thu Hiền