Thứ 7, 23/11/2024, 14:48[GMT+7]

Tự hào thắng trận mở màn Him Lam

Thứ 4, 10/04/2024 | 15:59:46
1,706 lượt xem
Ðại đoàn 312 nay là Sư đoàn bộ binh 312, Quân đoàn 12, với tên gọi là “Sư đoàn Chiến thắng”, được thành lập ngày 27/12/1950 tại Kim Lăng-Vĩnh Phúc. Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 đã phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, nỗ lực phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 12 (Ảnh: TRẦN HẢI).

Những ngày đầu tháng 4, các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312 sôi nổi thực hiện phong trào thi đua cao điểm “Tiếp bước Chiến sĩ Ðiện Biên tiến lên giành ba nhất” trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ; lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Lớp cán bộ, chiến sĩ sư đoàn hôm nay luôn tự hào về truyền thống đánh giặc của lớp cha anh đi trước, nhất là trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Ðại đoàn 312 được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ tấn công địch trên hướng chủ yếu.

Ðây là niềm vinh dự, tự hào, nhưng cũng đặt ra yêu cầu nặng nề, khó khăn rất lớn cho cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ, Ðảng ủy Ðại đoàn đã họp, quán triệt quyết tâm của Trung ương Ðảng, Tổng Quân ủy, xác định quyết tâm đánh thắng trận mở màn chiến dịch tại cứ điểm Him Lam. Trên cơ sở phân tích tình hình, địa hình, khả năng tác chiến, Ðại đoàn 312 quyết định sử dụng Trung đoàn 141 tấn công trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 209 tấn công hướng thứ yếu và chặn viện.

Ðúng 17 giờ ngày 13/3/1954, trên cả hai hướng, các đơn vị của Ðại đoàn 312 chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát xung phong, cũng là lúc pháo binh của ta dồn dập bắn vào Him Lam và các khu vực trọng yếu của tập đoàn cứ điểm. Sau 30 phút, pháo ta chuyển làn bắn sâu vào phía trong trận địa của địch; trên các hướng, bộ đội áp sát các cửa mở, dùng bộc phá liên tục phá rào. Trên hướng tấn công chủ yếu của Trung đoàn 141 diễn ra rất ác liệt; ở mỏm số 2, Tiểu đoàn 428 bị pháo địch bắn chặn, nhưng vẫn kiên quyết dùng bộc phá đánh cửa mở. Ở lô cốt số 2, đại liên địch bắn ra dữ dội, mặc dù trên người có nhiều vết thương, đồng chí Phan Ðình Giót, Tiểu đội phó thuộc Ðại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141 vẫn nghiến răng chịu đựng, dùng đại liên kiềm chế hỏa lực địch. Hỏa điểm số 2 của địch bắn chặn quyết liệt, lực lượng xung kích của ta ùn lại không tiến lên được.

Ðồng chí Phan Ðình Giót tuy đã bị thương nặng nhưng vẫn cố sức lê dần tới hỏa điểm, sát lô cốt rồi bất ngờ đứng dậy lấy thân mình lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực địch. Trước sức tấn công của bộ đội ta, cứ điểm Him Lam của địch thất thủ, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 428 (nay là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141) phất cao trên cứ điểm Him Lam, quân địch hoảng loạn, tháo chạy về Mường Thanh; Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) chặn đánh, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Ðến 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954, Ðại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo lên Bộ Tư lệnh mặt trận: Ðại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

Ngay sau chiến thắng trận mở màn Him Lam; đợt 2, đợt 3 của chiến dịch, Ðại đoàn 312 được Tổng Quân ủy giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm đồi E, D1, D2, cứ điểm 210 và cứ điểm 505, 506, 507... Ðại đội 360 thuộc Tiểu đoàn 130 (nay là Ðại đội 1, Tiểu đoàn 7), Trung đoàn 209 đã vượt qua ba cứ điểm tiến thẳng vào trung tâm Mường Thanh, Ðại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng tổ chiến sĩ Vinh, Nhỏ và tổ dao nhọn xông vào hầm Bộ chỉ huy tham mưu tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ bắt sống tướng De Castries và toàn bộ Bộ Tham mưu Tập đoàn cứ điểm, kết thúc thắng lợi chiến dịch.

Ðại đoàn 312 tham gia các trận đánh với các địa danh, như: Him Lam, Ðộc Lập, Mường Thanh… gắn với tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ như: Trần Can, Phan Ðình Giót, Nguyễn Văn Thuần, Ðinh Văn Mẫu, Hà Văn Nọa, Tạ Quốc Luật, Hoàng Ðăng Vinh. Với chiến công xuất sắc nêu trên, ngày 13/5/1954, trong lễ duyệt binh của các đơn vị mừng Chiến thắng Ðiện Biên Phủ được tổ chức trọng thể ngay trên cánh đồng Mường Thanh, Ðại đoàn 312 vinh dự được nhận vĩnh viễn Cờ thưởng luân lưu “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tiễn trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã chứng minh, công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện cán bộ, chiến sĩ đã được Ðại đoàn 312 thực hiện có hiệu quả trước và trong suốt chiến dịch; nhất là khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, ở thời điểm “kéo pháo vào”, “kéo pháo ra” hết sức khó khăn.

Trong chiến đấu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã anh dũng hy sinh, nhất là tấm gương của đồng chí Phan Ðình Giót “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, đó là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ mài sắc ý chí chiến đấu và căm thù giặc. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong công tác quản lý, huấn luyện, rèn luyện bộ đội và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu” của Sư đoàn 312.

Phát huy truyền thống, kinh nghiệm thắng trận mở màn Him Lam vào điều kiện mới, những năm qua, Ðảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 luôn nhận thức rõ “cán bộ là gốc của mọi công việc”, từ đó xác định chủ trương, biện pháp bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cán bộ cả về kiến thức, kỹ năng, trình độ và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Hiện nay, sư đoàn được tổ chức theo hướng “tinh, gọn, mạnh” và biên chế hỏa lực mạnh.

Ðể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sư đoàn đã và đang thực hiện tốt một số chủ trương, giải pháp, đó là: Tập trung xây dựng sư đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; trong đó, Ðảng ủy, chỉ huy sư đoàn đã quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Ðảng; chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; tập trung lãnh đạo xây Ðảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm cơ sở xây dựng sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”.

Về công tác xây dựng Ðảng, Ðảng bộ Sư đoàn thường xuyên được coi trọng, đổi mới với nhiều nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ của đơn vị, chức trách, nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng giáo dục truyền thống, xây dựng lòng trung thành tuyệt đối, vô hạn với Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; xây dựng ý chí quyết tâm, tin tưởng vào nghệ thuật quân sự Việt Nam, tin tưởng vào trang bị kỹ thuật, tính chính nghĩa trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cấp ủy các cấp làm tốt công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ với phương châm: Cấp trên làm gương cho cấp dưới, cơ quan làm gương cho đơn vị, đảng viên làm gương cho quần chúng; cùng với đó, kiên quyết khắc phục biểu hiện buông lỏng lãnh đạo, tư tưởng thỏa mãn, bảo thủ, ngại đổi mới, ngại khó, ngại khổ và “bệnh thành tích” trong thực hiện nhiệm vụ.

Sư đoàn không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu, nhất là khả năng cơ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc” và Nghị quyết 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo; sư đoàn đã xác định chủ trương, biện pháp tập trung đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện; nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, thực hành huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho đội ngũ cán bộ; đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành kiểm tra huấn luyện theo hướng cụ thể, kịp thời và thực chất; đồng thời, vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự trong đổi mới về nội dung, phương pháp huấn luyện.

Về phương pháp huấn luyện, tiến hành đúng quy trình từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp, từ cơ bản đến nâng cao; trên cơ sở đó, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp từng đối tượng, lấy hiệu quả làm mục đích; trong đó xác định nguyên tắc lấy huấn luyện kỹ thuật làm cơ sở, huấn luyện chiến thuật làm trung tâm, coi trọng cả huấn luyện lý thuyết, thực hành; lấy thực hành làm chính; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hội thi, hội thao ở từng cấp với nội dung, hình thức phù hợp.

Cùng với đó, sư đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả “3 khâu đột phá”: Ðột phá về công tác huấn luyện; đột phá về tổ chức biên chế sư đoàn chủ lực hỏa lực mạnh theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; đột phá về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu”. Sư đoàn thực hiện nghiêm các nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương về tổ chức lực lượng theo mẫu biểu biên chế mới; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, giáo dục pháp luật; đổi mới trong công tác nắm, quản lý giải quyết tư tưởng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.

Trải qua hơn 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn 312 đã không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, từ tác chiến phân tán nhỏ đến đánh tập trung, hiệp đồng quân, binh chủng quy mô cấp chiến dịch, với nhiều hình thức tác chiến. Trong bất kỳ hình thức tác chiến nào, sư đoàn cũng có cách đánh sáng tạo với hiệu suất chiến đấu cao, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, xây đắp nên truyền thống “Ðoàn kết-Anh dũng-Chiến thắng”, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

ÐẠI TÁ NGUYỄN VĂN TẤN

Bí thư Ðảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 312, Quân đoàn 12

Theo: nhandan.vn