Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Nhớ mãi “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm...”
Mỗi dịp tháng 5 về, cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Bát lại quây quần bên gia đình để kể cho mọi người nghe những tháng ngày sống, chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại: Tháng 9/1953, đơn vị tôi hành quân lên Điện Biên Phủ, lên đến nơi thì các đại đoàn chủ lực 304, 308, 312, 316 đã chia thành từng khu vực để chiếm lĩnh vị trí đóng quân. Đơn vị của tôi khi đó là Trung đoàn bộ binh 57, Đại đoàn 304, chiến đấu chủ yếu ở khu vực cứ điểm Hồng Cúm. Trận Hồng Cúm diễn ra từ ngày 31/3 - 7/5/1954 nhưng chúng ta thường nhắc nhiều đến sự kiện chiều ngày 7/5/1954, khi lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta phất cao trên nóc hầm tướng De Castries. Ít ai nhớ rằng, phải 12 giờ đêm hôm đó cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở Điện Biên Phủ mới bị tiêu diệt, đó là phân khu Hồng Cúm. Tôi nhớ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì Hồng Cúm cùng với Him Lam và đồi A1 là 3 trung tâm đề kháng kiên cố nhất, mạnh nhất của quân đội Pháp. Hồng Cúm là cứ điểm cuối cùng của quân Pháp bị quân ta tiêu diệt trong đêm 7/5/1954, kết thúc trọn vẹn chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cứ điểm Hồng Cúm khi đó có một sân bay nhỏ, tạo thành phân khu phòng thủ phía Nam của quân Pháp, địch bố trí nhiều lớp dây thép gai, hàng phòng ngự kiên cố với hỏa lực mạnh nhằm hạn chế tối đa đường tiến công của quân đội ta. Để đập tan một cứ điểm được coi là một trong những pháo đài bất khả xâm phạm, với tư tưởng chỉ đạo “quyết, vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”, quân đội ta đã thực hiện hiệu quả chiến thuật vây lấn bằng cách đào các giao thông hào.
Theo CCB Phạm Văn Bát kể lại, thời điểm bắt đầu đào giao thông hào, mỗi chiến sĩ như ông được giao đào ít nhất 4m. Chiều rộng của giao thông hào là 1,2m, chiều cao tối thiểu 1,6m, còn chiến hào thì đào sâu thêm 80cm nữa. Mỗi chiến sĩ khi ấy chỉ được phát một chiếc cuốc chim hoặc xẻng để đào, ông Bát cũng như những người lính công binh khác vừa phải nằm nghiêng người vừa phải dùng cuốc chim đào từng chút đất một.
CCB Phạm Văn Bát chia sẻ: Chúng tôi thay nhau đào ngày đào đêm, nghỉ xong lại đào, đến bữa thì anh nuôi mang đến cho nắm cơm với ít muối trắng, hôm nào ngon thì có ít rau rừng của bà con cho để cải thiện bữa ăn, ăn xong chúng tôi lại tiếp tục đào. Lúc đầu hệ thống giao thông hào còn cách xa đồn địch, nhưng cứ thế lấn dần, tiến sát, chạy dọc rồi luồn qua cả hàng rào của địch. Cuối cùng thì hình thành một trận địa hình cánh cung từ Đông sang Tây, cắt rời phân khu Hồng Cúm với trung tâm Mường Thanh. Suốt 56 ngày đêm ròng rã, đơn vị của tôi đã đào hàng ki-lô-mét giao thông hào từ bìa rừng ra tới căn cứ Hồng Cúm. Hệ thống giao thông hào ngày một dày, thành đường ngang nẻo dọc vây chặt cứ điểm Hồng Cúm của Pháp; lúc đầu xa đồn địch từ 400 - 500m, sau đó tiến vào còn 40 - 50m rồi chạy dọc, luồn qua hàng rào, chọc thẳng vào đồn địch, tạo thế vây ráp, cô lập căn cứ, không cho địch ở đây lên tiếp viện cho căn cứ ở Mường Thanh. Vì đào giao thông hào vào dịp đầu năm nên có khi mưa to thì bùn đất nhão nhoét, anh em chiến sĩ nhiều người mắc các bệnh về da, thế nhưng không vì khó khăn mà bỏ qua quyết tâm giành chiến thắng ở Hồng Cúm.
17 giờ chiều ngày 7/5/1954, sau khi những chiếc khăn trắng xin hàng bao trùm lòng chảo Mường Thanh, tướng De Castries đã xin hàng, thế nhưng tại Hồng Cúm địch vẫn ngoan cố cố thủ trong hầm. Sau khi ta bắc loa kêu gọi đầu hàng, quân Pháp liên tục đáp trả bằng hỏa lực mạnh.
CCB Phạm Văn Bát nhớ lại: Trước sự cứng đầu của quân Pháp tại cứ điểm Hồng Cúm, quân đội ta dùng pháo tấn công vào Hồng Cúm tầm 15 phút rồi ngừng bắn, khi ấy những tên giặc ngoan cố đã phải vẫy cờ trắng đầu hàng.
Sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, CCB Phạm Văn Bát tiếp tục cùng các đồng đội hỗ trợ người dân địa phương tháo dỡ những hàng rào dây thép gai, thu dọn vũ khí của địch.
Trải qua 70 năm sau ngày chiến thắng, giờ đây CCB Phạm Văn Bát đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông luôn bảo ban con cháu học tập, lao động, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Cựu chiến binh Phạm Văn Bát không bao giờ quên những ký ức về một thời hoa lửa tại Điện Biên Phủ.
Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ 07.05.2024 | 11:09 AM
- Xã luậnVang mãi hào khí Điện Biên 07.05.2024 | 07:39 AM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Xúc động trưng bày chuyên đề "Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa xuân năm 1975" 29.04.2024 | 17:16 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiền Hải: Thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 26.04.2024 | 16:18 PM
- Khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa Xuân năm 1975” 26.04.2024 | 16:11 PM
- Hành trình của một chiến sĩ Điện Biên 25.04.2024 | 10:33 AM
- Lãnh đạo thành phố thăm, tri ân các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn 22.04.2024 | 15:05 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”