Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Bước vào tuổi 95, qua năm tháng, những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn không phai mờ trong tâm trí bà Hà Thị Xuân, thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình). Những tấm giấy khen và nhiều danh hiệu thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Đường sắt Việt Nam... trao tặng cho bà qua bao biến cố của gia đình may mắn còn giữ lại được như minh chứng cho sự cống hiến và sức khỏe phi thường ẩn chứa trong vóc dáng nhỏ bé của người phụ nữ luôn thường trực nụ cười trên môi.
Bà Xuân bồi hồi nhớ lại: Gia đình khó khăn, từ nhỏ tôi đã đi ở đợ cho một người họ hàng trên Hà Nội, rồi lưu lạc vào Nghệ An buôn bán, chạy chợ mưu sinh. Năm 1953, tôi tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến, đơn vị đi bộ từ miền Trung ra Hà Nội mất 5 ngày, rồi bí mật di chuyển lên Tuần Giáo, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ. Lúc phục vụ chiến đấu, cân nặng cơ thể chỉ hơn 40kg nhưng với quyết tâm cao nhất, tùy từng nhiệm vụ, mỗi lần tôi nhận gánh 50 - 60kg đạn hoặc lương thực trên vai, đi bộ mỗi đêm gần 50km vượt đèo Pha Đin đến Tuần Giáo. Trời mưa, đường trơn, cả đoàn dân công bám đá, bám cây nhích từng bước một để bí mật đưa hàng hóa ra chiến trường. Địch đánh phá ác liệt, có những phút nghỉ ngơi giữa đường vận tải, vừa cùng đồng đội chia nhau miếng cơm nắm, đội hình bị trúng bom, anh em thương vong nhiều, lại gạt nước mắt lấy hàng trên tay người vừa nằm xuống để tiếp tục đưa ra chiến tuyến.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin với chiều dài 32km được xác định là tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường. Đường đèo từ phía Thuận Châu (Sơn La) đến Tuần Giáo (Điện Biên) bị máy bay Pháp đánh phá suốt ngày đêm nhằm ngăn chặn đường tiếp tế của ta lên Điện Biên Phủ. Lúc đó Pha Đin có rừng cây rậm rạp, nhiều đoạn cua gấp khúc, dốc đứng, vực sâu nên sau mỗi loạt bom của địch là nhiều đoạn tuyến trên đèo bị hư hỏng nặng. Trên tuyến giao thông huyết mạch đó, hàng nghìn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc với lòng quyết tâm và tinh thần quả cảm vẫn kiên cường bám trụ vừa phá đá mở đường vừa tháo gỡ bom mìn, giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm chi viện kịp thời cho chiến dịch đến ngày toàn thắng.
Điện Biên Phủ vừa tan khói súng, với những thành tích lập được trong chiến dịch, bà Xuân được điều động nhận nhiệm vụ mới tại Tổng cục Đường sắt Việt Nam. Đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé ấy lại tham gia gánh hàng chục tấn đất đá, vật liệu làm các tuyến đường sắt Lào Cai, Nam Định, Thanh Hóa..., góp phần xây dựng, kiến thiết đất nước.
Các cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ ký ức hào hùng với thế hệ trẻ.
Tháng 10/1953, theo yêu cầu của chiến trường, chàng trai trẻ Trần Quang Khải, thôn Thành Long, xã Đông Trà (Tiền Hải) cùng gần 20 thanh niên địa phương đã nhận nhiệm vụ lên đường tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu năm 1954, lúc các đơn vị bộ đội hối hả hành quân lên Tây Bắc thì các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến theo lệnh điều động của Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ cũng có mặt để sẵn sàng làm công tác phục vụ cho chiến dịch. Đã 91 tuổi song trong tâm trí ông vẫn vẹn nguyên những ký ức của những tháng ngày hào hùng.
Ông Khải bồi hồi chia sẻ: 6 tháng trên chiến trường Tây Bắc, đơn vị chúng tôi hoạt động liên tục với địa bàn trải dài từ Hòa Bình ngược lên Lạng Sơn, Cao Bằng rồi vòng sang Điện Biên làm nhiệm vụ tải đạn vào chiến trường và tải thương binh ra vùng hậu cứ. Ngày nghỉ, đêm đi, những đôi chân trần hôm qua còn lấm bùn đất trên mảnh ruộng quê nhà nay đã băng rừng lội suối gánh đạn trên vai kịp thời bổ sung cho mặt trận. Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, khí thế hừng hực của dân công, thanh niên xung phong chiến đấu, lao động xuyên đêm trên mỗi chặng đường, tiếng hò tiếng hát vui như hội làm anh em quên hết mệt nhọc, những dòng người, xe cộ lại hăm hở tiến về phía trước vận chuyển hàng hóa ra chiến trường như những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ
Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...
Trong đêm đen mịt mùng, có những lúc vừa đi vừa phải tránh bom, gỡ dây thép gai, tránh mìn cọc mà địch đã cài trước đây. Ngày nào cũng có người trong đơn vị hy sinh. Dù đói rét, đối mặt với gian khổ, hiểm nguy nhưng vì tiền tuyến không một ai sờn chí mà hừng hực khí thế quyết tâm tiến lên để gánh, thồ được càng nhiều vũ khí, đạn dược ra chiến trường để bộ đội đánh giặc. Bằng sự quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đưa lực lượng cùng vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm tiến gần, tiến nhanh, tiến đông hơn đến cứ điểm được coi là bất khả xâm phạm của địch ở Điện Biên Phủ.
Với khẩu hiệu “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, cùng với quân và dân cả nước, trên quê lúa Thái Bình, nhân dân đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của địch, sẵn sàng huy động sức người, sức của cho mặt trận, sẵn sàng hy sinh phục vụ chiến dịch, tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Những tháng ngày gian lao mà anh dũng ấy, dù đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chỉ tính riêng từ tháng 2 - 5/1954, Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người và hàng nghìn dân công hỏa tuyến, đồng thời huy động hàng trăm phương tiện với hàng nghìn ngày công để gánh gạo, tải thương vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục nghìn gói vật phẩm gồm thuốc lào, thuốc lá, xà phòng, thuốc đánh răng, thuốc chữa bệnh, quần áo, hàng chục tấn quà để gửi tới chiến sĩ Điện Biên Phủ. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc (từ năm 1951 đến tháng 6/1954), Thái Bình đã đóng góp cho nhà nước 63.600 tấn. Trong các chiến sĩ ưu tú của quê hương lên đường tòng quân đánh giặc, 2.538 người đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, 268 người anh dũng chiến đấu, hy sinh, trong đó có nhiều đồng đội của bà Xuân, ông Khải.
Hơn nửa thế kỷ, một chặng đường dài của lịch sử dân tộc đã qua, trên những địa danh của mảnh đất một thời máu lửa, một thời đạn bom, sự hồi sinh đã trở lại. Để mỗi chúng ta thấy được những giá trị của độc lập, tự do, để thêm trân quý và tự hào hơn về thế hệ cha ông đã không tiếc tuổi xuân cùng bao máu xương góp phần làm nên chiến công huyền thoại.
Bà Hà Thị Xuân ôn lại ký ức hào hùng qua những danh hiệu thi đua được Đảng và Nhà nước trao tặng.
Minh Hưng
Tin cùng chuyên mục
- Tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ 07.05.2024 | 11:09 AM
- Xã luậnVang mãi hào khí Điện Biên 07.05.2024 | 07:39 AM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Xúc động trưng bày chuyên đề "Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa xuân năm 1975" 29.04.2024 | 17:16 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiền Hải: Thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 26.04.2024 | 16:18 PM
- Khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa Xuân năm 1975” 26.04.2024 | 16:11 PM
- Hành trình của một chiến sĩ Điện Biên 25.04.2024 | 10:33 AM
- Lãnh đạo thành phố thăm, tri ân các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn 22.04.2024 | 15:05 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy: Thăm, động viên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịp đầu xuân mới
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thăm, chúc tết một số doanh nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ, Đông Hưng
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, động viên một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Thái Thụy
- Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất rượu soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Cộng đồng doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu xuân mới
- Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND tỉnh
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025
- Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
- Thành phố Thái Bình: Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ