Thứ 6, 22/11/2024, 05:26[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Đồi A1 - Chứng tích hào hùng của trận chiến oanh liệt

Thứ 4, 24/04/2024 | 21:21:26
1,605 lượt xem
Đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) là một trong những điểm di tích lịch sử nổi bật thuộc quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây, trong 39 ngày đêm đã diễn ra nhiều trận giao chiến ác liệt giữa quân đội Việt Nam và quân đội Pháp giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Hơn 2.500 người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống, dâng hiến tuổi thanh xuân cho chiến dịch đến ngày toàn thắng. Máu của các anh thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ, hòa vào lòng đất mẹ, làm nên A1 linh thiêng, huyền thoại, với khúc tráng ca bất tử Điện Biên Phủ anh hùng: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia”.

Di tích lịch sử đồi A1 nhìn từ trên cao.

Đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được coi là “cuống họng”, “chìa khóa sống” bảo vệ cho phân khu trung tâm, trực tiếp che chở cho sở chỉ huy của quân Pháp. Quân Pháp đã bố trí tại đây nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc, vũ khí tối tân, hiện đại, có cả hệ thống phòng tuyến mạnh... Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ xác định đồi A1 ở vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong dãy đồi phía Đông. Nếu như ta tiêu diệt được cứ điểm này thì phân khu trung tâm không còn đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm của Pháp cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Do đó, quân Pháp quyết giữ bằng mọi giá thì ta quyết giành giật tới cùng. Cuộc chiến đấu tại đồi A1 diễn ra giằng co và vô cùng ác liệt, bắt đầu từ chiều ngày 30/3/1954, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng ngách hào. Ta mở nhiều đợt tấn công nhưng không thành. Sau đó, Bộ chỉ huy chiến dịch của ta quyết định đào đường hầm chui sâu vào lòng đất rồi dùng bộc phá lớn đặt dưới chân hầm ngầm của địch. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 khi khối bộc phá ngàn cân được các chiến sĩ của ta điểm hỏa, cũng là hiệu lệnh tổng công kích đợt cuối cùng. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta chớp thời cơ đánh thẳng vào sở chỉ huy của địch, kết thúc thắng lợi trận quyết chiến chiến lược tại đồi A1 vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 7/5/1954. Làm chủ được đồi A1, chúng ta đã mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào hầm De Castries bắt sống tướng De Castries và toàn bộ bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Dấu tích còn lại sau vụ nổ khối bộc phá trên đồi A1, minh chứng cho tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết và lòng dũng cảm của dân tộc ta. 

Tiếng súng dứt trên đồi A1 đã tròn 70 năm, nơi đây giờ được bảo tồn, tôn tạo và là một trong những di tích quan trọng của quần thể di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ. Bà Phạm Thị Thảo, Phó Giám đốc Quản lý di tích Điện Biên cho biết: Nhằm tái hiện một phần những gì đã diễn ra trên quả đồi lịch sử này, Đảng và Nhà nước đã đầu tư khôi phục, tu bổ một số hạng mục tiêu biểu như: hầm chỉ huy cứ điểm và hầm đại liên trên đỉnh đồi; các lô cốt của địch; 2 hầm chỉ huy của bộ đội ta; hố bộc phá và đường hầm đặt bộc phá; các đường hào, đường rào thép gai... Để phục vụ tốt nhất du khách đến tham quan, đặc biệt là dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích Điện Biên đã rà soát, sửa chữa, tăng cường các biểu, bảng chỉ dẫn, cảnh báo, niêm yết bảng nội quy trước cổng di tích, đặt thêm ghế đá, thùng rác di động, tăng nhân lực dọn vệ sinh, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, làm các điểm check in để du khách chụp ảnh lưu niệm. Phối hợp với một số trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch cho 30 sinh viên nhằm tăng cường cho các điểm di tích vào đợt cao điểm đông khách. Triển khai quản lý, thu phí tham quan bằng biên lai điện tử. Dịp cao điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các di tích lịch sử đón gần 200.000 lượt khách/tháng, gấp 8 - 10 lần những tháng khác, trong đó di tích lịch sử đồi A1 chiếm 1/3 tổng lượng khách. 

Xác chiếc xe tăng Bazeille nặng 18 tấn của quân Pháp bị Đại đội 674 của ta tiêu diệt tại đồi A1.

Vào những ngày tháng 4, tháng 5 lịch sử này, trở lại đồi A1, qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh chúng ta như được sống lại trong khí thế hào hùng của những trận chiến oanh liệt cách đây 70 năm, cảm nhận rõ hòa bình mà ngày hôm nay chúng ta đang được hưởng thật quý giá biết nhường nào. 

Ông Phạm Hữu Thăng, quận Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: Trở lại thăm chiến trường xưa nơi bố tôi đã từng chiến đấu, tôi rất bồi hồi, xúc động, tự hào. Các chiến sĩ Điện Biên đã chiến đấu anh dũng, trở thành nguồn động lực to lớn thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Công trình thanh niên Cụm chữ “A1” trên di tích Đồi A1 là một trong những địa điểm được nhiều du khách chụp ảnh kỷ niệm. 

Nghe thuyết minh và ngắm nhìn các chứng tích lịch sử của cuộc chiến cách đây 70 năm trên đồi A1, chúng tôi chợt nhớ tới câu thơ “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/A1 rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là cuộc đời có thật/ Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào”, mà không cầm được nước mắt. 

Dưới cái nắng đầu hè, hàng nghìn người khắp mọi miền Tổ quốc vẫn tìm về miền đất lịch sử với mong muốn thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Đặt chân tới từng tấc đất nơi đây bất kể là ai cũng thật khó có thể diễn tả hết tâm trạng. Thương binh Nguyễn Văn Tựa, huyện Lục Nam (Bắc Giang) di chuyển rất khó khăn phải nhờ đến chiếc gậy, ông vẫn lên tận đỉnh đồi dù đường lên dốc và khó đi. 

Ông Tựa cho biết: Đây là lần thứ hai tôi lên thăm các di tích lịch sử ở Điện Biên, lần trước cách đây 10 năm. Nếu sức khỏe còn cho phép, tôi vẫn lên Điện Biên, lên đồi A1, vì đến đây tôi như được sống lại không khí của một thời “bão lửa” nơi “cửa tử” ở cao điểm cuối cùng, thêm khắc cốt ghi tâm sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sĩ để chúng ta được sống trong hòa bình hôm nay.


 

Nhóm phóng viên