Thứ 5, 09/05/2024, 05:27[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1: Lịch sử chưa bao giờ lãng quên

Thứ 6, 26/04/2024 | 23:17:38
484 lượt xem
Những ngày này, rất đông du khách trong nước và quốc tế tìm về với mảnh đất Điện Biên anh hùng - nơi 70 năm về trước quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 ở thành phố Điện Biên Phủ thường được chọn là một trong những điểm đến đầu tiên. Những nén nhang thơm được thắp trên từng phần mộ của các anh hùng liệt sĩ như một lời tri ân của những người được sống trong tự do, hòa bình và độc lập đối với sự hy sinh của những người con đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất mẹ

Các cựu chiến binh phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1.

Video: 050524-ngh%C4%A9a_trang_qu%E1%BB%91c_gia_a1_b%E1%BA%A3n_2.mp4?_t=1714922820

 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 là địa danh lịch sử thiêng liêng được xây dựng năm 1958 nằm cách đồi A1 khoảng vài trăm mét về phía Nam - nơi các chiến sĩ đã từng quên mình chiến đấu khi đang ở trong độ tuổi đôi mươi đẹp nhất của cuộc đời. Hôm nay, đất nước đã được hòa bình như chính di nguyện của các anh nhưng những gì còn lại nơi đây là những con người đã nằm xuống mãi mãi với những tấm bia mộ lặng lẽ. Trong 644 bia mộ của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang thì đa phần là những bia mộ vô danh, quá đủ để những ai đã từng đến đây cảm nhận được nỗi đau, biết ơn sự hy sinh và trân trọng cuộc sống hiện tại. Sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1994, 2013), nơi đây đã trở thành công trình văn hóa - lịch sử, thể hiện tầm vóc lớn lao của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. 

Nhà tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. 

Với diện tích 3,2ha, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 được bao quanh bởi tường thành cao. Cổng chính được thiết kế theo kiểu thành cổ, hai bên là hai bức phù điêu khắc nổi tái hiện lại diễn biến những cảnh quan chiến trường trong chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ vĩ đại. Bên trong cổng chính là hai bảng vàng ghi tên các anh hùng liệt sĩ theo từng tỉnh, thành. Phía sau là các ngôi mộ vô danh của các chiến sĩ và chỉ có 4 ngôi mộ có tên là Trần Can, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót. Phía cuối Nghĩa trang là nhà tưởng niệm có hình chữ A, trên đỉnh là ngôi sao lớn và 644 ngôi sao nhỏ biểu tượng cho 644 liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch lịch sử. Trước nhà tưởng niệm là hai cây đại thụ và hai cụm tượng màu vàng: một là hai người phụ nữ dân tộc Thái, Kinh và em bé đang nâng dải lụa, hai là hai chiến sĩ mặc áo trấn thủ đội mũ tai bèo. Nghĩa trang còn có lễ đài và gác chuông mang hình ảnh kiến trúc Khuê Văn Các.

Từ khi được xây dựng cho đến hiện tại, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 luôn được bảo vệ, chăm sóc chu đáo. Hàng ngày, từ sáng sớm đến xế chiều luôn tấp nập những đoàn du khách đến đây thăm viếng, dâng hương, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi đến Điện Biên Phủ thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ thấy rất tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nơi đây biết bao giọt máu đào của các chiến sĩ ngày nào đổ xuống, cho bây giờ sự sống lên xanh. Tiếp nối truyền thống của cha anh, chúng tôi là những cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước may mắn được trở về, được gặp các anh hùng liệt sĩ trên mảnh đất này, nguyện phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ giáo dục truyền thống yêu nước để thế hệ trẻ sau này mãi nhắc nhớ về “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam anh hùng. Còn chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, quận Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) xúc động chia sẻ: Thế hệ chúng tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình, được hưởng cuộc sống tự do và chỉ biết về chiến dịch Điện Biên Phủ qua các tư liệu lịch sử nhưng khi lên đến mảnh đất Điện Biên, đứng trước những ngôi mộ liệt sĩ, tôi càng hiểu rằng hạnh phúc, hòa bình của ngày hôm nay có được là nhờ sự hy sinh xương máu của bao thế hệ đi trước. 

Không chỉ du khách trong nước mà thời gian qua cũng có rất nhiều khách quốc tế đến với Điện Biên Phủ, đặc biệt là người Pháp, người Mỹ và một trong những du khách người Pháp chúng tôi gặp tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 là ông Normandie Rouen. Ông chia sẻ: Mẹ tôi là người Việt Nam còn bố tôi là người Pháp và tôi mong ước đến Việt Nam rất lâu rồi nhưng bây giờ mới có cơ hội thực hiện. Đi đến đâu tôi cũng thấy người Việt Nam rất thân thiện, cởi mở. Tôi biết khá rõ về cuộc chiến giữa quân đội Việt Nam và quân đội Pháp 70 năm về trước trên mảnh đất này nên quyết định lên Điện Biên Phủ tham quan các di tích lịch sử, đã thấy được sự hy sinh rất lớn lao của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, quá khứ đã gác lại, tôi mong muốn hai đất nước Việt Nam và Pháp sẽ cùng hướng về phía trước, hợp tác hỗ trợ nhau cùng phát triển, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. 

Phần mộ của các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1. 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là công trình mang đậm giá trị nhân văn, biểu tượng tôn vinh, đời đời ghi nhớ những cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Những người chiến sĩ năm ấy đã “Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn...” đánh đổi mạng sống của mình để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Những chứng tích của lịch sử trên mảnh đất Điện Biên xa xôi phía địa đầu đất nước sẽ luôn khắc sâu trong tim của tất cả người dân Việt Nam để nhắc nhở về một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước. Thắp những nén hương trên những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, lòng tôi trùng lại chợt nhớ tới bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” của tác giả Văn Hiền: 

“Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh 

Anh có tên như bao khuôn mặt khác 

Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc 

Tên làng, tên đất theo Anh 

Bình yên sau cuộc chiến tranh 

Anh trở về không tên, không tuổi 

Trắng hàng bia những ngôi sao không nói 

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh 

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác 

Tổ quốc không mất tên Anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.


 

Nhóm phóng viên