Thứ 7, 23/11/2024, 22:13[GMT+7]

Ông chúa bản mường

Thứ 7, 27/04/2024 | 15:42:23
6,367 lượt xem
Thành phố Điện Biên Phủ có khá nhiều di tích lịch sử - văn hóa và di tích cách mạng, trong đó có hai di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, thường được đông đảo du khách tìm đến nhất là Thành Bản Phủ và hầm De Castries. Thật kỳ thú, hai di tích này đã gắn với tên tuổi, sự nghiệp của hai người con quê hương Thái Bình.

Ảnh tư liệu

Thành Bản Phủ, nơi thờ Hoàng Công Chất (? - 1767), quê làng Hoàng Xá, nay thuộc xã Nguyên Xá (Vũ Thư), một lãnh tụ nông dân kiệt xuất nổi lên chống lại triều đình Lê - Trịnh và bảo vệ vùng đất biên cương Tây Bắc. Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thường gọi là hầm De Castries, nơi Tạ Quốc Luật (1925 - 1985), quê thôn Quang Lang, xã Thụy Hải (Thái Thụy) đã chỉ huy đội xung kích bắt sống tướng De Castries và bộ tham mưu của địch tại cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Hoàng Công Chất là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa kéo dài 30 năm (1739 - 1769), hoạt động trên quy mô rộng lớn từ vùng hạ lưu sông Hồng đến thượng du Thanh Hóa và Tây Bắc. Lịch sử Việt Nam đã khẳng định ông là một thủ lĩnh tiêu biểu bậc nhất trong phong trào khởi nghĩa nông dân ở thế kỷ XVIII. 

Buổi đầu nghĩa quân của họ Hoàng hoạt động ngay tại quê nhà, sau mở rộng ảnh hưởng sang các phủ Tiên Hưng, Kiến Xương, Nghĩa Hưng… Ông đã phối hợp với phong trào Nguyễn Hữu Cầu (Hải Dương), làm chủ cả vùng Sơn Nam rồi mở rộng vùng kiểm soát bao gồm cả Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên ngày nay. Năm 1745, nghĩa quân đã phục kích bắt sống trấn thủ Sơn Nam Hoàng Công Kỳ ở Khoái Châu. Sử sách phải thừa nhận: “Hoàng Công Chất một tay kiệt liệt nhất”. 

Đến cuối năm 1748, triều đình Lê - Trịnh đã tập trung lực lượng tiến đánh Sơn Nam, Hoàng Công Chất phải đưa quân chạy vào Thanh Hóa liên kết với cuộc khởi nghĩa Lê Duy Mật rồi từ vùng thượng du Thanh Hóa tiến lên hoạt động và làm chủ vùng núi Tây Bắc gần 20 năm (1750 - 1769). 

Theo chính sử, vùng đất Tây Bắc đã được đưa vào bản đồ nước ta từ đầu thời kỳ dựng nước. Thời Hùng Vương, dải đất này đã thuộc nước Văn Lang. Tuy trên danh nghĩa là thế nhưng từ thế kỷ X trở về trước vùng đất Tây Bắc cơ bản thuộc quyền tự trị của các tù trưởng người dân tộc thiểu số. Từ thời Lý, thời Trần (thế kỷ XI - XIV), tuy các tù trưởng có thần phục triều đình phong kiến trung ương nhưng thường có tư tưởng ngả nghiêng, khi thần phục, khi phản bội triều đình. Từ thế kỷ XV, nhà Lê có các chính sách thu phục các tù trưởng để họ tự giác thống nhất về với triều đình, tránh được sức ép thường xuyên của các tập đoàn phong kiến phương Bắc. Nhờ đó mà miền biên cương Tây Bắc Tổ quốc được bảo vệ, tình hình Tây Bắc được ổn định. 

Vào thế kỷ XVIII, triều đình phong kiến trung ương bạc nhược, không đủ sức quán xuyến đến miền Tây Bắc, để mặc các thế lực phong kiến địa phương lũng đoạn, xâu xé nhau. Bọn quan lại Vân Nam thừa cơ lấn chiếm, cắt về Trung Quốc. Bọn giặc cỏ có tên là giặc Phẻ hoành hành xâm phạm Điện Biên. Nhân dân Mường Thanh sống trong cảnh đau thương, tan tác. Một số thủ lĩnh người Thái và các dân tộc khác hô hào tổ chức lực lượng chống lại nhưng nhiều lần bị thất bại. Thương dân lâm loạn, Hoàng Công Chất đã liên kết với một số nghĩa quân Thái, tập hợp lực lượng đánh tan giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh. 

Để tính kế cố thủ lâu dài, Hoàng Công Chất đã quyết định xây thành Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt, nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ. Đây là một ngôi thành có quy mô xây dựng kỳ công, độc đáo, có địa thế thuận lợi cho việc phòng thủ các lực lượng từ Lào đánh sang, từ xuôi tiến công lên. Thành rộng 80 mẫu, dựa lưng vào sông Nậm Rốm, có đường thành đắp bằng đất, trồng tre gai từ Thái Bình đưa lên vây kín. Vào giữa thế kỷ XVIII, việc vận chuyển hàng nghìn khóm tre gai từ Thái Bình lên Điện Biên quả là một công việc kỳ vĩ. Ở Điện Biên hiện nay vẫn còn một bản mang tên Nà Sáng (ruộng tre). Tương truyền đó là nơi nghĩa quân Hoàng Công Chất mang tre gai từ xuôi lên, gánh đến đây, đặt xuống nghỉ. Bên ngoài thành có hào rộng 4 - 5m, thành cao 5m, mặt thành rộng chừng 5m. Bốn cửa thành đắp cao, có vọng gác. Trong thành có khu ngoại vi cho lính đóng quân và các kho binh lương... 

Đến ngày nay, ở Điện Biên còn lưu truyền bài hát ca ngợi ông chúa bản mường Hoàng Công Chất và thành Bản Phủ: “Chúa cho ta nước uống, ta được uống/Chúa cho ta cơm ăn, ta được ăn/ Chúa bảo ta đắp thành ta xây, ta đắp/ Thành to, thành đẹp/Thành vững đứng giữa cánh đồng/Giặc nào chẳng khiếp vía.../Chúa cưỡi ngựa đứng trên mặt thành uy nghiêm/Nào ta hãy lấy tre về trồng cho khắp/Tre Mường Thanh chúa bảo đừng lấy/Hãy lấy tre có gai vàng như ngà/Tận miền xuôi đem về trồng mới tốt/Lấy hơn bốn mươi ngàn khóm/Bao quanh thành, thành vững chúa mới yên lòng”.

Khoảng những năm 1754 - 1767, Hoàng Công Chất vừa chăm lo củng cố Mường Thanh vừa mở rộng thế lực hoạt động ra toàn vùng sông Mã, sông Đà, sông Hồng, sông Thao. Từ Mường Thanh, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã tiến đánh lấy lại những vùng đất đã bị bọn quan lại Vân Nam lấn chiếm từ trước và phối hợp với nghĩa quân Lê Duy Mật khống chế một dải đất rộng lớn từ Thanh - Nghệ đến Tây Bắc, trong đó Hoàng Công Chất chiếm giữ toàn bộ miền Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, Hòa Bình. Toàn bộ các chúa đất dải sông Mã, sông Đà, sông Thao đều thần phục họ Hoàng và không chịu cống nạp triều đình. Mường Thanh trở thành trung tâm chính trị, văn hóa của Tây Bắc. Hoàng Công Chất thu cống nạp, cắt cử, phong ấn, cấp sắc cho các tù trưởng, chia ruộng cho dân, bảo vệ dân chúng, chống mọi cuộc xâm lấn, giữ an ninh trật tự toàn miền Tây Bắc. 

Trong những năm ở Tây Bắc, Hoàng Công Chất đã thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn lưu truyền bài vè: “Dưới xuôi có vua, trên này có chúa/Những miền phía dưới từ Mường Puồn, châu Ét/Từ Đà Bắc, chợ Bồ/Phía trên từ Xo, Là đổ xuống/Tất cả đều thuộc quyền chúa Mường Thanh/ Đất Mường Thanh rộng một dải với ba con sông Nậm Rốm, Nậm Núa, Nậm U/ Vây quanh thành Bản Phủ/Chúa thật yêu thương dân/Chúa xây bản, dựng mường/ Mọi người vui vẻ, yên ổn làm ăn.../Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ/Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la/Ai ơi muốn biết, xin hãy về coi/Ai ơi có mắt, mở trông cho kỹ/Người Kinh cùng người Hán/Người Thái với người Lào, người Xá/Vui vẻ cùng nhau, tay làm miệng hát”... 

Trong những năm trấn giữ Mường Thanh, Hoàng Công Chất đã có công lao lớn giữ yên bờ cõi của Tổ quốc, tránh được họa xâm lăng khi người Miến đã đô hộ toàn bộ vùng Luông Pha băng và đang uy hiếp sự an ninh của một số nước Đông Dương vào những năm 1757 - 1765, đồng thời khống chế được những cuộc nhũng nhiễu, lấn đất, cướp bóc của bọn giặc cỏ từ phương Bắc tràn xuống, cùng các hoạt động chống lại triều đình nhà Lê đã ruỗng nát. 

Năm 1767, Hoàng Công Chất qua đời, con trai ông Hoàng Công Toản lên thay và năm 1769 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã lập miếu, đền thờ phụng ở nhiều bản mường, trong đó có ngôi đền lớn đặt tại Thành Bản Phủ là một biểu tượng về sự tri ân vĩnh hằng của đồng bào miền ngược với ông chúa bản mường có quê hương từ miền xuôi Thái Bình. 

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)