Thứ 6, 22/11/2024, 05:51[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Trang sử vàng chói lọi Kỳ 1: Cuộc hành binh Castor - Hải ly và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Thứ 5, 02/05/2024 | 08:39:54
7,021 lượt xem
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do, tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc miền xuôi và miền ngược, tạo nên sức mạnh to lớn, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc. Chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân tộc trang sử vàng chói lọi.

Đông đảo du khách tới thăm di tích hầm De Castries tại thành phố Điện Biên Phủ.

Mùa xuân năm 1953, nước Pháp bước vào năm thứ tám “bế tắc” của cuộc chiến Đông Dương và thắng lợi liên tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy quân Pháp lún sâu trong thất bại. Chính thời điểm này, Thủ tướng Pháp Mayer cho rằng, bổ nhiệm một người không hiểu về Đông Dương sẽ giúp có cái nhìn chiến lược mới và nhiệm vụ của tân chỉ huy trưởng rất rõ ràng: Tìm thấy lối thoát danh dự cho cuộc chiến, nghĩa là buộc Việt Minh phải ngồi vào bàn đàm phán ở thế đã bị suy yếu cả về chính trị lẫn quân sự.

“Véc Đoong vùng nhiệt đới”

Mùa thu năm 1953, quân đội Việt Minh tiếp tục chiến lược tổng phản công ở đồng bằng châu thổ. Đến cuối tháng 10/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển mặt trận lên vùng thượng du Bắc Kỳ với mục tiêu là chiếm Lai Châu, tiêu diệt lực lượng lính đánh thuê. Đại đoàn 316 và Trung đoàn độc lập 48 được lệnh tiến về Lai Châu. Ngày 2/11/1953, tướng Navarre ra chỉ thị mở cuộc hành binh Castor - Hải ly chiếm Điện Biên Phủ trong khoảng từ ngày 15 đến ngày 20/11/1953 với mục đích ngăn quân đội Việt Minh biến Điện Biên Phủ thành căn cứ tác chiến. Ngày 20/11/1953, bầu trời Điện Biên Phủ bị khuấy động bởi tiếng máy bay và những tiểu đoàn dù cùng rất nhiều vũ khí, trang bị được thả xuống. Chỉ trong 2 ngày, quân Pháp đã điều động 5.100 lính dù, hơn 240 tấn vũ khí trang bị tới lòng chảo Điện Biên Phủ. Ngày 7/12/1953, tướng Navarre cử Đại tá De Castries lên chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ và tiếp tục tăng cường lực lượng xây dựng công sự phòng ngự vững chắc. Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm rất lớn với 8 trung tâm đề kháng, được chia thành ba phân khu gồm: Phân khu trung tâm ở giữa cánh đồng Mường Thanh với 5 trung tâm đề kháng, bao bọc hầm chỉ huy của De Castries; phân khu bắc gồm 2 trung tâm đề kháng và phân khu nam có một trung tâm đề kháng. Pháo binh của quân Pháp được bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm, đại đội xe tăng được bố trí ở phân khu trung tâm và phân khu nam. Phó Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã lên kiểm tra việc xây dựng tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ; nhiều tướng của quân đội Pháp và Mỹ khi đó nhận định tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một “Véc Đoong vùng nhiệt đới”, cứ điểm phòng ngự rất mạnh và khó có thể công phá, đây chắc chắn sẽ là “cối xay thịt” quân đội Việt Minh.

Tuy nhiên, khi đó, với kinh nghiệm của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định về Điện Biên Phủ: “Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”. Tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), ngày 6/12/1953, Bác Hồ đã chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tiếp đó, ngày 1/1/1954, cũng tại Tỉn Keo, Bộ Chính trị họp, chỉ định cơ quan lãnh đạo và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, khi đó chiến dịch Điện Biên Phủ được đặt mật danh Trần Đình. Trước khi hành quân lên Tây Bắc, Hồ Chủ tịch đã từng căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tướng quân tại ngoại, giao cho chú toàn quyền quyết định. Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”.  

Cả nước hành quân lên Tây Bắc

Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Trần Đình, núi rừng Tây Bắc như chuyển động, những con đường ngược dốc, từng hàng dài dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong gồng gánh, khiêng vác, những chiếc xe đạp thồ nối đuôi nhau tiến lên Điện Biên Phủ. Bộ đội căng sức kéo pháo lên đèo, sông Đà cuộn sóng cũng không ngăn được bước tiến của quân đội Việt Minh, từng hàng dài thuyền bè chở bộ đội, vũ khí, nhu yếu phẩm nhằm hướng Tây Bắc mà tiến. Lực lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu khi đó lên tới hơn 262.000 người, quân đội có khi hơn 50.000 người, hơn 20.900 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực..., cả nước khi đó như hành quân lên Tây Bắc.

Cựu chiến binh Trần Trọng Đông, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) - người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ: Để cắt đường vận chuyển vũ khí, trang bị cho quân đội Việt Minh, quân Pháp thường xuyên cho máy bay ném bom đánh phá các tuyến đường huyết mạch lên Điện Biên Phủ. Đơn vị của tôi khi đó là pháo phòng không, hàng ngày phải căng mình chiến đấu với máy bay địch, thậm chí khi địch nghỉ không ném bom thì chúng tôi lại cùng với anh em dân công và thanh niên xung phong ra lấp các hố bom, thông đường cho người và xe qua lại. Chúng bắn phá nhiều lắm, có những ngày thả bom từ sáng tới đêm, anh em chiến sĩ rất vất vả. Về sau, đến nửa chiến dịch, đơn vị tôi hy sinh nhiều quá nên anh em chiến sĩ được phân về các đơn vị khác, riêng tôi về Tiểu đoàn bộ binh 79, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 tiếp tục tham gia cùng đồng đội đào giao thông hào và tham gia chiến đấu ở Điện Biên.

Về tương quan lực lượng, quân đội Việt Minh có khoảng 55.000 người, 1 tiểu đoàn DKZ 75mm và súng cối 82, 4 đại đội súng cối 120mm, 24 khẩu sơn pháo 75mm, 24 khẩu lựu pháo 105mm, 76 khẩu pháo cao xạ 37mm, 12 khẩu pháo hỏa tiễn H6, 715 xe vận tải. Phía quân đội Pháp có khoảng 16.200 người, được trang bị 20 khẩu súng cối 120mm, 28 khẩu pháo 105mm, 4 khẩu pháo 155mm, 10 chiếc xe tăng M24, 14 máy bay, 200 xe vận tải.

Cựu chiến binh Lương Văn Phớn, xã Đông Lâm (Tiền Hải) nhớ lại: Tôi nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện tại Thanh Hóa, hơn 2 tháng thì nhận lệnh lên Tây Bắc. Mất gần 1 tháng hành quân mới đến được Tuần Giáo (Điện Biên). Lên đến Điện Biên, tôi được bổ sung vào Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 tham gia đào hào và làm sở chỉ huy mặt trận tiền phương tại Mường Phăng. Sau khi xây dựng xong sở chỉ huy mặt trận tiền phương, đơn vị tôi đóng quân ở khe Hồng Lếch, cách Mường Phăng gần 3km, hàng đêm đứng trên núi cao có thể thấy pháo sáng của địch bắn sáng cả một vùng. Những ngày sau đó chúng tôi tham gia đào hào, tấn công lên cứ điểm Him Lam, Độc Lập, quân đội Pháp tiếp tế lương thực, vũ khí bằng việc thả dù nhưng đều bị quân ta chiếm được.  

Hầm chỉ huy của Đại tá De Castries là một trong những cứ điểm rất khó công phá của quân đội Pháp.Bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ tái hiện lại hình ảnh kéo pháo vào trận địa của quân đội Việt Minh.

 
Tiến Đạt

(còn nữa)