Thứ 6, 22/11/2024, 05:53[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Trang sử vàng chói lọi Kỳ 2: Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh

Thứ 6, 03/05/2024 | 08:56:30
6,801 lượt xem
Với quyết tâm cao nhất, ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ… hăng hái lên đường, chung một đích đến là chiến trường Điện Biên.

Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 14/1/1954, tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” và ngày nổ súng dự định là 20/1/1954. Nhiệm vụ thọc sâu được giao cho Đại đoàn 308 và sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng Tây, xuyên qua những vị trí nằm trên cánh đồng, thọc thẳng tới sở chỉ huy của De Castries. Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 nhận nhiệm vụ đột kích vào hướng Đông, nơi có những cao điểm trọng yếu. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày đêm bằng tiến công ồ ạt đồng loạt, thọc sâu, đã được Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương cùng Bộ Tổng tham mưu phê duyệt, bởi đánh sớm khi Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng. Tuy nhiên, do một đơn vị trọng pháo của ta vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại thêm 5 ngày, đến 17 giờ ngày 25/1/1954. Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, quân Pháp biết được, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ sau và chuyển sang ngày 26/1/1954.

Trước tình huống bất ngờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đó cho rằng phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” mang nhiều tính chủ quan, không đánh giá đúng thực lực hai bên, không thể bảo đảm chắc thắng. Đại tướng kiên quyết tổ chức lại trận đánh theo phương án “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” từng tập đoàn cứ điểm. Cuộc họp chỉ huy ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết luận: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra”. Quyết định vô cùng khó khăn mang tính lịch sử trong sự nghiệp cầm binh của Đại tướng được đưa ra.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Vinh, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) cùng các đồng đội.

Cựu chiến binh Phạm Ngọc Vinh, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ) nhớ lại: Các chiến sĩ khi nghe lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra cũng lo lắng lắm. Nhưng khi đó cấp trên đã kịp thời động viên anh em xốc lại tinh thần, chấp hành nghiêm mệnh lệnh. Lúc đó khổ nhất là khẩu sơn pháo khi tháo rời ra thì nòng pháo cũng nặng hơn 100kg; khi vào bắn thì chúng tôi lắp bánh xe gỗ, khi vận chuyển thì chúng tôi lắp bánh xe cao su, từng bộ phận của khẩu sơn pháo được anh em tháo rời và di chuyển đến các trận địa theo lệnh của cấp trên. Đường đi vất vả, mang vác nặng, chiến sĩ của ta ngày đó phải quyết tâm rất cao nên mới giành được chiến thắng.

Kéo pháo lên Điện Biên đánh Pháp

Để “bóc vỏ” tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, quân đội Việt Minh đã đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào xung quanh các cứ điểm của quân đội Pháp. Dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không khí chiến đấu hừng hực ngút trời. Lần đầu tiên cả dân tộc ra mặt trận và chung một chiến tuyến, các lực lượng dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, từ già, trẻ, gái, trai... đã vận chuyển một khối lượng khổng lồ lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn dược lên Điện Biên Phủ. Máy bay Pháp liên tục dội bom nhằm cắt đứt đường tiếp viện của ta nhưng chưa bao giờ thành công. 

Nhớ lại những ngày gùi hàng lên chiến trường Điện Biên Phủ, thanh niên xung phong Phạm Văn Nhật, xã Đông Vinh (Đông Hưng) cho biết: Lúc đầu khi chưa có xe đạp thồ, chúng tôi gánh gạo trên vai, mỗi người gánh hơn 40kg, cứ thế trèo đèo, lội suối, băng rừng tiến về Điện Biên. Sau này khi công binh và dân công hỏa tuyến lên mở đường rộng hơn, có xe đạp thồ, chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Sau cải tiến xe đạp của anh Ma Văn Thắng, mỗi chiếc xe chúng tôi chở được từ 200 - 300kg, thậm chí có xe chở được 325kg. Từng đoàn người dài hàng trăm mét cứ thế nối đuôi nhau đưa lương thực, vũ khí lên Điện Biên cho bộ đội ta đánh Pháp.

Cựu chiến binh Chu Văn Hào, thôn Trình Trung Đông, xã An Ninh (Tiền Hải) chia sẻ: Câu thơ “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát/Dù bom đạn, xương tan thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” đã phản ánh gian khổ của chúng tôi năm xưa. Cứ đêm xuống là đơn vị tôi kéo pháo, khổ nhất là kéo trên đèo Pha Đin, khi đó đường bé, anh em thì người nặng nhất cũng chỉ 45 -  50kg vậy mà phải kéo pháo nặng hàng tấn. Chúng tôi cứ nhích từng chút một, kéo đến đâu thu tời đến đó, đồng thời có người dùng gỗ chèn vào bánh xe để khỏi lăn xuống dốc. Ngày nghỉ, đêm kéo để tránh địch phát hiện và bắn phá nên việc kéo pháo lại càng khó khăn gấp nhiều lần; mỗi lần kéo pháo qua được khúc cua, anh em vất vả lắm, mồ hôi ướt sũng áo. Khi kéo pháo đến Tuần Giáo, máy bay địch bắn phá ngày càng ác liệt, nhiều anh em hy sinh. Di chuyển pháo đến dốc Chuối (nơi anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo) thì đường trơn lắm, lại có mưa nên đất ẩm ướt, anh em hết kéo bằng tay lại chuyển qua kéo bằng vai. Khi đưa pháo vào đến trận địa phải tham gia đào đắp hầm ngụy trang cho pháo. Chính việc xây dựng hầm ngụy trang đã giúp cho quân ta bảo toàn được lực lượng, vũ khí và gây ra bất ngờ cho địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch sau này.

Sau khi các đơn vị vào vị trí chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh mở màn chiến dịch tại khu vực đồi Him Lam và Độc Lập với quyết tâm đánh thắng trận mở màn tạo khí thế quyết tâm cho quân ta giải phóng các cứ điểm của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ.

Những khẩu pháo lớn được bộ đội ta sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tiến Đạt

(còn nữa)