Thái Bình - Điện Biên: Hai quê là một
Video: 070524-_Nghia_tinh_hai_que.mp4?_t=1715079536
Đồng tình xây dựng Điện Biên
Từ thành phố Điện Biên Phủ, mất khoảng 20 phút đi xe ô tô, chúng tôi tới xã Pom Lót (huyện Điện Biên). Nắng tháng tư dịu nhẹ, hai bên đường là cánh đồng lúa đang ôm đòng điểm xuyết trỗ bông, những sóng ngô xanh ngút ngàn bừng lên sức sống diệu kỳ. Đến khu trung tâm xã Pom Lót thật ngỡ ngàng trước cuộc sống trù phú nơi đây. Các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang; nhà của người dân được xây dựng kiên cố; thương mại, dịch vụ phát triển.
Phó Chủ tịch UBND xã Pom Lót Nguyễn Văn Luyển đón chúng tôi trong niềm vui phấn khởi bởi gặp người cùng quê. Vẫn mang đậm chất hồn hậu, nhiệt huyết của người con quê lúa, nói chuyện thân mật như người một nhà, anh Luyển giới thiệu những nét cơ bản về kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của bà con Thái Bình rồi dẫn chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Đình Kiên, quê ở xã Tây Đô (Hưng Hà), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pom Lót và là điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương.
Sau cái bắt tay nồng ấm, ông Kiên bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày đầu lên Điện Biên cách đây tròn 60 năm: Năm 1964, khi tôi mới 10 tuổi, cả gia đình cùng mấy chục hộ trong xóm lên đây lập nghiệp. Đi hơn một tuần mới lên tới nơi, cả gia đình chen chúc trong một lán nhỏ nhìn bốn bề toàn rừng núi mênh mông, cây cối um tùm, hoang vu, đêm đến hổ tìm đến bản làng phá phách, bắt trâu của người dân. Một số gia đình ngao ngán, không chịu nổi cảnh cơ cực mà bỏ đất, khăn gói về quê. Bố mẹ tôi cũng hoang mang lắm, đấu tranh tư tưởng mãi cuối cùng quyết định ở lại bởi đi đâu cũng phải lao động, phải mưu sinh nhưng ở Thái Bình đất chật người đông còn ở đây đồng rừng mênh mông, nếu cần cù, chịu khó đất sẽ không phụ công người. May mắn thay, các hộ dân “chân ướt chân ráo” ở Thái Bình lên đây luôn nhận được sự đùm bọc, yêu thương của những người dân bản xứ nên nhanh chóng làm quen với môi trường mới, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Với bản tính cần cù, chịu khó, thông minh của người Thái Bình, các hộ dân đã đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Cứ thế ruộng đồng được mở rộng, bà con trồng khoai, trồng đỗ, cấy lúa, nuôi lợn, nuôi gà... dần dần cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đến nay đã 60 năm chúng tôi bó bện với mảnh đất này, luôn coi Điện Biên là quê hương thứ hai của mình, hầu hết các gia đình người Thái Bình đều có cuộc sống khá giả, nhiều hộ trở nên giàu có.
Câu chuyện giữa tôi và ông Kiên bị cắt ngang bởi lời giới thiệu của anh Luyển: Như chú Kiên đây cũng là một tỷ phú đấy, là chủ trang trại. Trước đây chú nuôi gà, giờ chuyển sang nuôi hươu với quy mô 40 con, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng; đồng thời là Chủ nhiệm HTX Mùa ban Điện Biên chuyên cung cấp, bán buôn, bán lẻ nhung hươu, hươu giống với 12 thành viên tham gia nuôi, bao tiêu sản phẩm từ hươu.
Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Toàn xã hiện có gần 6.200 nhân khẩu với gần 1.540 hộ gia đình sinh sống ở 14 thôn, bản, trong đó 60% là người Thái Bình. Điều đáng ghi nhận là bà con Thái Bình có trình độ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cao, luôn nhiệt tình truyền đạt, hỗ trợ phương thức làm ăn cho đồng bào các dân tộc, đồng thời tích cực du nhập, mở mang ngành nghề, phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng bào Thái - Kinh trong xã luôn đoàn kết, gắn bó, tích cực lao động sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,3%. Hiện nay, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Cùng chúng tôi trên hành trình đến các địa phương của Điện Biên có đông người Thái Bình sinh sống là ông Vũ Văn Đình, quê ở xã Tân Hòa (Hưng Hà), hiện là Chủ tịch Hội đồng hương Thái Bình tại Điện Biên. Hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này, ông Đình hiểu hơn ai hết những đóng góp của người Thái Bình trên đất Điện Biên. Ông chia sẻ: 10 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, từ năm 1964 sau nhiều đợt di dân được tổ chức đã có hàng nghìn người dân Thái Bình rời quê hương lên Điện Biên với niềm hy vọng về cuộc sống mới tốt đẹp và chung một ý chí xây dựng chiến trường Điện Biên Phủ sau chiến tranh trở thành vùng kinh tế trù phú nơi cực Tây Tổ quốc.
Với bản tính kiên trì, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, những người con của quê hương đã bền chí, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tích cực khai khẩn, mở rộng diện tích đất canh tác tăng lên gấp nhiều lần. Họ cũng mang theo kỹ thuật canh tác lúa nước chuyển giao cho người dân tộc thiểu số ở Điện Biên, biến sỏi đá thành lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, làm giàu cho quê hương thứ hai.
Nghĩa tình hai quê
Theo ông Vũ Văn Đình, đi đến vùng đất nào của tỉnh Điện Biên cũng có người Thái Bình sinh sống nhưng ở các xã Noong Hẹt, Noong Luống, Pom Lót, Thanh Hưng, Thanh Luông (huyện Điện Biên) là những địa phương có đông người Thái Bình nhất. Hầu hết các phường, xã đến tận thôn ở Điện Biên đều có Hội đồng hương Thái Bình. Lên Điện Biên lập nghiệp, người Thái Bình đã hòa cùng cuộc sống bản địa, đem lên đây nghề trồng lúa nước, nghề làm bánh đa, nghề trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả... không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương phát triển. Những làng Thái Bình ở Điện Biên xưa khó khăn là vậy giờ đã trở thành những vùng kinh tế mới trù phú.
Ông Trần Thế Hoàn, Chủ tịch UBND xã Noong Luống (huyện Điện Biên) cho biết: Người Thái Bình chiếm gần 46% nhân dân trong xã, là lực lượng có cuộc sống khá giả, đầy đủ tiện nghi về vật chất. Người Thái Bình lên đây không chỉ chịu khó làm ăn mà còn giúp đỡ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, sống một cuộc sống văn minh, luôn chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài; đồng thời mang văn hóa Thái Bình lên giao lưu, hòa chung bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của hai dân tộc Thái - Kinh. Sự đổi thay của địa phương có đóng góp không nhỏ của những người con Thái Bình.
Khó mà kể hết công lao của những người con quê lúa trong suốt hơn một nửa thế kỷ qua trên mảnh đất Điện Biên. Chỉ biết rằng hôm nay trong rất nhiều thôn, xóm của vùng lòng chảo Điện Biên bên cạnh những ngôi nhà khang trang, hiện đại vẫn còn những nếp nhà đậm chất quê hương Thái Bình. Hay có nhiều tên làng là tên ghép giữa các địa phương của tỉnh Thái Bình và Điện Biên, như thôn Hưng Biên (xã Noong Luống) là kết hợp giữa Hưng Hà và Điện Biên, thôn Thanh Đông (xã Thanh Luông) là kết hợp giữa Mường Thanh và Đông Hòa (thành phố Thái Bình)… Có lẽ đó là cách người Thái Bình giữ lại nét quê hương cho thỏa lòng nhớ mong về nơi họ đã ra đi và những người đã bước vào tuổi xưa nay hiếm vẫn luôn khắc khoải nỗi niềm hai quê Thái Bình - Điện Biên, bảo ban con cháu chung tay xây dựng Điện Biên giàu đẹp.
Cụ Bùi Hiệp Thành, phường Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) kể chuyện về những ngày rời quê Thái Bình lên Điện Biên lập nghiệp.
Cụ Bùi Hiệp Thành, phường Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ), quê ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) năm nay 101 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày rời quê lên mảnh đất này. Cụ bảo: Mình có hai quê hương đó là quê hương nơi “chôn nhau cắt rốn” và quê hương nơi lập nghiệp, với tôi hai quê là một. Cuộc sống tuổi già với tôi thực sự viên mãn khi có 8 người con, 33 cháu, 28 chắt, các con cháu đều có cuộc sống ổn định, thành đạt, giờ chỉ mong hai quê Thái Bình - Điện Biên ngày càng phát triển.
Chị Vũ Thị Thúy, quê xã Tiến Đức (Hưng Hà) hiện đang sinh sống tại thành phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Gia đình tôi lên Điện Biên làm kinh tế gần 40 năm. Ông bà, bố mẹ tôi luôn dạy con cháu phải biết đoàn kết đùm bọc lẫn nhau, giữ mối giao hảo với đồng bào người Thái ở Điện Biên và luôn gắn bó với những đồng hương người Thái Bình nên mỗi khi gặp mặt Hội đồng hương Thái Bình ở Điện Biên tôi đều đưa cả gia đình tham dự, để các cháu biết đến đồng hương và học hỏi đức tính chăm chỉ, cần cù, chịu khó của người dân Thái Bình.
Ông Phạm Văn Bảo (người bên trái), phường Nam Thanh (thành phố Điện Biên Phủ)
không chỉ thực hiện tốt vai trò Bí thư Chi bộ mà còn tích cực phát triển kinh tế.
Cũng bởi những người con quê lúa Thái Bình đã gắn bó, coi Điện Biên là quê hương thứ hai và quyết tâm xây dựng kinh tế giàu mạnh hơn nên đã góp phần không nhỏ xây dựng cánh đồng Mường Thanh thực sự trở nên trù phú, thành vựa lúa lớn nhất vùng Tây Bắc. Những cánh đồng dồn điền đổi thửa rộng lớn, hay làng hoa, cây cảnh ở xã Thanh Hưng, rồi vựa rau màu lớn nhất tỉnh Điện Biên ở xã Pom Lót đều là những nơi có rất nhiều người dân Thái Bình đang sinh sống, sáng tạo, cần mẫn trong lao động sản xuất làm nên. Ở Điện Biên, cũng có rất nhiều người quê Thái Bình tham gia trong hệ thống chính trị, các lĩnh vực y tế, giáo dục, quân đội… trong đó có nhiều người giữ vị trí chủ chốt. Và cũng có nhiều chủ doanh nghiệp trên đất Điện Biên là người Thái Bình.
Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên).
Sự đổi thay diệu kỳ trên mảnh đất Điện Biên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có một phần đóng góp xương máu, mồ hôi, công sức, trí tuệ và kinh nghiệm của những người con quê hương Thái Bình. Tại xã Noong Hẹt không chỉ có nhiều người Thái Bình lên định cư mà xã còn có di tích Thành Bản Phủ thờ tướng quân Hoàng Công Chất - người con ưu tú của Thái Bình đã giúp nhân dân Mường Thanh đánh thắng giặc Phẻ (giữa thế kỷ XVIII), xây dựng vùng căn cứ địa vững mạnh. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hai tỉnh Điện Biên và Thái Bình tuy một ở phía Tây, một phía Đông Bắc Bộ nhưng tình anh em luôn gắn bó sâu nặng, nghĩa tình.
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Tự hào Chiến thắng Điện Biên Phủ 07.05.2024 | 11:09 AM
- Xã luậnVang mãi hào khí Điện Biên 07.05.2024 | 07:39 AM
- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng bằng 700 drone 06.05.2024 | 08:25 AM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Xúc động trưng bày chuyên đề "Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa xuân năm 1975" 29.04.2024 | 17:16 PM
- 12.000 người hợp luyện diễu binh trên đường phố Điện Biên 28.04.2024 | 15:37 PM
- Tiền Hải: Thăm, tặng quà chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 26.04.2024 | 16:18 PM
- Khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đến đại thắng mùa Xuân năm 1975” 26.04.2024 | 16:11 PM
- Hành trình của một chiến sĩ Điện Biên 25.04.2024 | 10:33 AM
- Lãnh đạo thành phố thăm, tri ân các chiến sĩ Điện Biên trên địa bàn 22.04.2024 | 15:05 PM
Xem tin theo ngày
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, chúc tết Trường Đại học Y Dược Thái Bình
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ chính trị dịp tết Nguyên đán tại phường Trần Hưng Đạo
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Kiểm tra công tác bảo đảm an ninh trật tự và sẵn sàng chiến đấu ở một số cơ quan, đơn vị
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Tặng quà Làng trẻ em SOS Thái Bình
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy trao quà tết tại xã An Thanh
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng
- Tháo gỡ khó khăn, không để các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ