Thứ 2, 27/01/2025, 13:27[GMT+7]

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - Thảm kịch của nước Pháp

Thứ 3, 07/05/2024 | 09:42:32
5,237 lượt xem
1. Từ Kế hoạch Navarre đến việc lựa chọn Điện Biên Phủ để kết thúc chiến tranh: Sau thất bại liên tiếp trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, tướng Navarre được cử sang làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương với hy vọng sớm có thể đưa nước Pháp thoát khỏi thế bế tắc của cuộc chiến tranh Đông Dương.

Khách tham quan di tích lịch sử hầm tướng De Castries. (Ảnh ĐĂNG KHOA).

Với nhãn quan của một viên tướng nhiều năm làm nghề tình báo để xem xét cục diện chiến trường và đánh giá lực lượng đối phương, đầu tháng 7/1953, Navarre vạch ra một kế hoạch chiến lược nhằm thực hiện ý đồ “chuyển bại thành thắng”.

Kế hoạch Navarre ra đời với trọng trách tìm một lối thoát danh dự ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Nam phải hiểu, nếu Pháp không thắng thì Việt Nam cũng không thể đánh bại được Pháp và phải tiến hành đàm phán theo những điều kiện của Pháp.

Thực hiện kế hoạch đã vạch ra, Navarre tăng cường bắt lính, xây dựng thêm nhiều đơn vị ngụy quân, đưa số quân ngụy lên 319 nghìn người, tăng 71 nghìn người so với năm 1952.

Mùa khô năm 1953, Navarre có 84 tiểu đoàn cơ động và tập trung đóng ở Đồng bằng Bắc Bộ 44 tiểu đoàn, chiếm 52% số quân cơ động toàn Đông Dương. Số quân và chiến phí ngày càng tăng kéo theo tư tưởng tiến công giành thế chủ động trên toàn chiến trường của Navarre càng thêm phát triển.

Giữa tháng 11/1953, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta mở nhiều cuộc tiến công buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động và bị động đối phó. Tây Bắc được chọn là hướng tiến công chính, mở đầu chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Vừa biết hướng tiến công của ta, Navarre quyết định chuyển quân lên Điện Biên Phủ.

Lúc này, Điện Biên Phủ được coi là một cứ điểm án ngữ, ngăn chặn Quân đội ta đánh sang Thượng Lào và là bàn đạp để từ đây đánh bung ra chiếm lại Tây Bắc khi xác lập được thế tiến công.

Từ ý đồ ban đầu ấy, Navarre tính đến những khó khăn nhiều mặt của Quân đội nhân dân Việt Nam đi tới quyết định chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến chiến lược, kết thúc chiến tranh.

Mong muốn chung của giới cầm quyền Pháp là kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương bằng một thắng lợi danh dự. Họ không muốn Việt Minh ngồi vào bàn đàm phán với tư cách của người chiến thắng, mà ngược lại.

2. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - nỗ lực quân sự cuối cùng của Pháp, Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương: Pháp chọn Điện Biên Phủ vì cho rằng, đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á, là một vị trí cơ động kiểm soát các ngả đường nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc.

Điện Biên Phủ có những cánh đồng rộng lớn, đông dân cư và giàu có nhất vùng Tây Bắc. Theo Tổng Chỉ huy Navarre, vị trí địa lý của khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ, những đặc điểm về khí hậu ở đây khiến cho nó trở thành một địa bàn dễ phòng thủ, một trong những căn cứ không quân tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt vời.

Chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi để chấp nhận một trận chiến đấu ở đây(1). Toàn bộ tập đoàn cứ điểm được thực dân Pháp bố trí thành 49 cứ điểm.

Mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể độc lập chiến đấu; đồng thời những cứ điểm gần nhau được tổ chức lại thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Tập đoàn cứ điểm có tám trung tâm đề kháng và được chia thành ba phân khu.

Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương, là nỗ lực quân sự cao nhất của Pháp được Mỹ giúp sức lúc bấy giờ.

Bộ Chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá”, “một loại nhọt hút độc” để tiêu diệt chủ lực đối phương và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.

3. Nước Pháp sau Điện Biên Phủ: Khi chiến sự tại Điện Biên Phủ đang diễn ra quyết liệt, chính trường nước Pháp cũng có nhiều quan điểm trái chiều. Những người theo đường lối hòa bình thì bi quan cho rằng, Điện Biên Phủ là nơi tận cùng chôn vùi đế chế Pháp. Trái lại, những nhân vật theo đường lối chủ chiến thì hết lời ca ngợi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ca ngợi tinh thần quả cảm của tướng De Castries cùng những binh lính Pháp đang chiến đấu tại lòng chảo Điện Biên…

Điện Biên Phủ thất thủ, không chỉ Navarre, Cogny hay De Castries ở Đông Dương tỏ ra thất thần, mà cách đó nửa vòng trái đất, “cả nước Pháp hầu như chết lặng”. Ngày 13/6/1954, Chính phủ Lanien đã sụp đổ, nhường chỗ cho phe Cộng hòa, đứng đầu là Menđét Phrăngxoa.

Như vậy, đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là một thất bại thảm hại và bất ngờ. Mặc dù quân đội Pháp đã tiến hành cuộc chiến tranh đến gần một thập kỷ và còn được Mỹ trợ giúp đắc lực, nhưng không thể bình định được Việt Nam.

Một ngày sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8/5/1945, Hội nghị Geneve bắt đầu bàn về Đông Dương. Sau Hội nghị này, Pháp phải công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương.

Điện Biên Phủ không chỉ là sự kiện khiến chính trường nước Pháp luôn bất ổn trong thập niên 60 thế kỷ XX, mà còn là sự kiện luôn đeo đẳng nước Pháp nhiều thập kỷ sau đó. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Charles Fourniau-Nhà sử học Pháp, “trận Điện Biên Phủ chính là kiểu mẫu của những sự kiện trọng đại mở ra những thời kỳ lịch sử mới”(2).

Sự thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã có nhiều tác động, “nhất là thất bại đó đã góp phần vào sự thay đổi lớn về chính trị vì rằng người ta có thể nói một cách có lý rằng, nền cộng hòa thứ tư đã bị chết ở Điện Biên Phủ, rằng cái đó còn mở ra một thời kỳ mới trong nền lịch sử mang tính chất lập hiến và chính trị của nước Pháp”(3).

Hơn thế nữa, sự thất bại đó còn có một ảnh hưởng quốc tế mà người ta có thể so sánh với sự thất bại của nước Nga trước Nhật Bản năm 1905. Chiến thắng của Nhật Bản đã góp phần vào sự “thức tỉnh mạnh mẽ của châu Á”, mở ra một chương mới cho những yêu cầu về độc lập trên toàn châu Á.

Nửa thế kỷ sau, sự thất bại của thực dân Pháp đã vang trên các nước thuộc địa, đánh dấu sự mở đầu của quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Á, Phi, Mỹ Latin và mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử thế giới hiện đại.

(1) Henri Navarre, Đông Dương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.272-273.

(2), (3) Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.293.

ĐẠI TÁ, THS PHÙNG THỊ HOAN (VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ-BỘ TỔNG THAM MƯU QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM)

Theo: nhandan.vn