Chủ nhật, 24/11/2024, 14:59[GMT+7]

Bài học kinh nghiệm qua 35 năm đổi mới

Thứ 3, 26/01/2021 | 08:28:50
3,638 lượt xem
35 năm đổi mới (1986 - 2021) là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thủ đô Hà Nội hội nhập, phát triển.

Sau 35 năm, đất nước đã đạt được những kết quả thiết thực: Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ XHCN được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao...

Các thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để đất nước tiếp tục đổi mới, phát triển trong những năm tới; đồng thời khẳng định con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Cội nguồn của các thành tựu đó là do Đảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ, thực hiện, được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ. Đảng đã nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, từ đó giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đồng thời nhạy bén, sáng tạo, kịp thời đưa ra các chủ trương, quyết sách phù hợp từng giai đoạn cách mạng, phù hợp tình hình thế giới và trong nước. Song bên cạnh những thành tựu, chúng ta còn có hạn chế, khuyết điểm: Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng tiềm năng, yêu cầu và thực tế nguồn lực được huy động. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Phát triển còn thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường. Trên một số mặt, lĩnh vực còn một bộ phận nhân dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả của công cuộc đổi mới...

Từ thành tựu, hạn chế, khuyết điểm đó, có thể đúc rút một số bài học:
1. Quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, là cơ sở phương pháp luận quan trọng nhất để phân tích tình hình, hoạch định, hoàn thiện đường lối; đồng thời kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam. Xây dựng đất nước theo con đường XHCN là sự nghiệp khó khăn, phức tạp, lâu dài nhưng đó là con đường hợp quy luật để có một nước Việt Nam phát triển bền vững. Và trong quá trình đổi mới, bên cạnh các cơ hội, có thể xuất hiện vấn đề mới, khó khăn, thách thức mới, Đảng, Nhà nước và nhân dân cần phải chủ động, không ngừng sáng tạo để giải quyết và vượt qua.

2. Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Xa rời, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đổi mới sẽ thất bại. Những ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là yếu tố quan trọng góp phần hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhân dân làm nên các thành tựu của đổi mới, đổi mới phải dựa vào nhân dân.

3. Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; phải tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trong quá trình đổi mới, phải tổ chức thực hiện quyết liệt với các bước đi, hình thức, cách làm phù hợp, hiệu quả. Đồng thời phải chủ động, năng động, không ngừng sáng tạo, khắc phục tình trạng bảo thủ, trì trệ, bỏ lỡ cơ hội phát triển. Phải tôn trọng quy luật khách quan, coi sự phát triển của thực tiễn là yêu cầu, là cơ sở để đổi mới tư duy lý luận, đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đều phải xuất phát từ thực tiễn. Để dân tin, dân ủng hộ, dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước phải giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra; kịp thời điều chỉnh, bổ sung các thể chế, thiết chế, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, cản trở phát triển.

4. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; kiên định độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi. Phải luôn coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định độc lập, tự chủ, và đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, phát huy sức mạnh toàn dân tộc là cơ sở kết hợp sức mạnh thời đại, làm cho sức mạnh toàn dân tộc mạnh hơn. Và quan hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi.

5. Phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cả hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới. Vì thế, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt. Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; đồng thời thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

Rõ ràng sau 35 năm, chúng ta đã không chỉ đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà còn tiếp tục đẩy mạnh và phát triển với các nguồn lực phong phú. Hành trình đổi mới với sự hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân đã và đang kết hợp cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đó là động lực lớn nhất, yếu tố cơ bản nhất tạo nên thành công của sự nghiệp cao cả là xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH.

Lược trích theo tuyengiao.vn