Thứ 7, 23/11/2024, 02:03[GMT+7]

Bài 4: Vụ án Việt Á và cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm?

Thứ 4, 28/09/2022 | 11:09:13
755 lượt xem
Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta được làm rốt ráo, quyết liệt thu được kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực được xử lý nghiêm. Nhất là vụ án Việt Á đã tác động mạnh đến tâm lý cán bộ, đảng viên và nhất là người đứng đầu thiếu bản lĩnh sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì. Có cán bộ thốt lên rằng “ “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế vài tháng nay em chẳng làm gì cả”. Thực tế này là đáng báo động. Vậy thực hư câu chuyện là gì? Đúng sai, phải trái ở đâu?

Kỳ thứ 18 Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm gì?

Câu chuyện tâm lý hiện nay một bộ phận cán bộ, đảng viên sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ tiếp tục làm nóng nghị trường kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV mới đây. Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chia sẻ về tâm lý của không ít cán bộ nói rằng,“bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”.

Vậy thực hư thế nào? Đây là câu chuyện không mới. Trước đó ở kỳ họp thứ 2, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội - ông Hoàng Anh Công, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng từng nêu ra câu chuyện ở nhiều địa phương trong thời gian phòng, chống dịch, vì sợ làm sai nhiều nơi ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị vật tư y tế.

Trong nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cảnh báo về tình trạng này và gọi đó là “virus sợ TRÁCH NHIỆM”. Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 và 5 tháng đầu năm vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ ra những khó khăn mà đất nước đang phải đối mặt, trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân chủ quan là một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt, chủ động giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Về quan điểm này, cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ không có chuyện hàng trăm cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố; nhưng sợ đến mức không dám làm gì vì sợ sai, sợ trách nhiệm; và không biết làm như thế đúng hay sai là không được và nên xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đó. Các cơ quan chức năng cũng nhà nước.

Trong thực tế khi nhận nhiệm vụ, không có vị lãnh đạo nào là không hứa hẹn, sẽ tận tâm, tận lực mang hết khả năng và tinh thần trách nhiệm để cống hiến. Thậm chí khi vào Đảng, lời tuyên thệ trước Đảng là: Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác...

Rồi Luật Cán bộ công chức, các luật chuyên ngành cũng quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ quyền hạn của cán bộ công chức nói chung. Vậy mà, cán bộ nói sợ trách nhiệm, nói “không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”, hay “không biết làm sai ở chỗ nào”, như vậy thì cán bộ đó có còn đủ tư cách để ngồi vào ghế đó nữa không?.

100% quy trình của cán bộ đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định trước khi được đề bạt, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý và họ đều đã được thử thách trong công tác, học hành bài bản đủ bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí có những người được học cao. Như vậy, cán bộ, đảng viên vô tư trong sáng là “đầy tớ” phục vụ vì lợi ích của nhân dân thì sao có thể làm sai được.

Trong công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố rất rõ “ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.“Nếu anh nào làm không tốt thì thay luôn, chúng ta không thiếu người…Tiền bạc chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất", Tổng Bí thư lưu ý. Và như vậy, đặt ra yêu cầu của công tác cán bộ và thực thi công vụ cần quán triệt sâu sắc quan điểm này của Tổng Bí thư.

Cán bộ không dám làm hay im lặng, nghĩa là thiếu trách nhiệm, có thể hiểu là anh không làm hoặc làm không đúng quy định của pháp luật chứ không phải không hiểu luật. Luật ở đây là những quy định về chức năng, nhiệm vụ, trình tự, thủ tục và những nhiệm vụ phải làm được thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật chứ không tách rời với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh, hơn nữa anh lại trưởng thành từ cơ sở.

Căn nguyên của câu chuyện này đều xuất phát từ chuyện cán bộ công chức đạo đức kém, lợi dụng chức vụ quyền hạn để bảo kê, sân sau, lợi ích nhóm, để làm những việc không đúng pháp luật. Anh làm sai nên anh mới sợ.

Không ai có thể hiểu biết hết tất cả, nhưng điều đó không có nghĩa là không có luật quy định điều chỉnh và không có bộ phận chuyên môn giúp việc. Cái gốc của vấn đề là sân sau, lợi ích nhóm. Trong vụ Việt Á, rõ ràng là vì vụ lợi mà các cơ quan ‘nhắm mắt’ cho qua chứ đâu phải ở năng lực trình độ cán bộ. Nếu động cơ trong sáng thì họ đâu có sai phạm.

Một căn nguyên nữa không dám làm và sợ, cho thấy tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ không đáp ứng, nhưng vì ham quyền lực, háo danh đến mức chạy để đạt được chức danh đó, cho nên đến khi được bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí đó không biết làm gì dẫn tới bị cấp dưới thao túng tham nhũng, tiêu cực.

Tình trạng cơ quan, đơn vị, địa phương mà lãnh đạo sợ sai không dám làm gì là rất đáng báo động. Điều đó sẽ làm mất đi động lực, cơ hội làm ăn, kìm hãm sự phát triển. Nhất là ở những cơ quan, đơn vị, địa phương có vị trí quan trọng chiến lược quốc gia mà cán bộ nào cũng sợ sai không dám làm thì tương lai đất nước sẽ về đâu?. Thực tế đã có, tuy không phải tất cả nhưng không ít cán bộ khi đi luân chuyển về địa phương 2-3 năm không làm gì, không xử lý vi phạm, không đề xuất cái mới, cố gắng để không va chạm với ai, dĩ hòa vi quí “cả làng đều vui” an toàn rút về.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ cán bộ sợ sai không dám làm là vì cơ chế. Ở thời điểm này, cơ chế có thể đúng, nhưng ở một thời điểm khác có thể sai? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng: Bản chất cơ chế, chính sách là đúng nhưng cái không đúng là người ta lợi dụng cơ chế để làm những việc khuất tất để phục vụ cho lợi ích sân sau, lợi ích nhóm. Vì thế không thể đổ cho cơ chế. Nếu là cơ chế, tại sao nhiều cán bộ, công chức chấp nhận nghèo chứ không tham nhũng, không thể nói số đó không hiểu luật, mà họ có đạo đức, có tự trọng. Trong khi đó, có những vị chức cao, quyền lớn lại không có liêm sỉ thì làm sao có thể làm đúng được.

Trao đổi với báo chí, Giáo sư Võ Đại Lược nhấn mạnh: Một khi làm đúng chức trách, phận sự của mình trong công việc thì không phải sợ gì cả. Rõ ràng sợ sai không dám làm là do vấn đề năng lực. Năng lực yếu kém, khâu thẩm định có vấn đề nên làm gì cũng sợ. Nếu anh có tài, có năng lực thật thì không phải sợ gì cả…

Thực tế tâm lý sợ sai đã xuất hiện sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ tại một số bộ, ngành và địa phương do có các sai phạm trong quản lý, gây thất thoát tài sản Nhà nước, nhất là vụ đại án Việt Á. Một số lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương có lãnh đạo bị kỷ luật, xử lý hình sự họ cũng cho biết đang rất tâm tư và áp lực trước tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc…

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó, “nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách nhiệm” đang tồn tại. Ví dụ, như việc đấu thầu thuốc tập trung thời gian vừa qua còn chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thực tế; gia hạn các loại thuốc chậm.

Hay như theo báo cáo từ Bộ Tài chính, về tài khóa, sau 8 tháng, tỷ lệ giải ngân gói kích thích 350 ngàn tỷ mới đạt 16%, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 40%. Nhiều công trình, dự án công, đặc biệt là các dự án trọng điểm rất khó khăn để triển khai do giải phóng mặt bằng chậm, do đơn giá tăng cao và thủ tục hành chính phức tạp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ hành động của đội ngũ cán bộ, công chức.

Một lãnh đạo của Đà Nẵng còn phát biểu rằng: “Bây giờ cán bộ làm việc gì cũng sợ sai. Nhiều cán bộ “suy tư, lo lắng”, khiến tinh thần làm việc giảm. Sự cẩn trọng của cán bộ, công chức, viên chức diễn biến theo chiều hướng trì trệ…”.

Việc khởi tố một loạt cán bộ, đảng viên kể cả những cán bộ cấp cao nhất là vụ án Việt Á có thể tạo ra khủng hoảng ngắn hạn, gây ra xáo trộn cán bộ của cả một bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng là cơ hội tốt để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện nhìn lại mình, công việc mình làm, “tự soi, tự sửa” để hành động đúng, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Một trong những đột phá quan trọng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra là cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám”. Đó là những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Cần phải hiểu rằng “dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “miệng nói, tay làm”, vì cái chung.

Ảnh minh họa/ baophapluat.vn.

Dám chịu trách nhiệm thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Dù đường lối của Đảng đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức. Để khắc phục tình trạng này, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là có quy định cụ thể để giải tỏa cho được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của đất nước, không vì danh, lợi cá nhân.

Như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng trả lời chất vấn trước Quốc hội khi mới xảy ra vụ án Việt Á thì rõ ràng là cơ quan điều tra chỉ khởi tố đối với những người liên quan đến chia chác tiền nong.

Để khắc phục tâm lý trên, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn khi giải quyết công việc.

Kết luận nêu rõ: Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Theo dangcongsan.vn