Thứ 2, 26/05/2025, 10:59[GMT+7]

Những trò chơi dân gian ở Hội xuân chùa Keo

Thứ 2, 16/01/2012 | 09:29:38
8,985 lượt xem
Hội xuân chùa Keo được tổ chức vào ngày mồng 4 tháng Giêng âm lịch, tức mồng 4 Tết, là một trong những hội xuân được tổ chức sớm nhất ở tỉnh ta. Hội xuân chùa Keo không chỉ hấp dẫn với dân trong làng, trong xã mà còn thu hút hàng vạn khách thập phương. Sự hấp dẫn của Hội là ở những trò chơi dân gian được tổ chức qua các cuộc thi. Người dự thi không chỉ là người làng mà có cả người ngoài làng, người đi xem hội. Các trò thi gồm có:

1. Chạy giải lấy nước.
Người tham gia phải có sức khoẻ, nhanh nhẹn. Khi vào thi, người dự thi đầu chít khăn đỏ, cởi bỏ áo để trần, mặc quần đùi (xưa đóng khố). Những người dự thi đứng hàng ngang (chữ nhất) trước cửa chùa ông Hộ, mỗi người cầm một thẻ (tre hoặc gỗ), chủ hội đánh một hồi, một tiếng trống, khi dứt tiếng trống, mọi người từ điểm xếp hàng, chạy qua Tam quan nội về phía đông, chạy vòng quanh bờ hồ 3 vòng, mỗi vòng chạy về đặt thẻ cũ, rút thẻ mới, sau vòng thứ ba, ai về trước  điểm xuất phát nhận lấy một chiếc lọ miệng nhỏ, chạy ra cầu ao hồ trước cửa chùa, đầy lọ nước chạy về giao cho chủ hội, chủ hội căn cứ vào thời gian người về trước sau, nước trong lọ đầy hay vơi để trao giải nhất, nhì, ba.

2. Thi bắt vịt.
Người dự thi phải biết bơi, xếp hàng ngang (chữ nhất), đầu đội khăn đỏ, tay cầm cờ, chủ hội đánh một hồi trống rồi hô to cuộc thi bắt vịt bắt đầu, mọi người dự thi ùa xuống hồ tham gia bắt vịt. Người thắng cuộc trong cuộc thi bắt vịt có 2 điều kiện: Bắt được vịt, cờ không bị ướt.

Nếu hai người cùng bắt được một con vịt, thì người túm được đầu vịt sẽ giành phần thắng.

3. Thi kéo lửa.
Cuộc thi này được chuẩn bị trước, sau mùa hội năm này, dân làng đã có ý thức chuẩn bị cho hội năm sau. Người ta chọn những cây nứa già nhiều tinh, cắt thành từng đoạn, chẻ thành mảnh để trên gác bếp, năm sau, đến ngày hội, người ta mang những mảnh nứa ấy đến dự thi. Khi người thi đã chuẩn bị xong, chủ hội gióng lên một hồi trống, dứt tiếng trống cuối cùng, cuộc thi kéo lửa bắt đầu, nhóm nào kéo được lửa trước thì thắng cuộc.

Vào cuộc thi, hai người phối hợp dùng những thanh nứa, lúc đầu họ kéo nhẹ nhàng cho nứa nóng dần lên, khi mảnh nứa đã nóng, lúc ấy hai người kéo thật mạnh cho nhiệt toả ra càng cao tia lửa bật ra bốc khói, người ta dùng bùi nhùi (đã được chuẩn bị sẵn) cho vào lấy lửa, người thi dừng kéo, dùng hơi thổi cho bùi nhùi cháy, lửa được lấy ra đem nấu cơm, đồ xôi. Để lửa cháy nhanh, bùi nhùi phải làm bằng chất liệu dễ bén lửa. Xưa người làng Keo làm bùi nhùi bằng cách dùng mảnh thuỷ tinh cạo lấy mảnh vỏ cây xoan đem phơi khô, vò với mùn cưa rồi quấn vào một đoạn tre nhỏ. Có nơi người ta dùng bã bột sẵn để làm bùi nhùi. Cuộc thi kéo lửa trước đây là một phần trong cuộc thi nấu cơm, nay tách thành cuộc thi riêng.

4. Nấu cơm thi và sắp cỗ chay.
Thi nấu cơm và sắp cỗ chay  gồm có: Một niêu cơm tám, một chõ xôi, một nồi chè lam, một chõ bột để làm bánh.

Tất cả các thứ gạo, bột, đường, gừng, vừng... đều được cân đong, định lượng bằng nhau, rồi phát cho các bếp. Khi đã kéo được lửa, chủ hội đánh một hồi trống, dứt tiếng trống thì các bếp đều thống nhất nổi lửa. Một nén hương đen được đốt lên, khi nén hương cháy hết cũng là lúc cơm, xôi đã chín, chè cũng đã nấu xong (thời gian khoảng 30 phút). Sau đó những người dự thi nấu cơm phải sắp một mâm cỗ chay gồm cơm, xôi, chè lam, bánh phong để đưa vào đền lễ thánh.

Yêu cầu về thời gian phải hoàn tất mọi công việc sau khi cháy hết nén hương. Về chất lượng: Cơm, xôi phải chín, không gẫy nát, không sống, không khê, không có mùi khói, đảm bảo vệ sinh, tinh khiết, trang trí đẹp. Ban giám khảo cuộc thi căn cứ vào kết quả trên mà trao giải.

Sau khi kết thúc các trò chơi, thời gian cũng giữa Ngọ (12 giờ trưa) hội vui xuân kết thúc. Buổi chiều dân làng, quý khách thập phương vào lễ phật, lễ thánh chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, gặp nhiều may mắn.

Phạm Minh Đức

(TP Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày