Thứ 6, 10/01/2025, 01:19[GMT+7]

Để lòng dân mỗi ngày thêm ấm

Thứ 5, 04/02/2021 | 22:29:09
3,966 lượt xem
Nơi biên cương, có những người con quê lúa đang lặng thầm vượt mọi khó khăn cùng đồng bào các dân tộc chung sức bảo vệ, dựng xây vùng biên ngày thêm khởi sắc.

Thiếu tá Lê Văn Anh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ (Lai Châu) tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc.

Đêm tháng Chạp trời tê tái rét, xe chúng tôi chầm chậm vượt điệp trùng đồi núi mờ sương, ngược dòng Nậm Lung lên Sì Lở Lầu. Nằm chót vót trên đỉnh núi, xã Sì Lở Lầu là mũi chóp cuối cùng, cao và xa nhất của điểm cực Tây huyện Phong Thổ, cách thành phố Lai Châu hơn 100km. Theo tên gọi của đồng bào Dao đỏ, Sì Lở Lầu có nghĩa là 12 tầng dốc, để đến được đây phải đi qua 12 con dốc quanh co uốn lượn, dưới là vực thẳm, trên là những vách đá dựng đứng lên tới độ cao gần 2.000m so với mực nước biển. 

Giá rét, mệt mỏi của hơn nửa ngày đường núi như tan biến bởi nụ cười rạng rỡ cùng cái bắt tay thật chặt của Thiếu tá Lê Văn Anh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sì Lở Lầu. Đời binh nghiệp thành cái duyên gắn người con quê biển Thái Thụy với mảnh đất Tây Bắc của Tổ quốc, dọc một dải biên giới từ Đồn Biên phòng 409 Mường Nhé đến Đồn Biên phòng 289 Phong Thổ in hằn dấu chân anh. Năm 2009, Lê Văn Anh nhận nhiệm vụ điều động, tăng cường ra công tác tại xã biên giới Sì Lở Lầu. Năm 2012, anh đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã. Có thời gian dài gắn bó với địa bàn biên giới nên anh am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Người cán bộ mang quân hàm xanh đã không ngại khó khăn, gian khổ, xuống từng bản nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Trở thành cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương với đồn biên phòng trong quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Thiếu tá Lê Văn Anh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ cột mốc, đường biên, giữ vững an ninh trật tự tuyến biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để người dân vùng biên thêm vững bước trên con đường xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang với nhiều tiện nghi hiện đại, anh Phàn Phủ Tông, bản Gia Khâu hồ hởi chia sẻ: Trước đây gia đình mình và dân bản nghèo lắm, cuộc sống làm quanh năm vẫn không đủ ăn. Được lãnh đạo xã, đặc biệt là Thiếu tá, Phó Bí thư Đảng ủy Lê Văn Anh xuống tận nhà động viên, chỉ bảo cho cách làm ăn mới rồi tạo điều kiện giúp về vốn, giống, kỹ thuật, cùng làm với bà con, đời sống dân bản đã thay đổi rất nhiều. Gia đình Phàn Phủ Tông đã chuyển đổi chăn nuôi sang quy mô gia trại, thời kỳ cao điểm trong chuồng nuôi lên tới 100 con lợn thịt, đầu tư xây dựng mô hình chuyên trồng cây tam thất, thất diệp nhất chi hoa, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Sự định hướng của cấp ủy, sự sát sao của chính quyền và các cơ quan chuyên môn đã tận dụng hiệu quả các dự án, chương trình của Đảng, Nhà nước đã phát huy tinh thần nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc nơi đây. Tạo bước phát triển kinh tế mạnh mẽ, đánh thức tiềm năng khí hậu, thổ nhưỡng của miền biên cương Sì Lở Lầu. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương được chuyển đổi mạnh mẽ, dưới tán 3.413ha rừng tự nhiên được người dân chăm sóc, bảo vệ là hơn 3.000 gốc chè cổ thụ, 221ha thảo quả, 66,7ha cây ăn quả cùng nhiều loại cây thuốc quý như: tam thất, thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu... Mảnh đất khô cằn Sì Lở Lầu, nơi mở mắt ra là đụng núi vướng mây nay đã được thổi luồng gió mới. Hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt 18,5 triệu đồng/người, xã đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới... Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện đã góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ 30,24km đường biên giới ngày càng vững chắc.

“Để giữ cho vùng biên ải được bình yên, mỗi người lính biên phòng chúng tôi không những chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, mà phải cùng với đồng bào chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu, để lòng dân mỗi ngày thêm ấm” - Thiếu tá Lê Văn Anh chia sẻ.

Không chỉ rực rỡ hoa mơ, hoa mận, sắc xuân biên cương ngày càng tươi sáng và ấm no từ sự đổi thay của mỗi nếp nhà, mỗi thôn bản. Cách trung tâm huyện Bắc Mê (Hà Giang) 30km, Phiêng Luông được coi là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Nhờ từng bước đánh thức và khai thác những tiềm năng thiên nhiên ban tặng trên vùng cao nguyên đá, những năm gần đây, đời sống của đồng bào dân tộc Phiêng Luông từng bước được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Mùa xuân như đến sớm hơn với thôn Phiêng Luông khi nhà của gia đình anh Thào Phái Thào và nhiều hộ khác được tô điểm thêm những sắc màu ngày tết với rực rỡ cờ hoa cùng những sản vật của núi rừng. 

Anh Thào chia sẻ: Nhờ anh Dũng và nhiều cán bộ xã thường xuyên xuống bản vận động bà con bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa người H'mông qua những nếp nhà trình tường, trang phục truyền thống, các món ẩm thực bản địa... cùng chính sách khuyến khích của địa phương, mô hình phát triển du lịch cộng đồng với dịch vụ lưu trú homestay đã được gia đình tôi và nhiều hộ khác như Cử Nhìa Pứ, Cử Chúng Giàng... từng bước đưa vào khai thác. Dịch vụ này không những thu hút khách du lịch mà còn tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Đóng góp vào những đổi thay đó có một phần tâm huyết và nỗ lực không nhỏ của anh Trần Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Luông. Sau khi được điều động về nhận nhiệm vụ tại địa phương, người cán bộ trẻ sinh năm 1984, quê xã An Bồi (Kiến Xương) luôn trăn trở về hướng phát triển kinh tế để tạo bước đột phá, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Anh Trần Chí Dũng cùng tập thể Đảng bộ, chính quyền xã tập trung vận động nhân dân mạnh dạn đưa những loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổ chức giao khoán, bảo vệ gần 2.000ha rừng đến hộ gia đình, khai thác hiệu quả mật ong rừng, chè cổ thụ, phát triển diện tích trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò nhốt đem lại hiệu quả kinh tế cao. Duy trì hiệu quả hoạt động của HTX dược liệu Phiêng Luông trồng các loại thảo dược như đương quy, ấu tẩu, hà thủ ô, đẳng sâm... Đồng thời phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khám phá hang động, thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ... Mỗi nếp nhà, thôn bản ở Phiêng Luông thêm ấm hơi xuân khi tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, đời sống người dân từng bước được cải thiện, 16km đường liên thôn trong xã đã được bê tông hóa, trên 97% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, diện mạo xã miền núi gần tiến kịp miền xuôi khi hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

Hoa đào bung sắc thắm gọi xuân sang, chia tay Sì Lở Lầu, Phiêng Luông, nhìn cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay giữa bao la biên cương làm chúng tôi thêm ấm lòng, thêm vững tin vào sự vững chắc và trường tồn của Tổ quốc. Bởi có những lặng thầm cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào dân tộc nơi đây trong đó có sự góp sức của những người con quê lúa.

Minh Hưng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày