Thứ 4, 08/01/2025, 01:39[GMT+7]

Học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ - Phụ nữ Thái Bình nỗ lực, tự tin khẳng định mình

Thứ 6, 31/12/2021 | 09:04:24
7,669 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của phụ nữ. Người từng khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... Với Thái Bình, Người luôn dành sự quan tâm, thăm hỏi ân cần, sự động viên và những lời căn dặn phụ nữ phải cố gắng vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất để không ngừng phát triển và tiến bộ.

Xưởng may của chị Nguyễn Thị Huyên, thôn Tràng, xã An Tràng (Quỳnh Phụ) tạo việc làm ổn định cho 30 lao động nữ.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác về thăm Thái Bình 5 lần. Dù mỗi lần về thăm trong thời gian ngắn nhưng Bác dành thời gian trò chuyện với chị em phụ nữ. Tình cảm của Bác dành cho phụ nữ Thái Bình còn thể hiện ở những bức thư khen. Bác biểu dương phụ nữ tham gia chiến đấu, biết làm kinh tế, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, nuôi dạy con tốt... Năm 1958, Thái Bình dấy lên phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, Bác tuyên dương phụ nữ Thái Bình đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp: cấy dày và thả bèo hoa dâu.

Nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thái Bình trong lần về thăm tỉnh lần thứ năm (31/12/1966 - 1/1/1967), Bác nhấn mạnh: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”... Bác cũng không quên nhắc nhở quan tâm đến phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển.

Trước lúc đi xa, Người để lại bản Di chúc thiêng liêng cho toàn Đảng, toàn dân, bản bổ sung năm 1968 có đoạn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Nhớ ơn Bác và để đáp lại tình cảm của Người dành cho phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng, lịch sử đã ghi nhận những chiến công hiển hách của phụ nữ, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Các mẹ, các chị đã đứng lên giành lấy quyền tự do, quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, các mẹ, các chị vừa anh dũng chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ xóm làng vừa hăng hái xung phong vận chuyển lương thực, vũ khí, tham gia liên lạc, cất giấu tài liệu, bảo vệ cán bộ, gây dựng cơ sở cách mạng, chăm sóc, phục vụ thương binh... Không chỉ tham gia chiến đấu, các mẹ, các chị còn cùng nhân dân đẩy mạnh phong trào sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, công tác y tế, vệ sinh môi trường.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Thái Bình cùng với phụ nữ cả nước đã động viên, tiễn đưa lớp lớp thanh niên lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ở lại hậu phương, các chị thay chồng chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con cái, tham gia công tác xã hội. Vừa sản xuất vừa chiến đấu với tinh thần “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, phụ nữ Thái Bình đã góp phần quan trọng làm nên thành tích năm 1966 Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận, xã Vũ Vân (Vũ Thư) nhớ lại: Nhớ lời Bác dạy, tôi cải tiến công cụ, đưa vào sử dụng trong việc đào đắp thủy lợi, góp phần đưa năng suất lao động của Đội thủy lợi Quang Trung tăng 350% so với trước. Sau đó, các đội thủy lợi trong tỉnh đồng loạt phát động phong trào thi đua học và làm theo Đội thủy lợi Quang Trung, tích cực đào sông, đắp đê, làm thủy lợi phục vụ sản xuất, góp phần quan trọng đưa Thái Bình trở thành tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966. Tôi 2 lần được gặp Bác. Bác đã ngợi khen và động viên tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa. Lời Bác như tiếp thêm sức mạnh cho tôi cùng anh em lao động hăng say hơn. Ðội thủy lợi Quang Trung luôn là lá cờ đầu của tỉnh, dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất, khối lượng làm thủy lợi, được Chính phủ tặng cờ thi đua luân lưu 3 năm liền (1967 - 1969).

Thực hiện lời dạy của Người, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có các phong trào thi đua, các cuộc vận động triển khai nhiều hoạt động thiết thực làm theo lời Bác. Chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp hội đã lựa chọn những nội dung phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị để tổ chức cho hội viên đăng ký và thực hiện việc làm theo Bác. Điển hình là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với phong trào “Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. 

Các cấp hội cũng tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng, các đề án của Chính phủ, của tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Hàng năm, các cơ sở hội đăng ký với hội liên hiệp phụ nữ huyện, thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương hàng trăm công trình tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mỗi năm, các cơ sở hội giúp hơn 3.000 gia đình đạt tiêu chí 5 không, 3 sạch. Chị em cũng đảm nhận trồng, chăm sóc hơn 1.000km đường hoa. Trong năm 2021, các cấp hội đã đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện với số tiền trên 5 tỷ đồng. Chị em tích cực học tập, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; vay hơn 2.000 tỷ đồng từ các ngân hàng, tổ chức tài chính để đầu tư phát triển kinh tế; mạnh dạn, sáng tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Hội viên, phụ nữ ngày càng tự tin tham gia giải quyết các vấn đề xã hội; thực hiện quyền làm chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Phụ nữ xã Song Lãng (Vũ Thư) chăm sóc đường hoa.

Các cấp hội cũng phát huy vai trò nòng cốt, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ ngày càng phát triển; tích cực tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới; làm tốt công tác phát hiện, giới thiệu cho Đảng nguồn cán bộ nữ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí các vị trí lãnh đạo, quản lý.

Dù Bác đã đi xa nhưng những lời căn dặn của Người với phụ nữ chính là định hướng, là nguồn cổ vũ to lớn để phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thái Bình nói riêng vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng. Chị em ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí, có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực xã hội, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác trao tặng, phát triển thành 4 phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày