Thứ 6, 27/12/2024, 21:11[GMT+7]

Thân tôi dù nát đường này phải thông

Thứ 4, 01/09/2010 | 10:25:01
3,397 lượt xem
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Tiến Đề - người đầu tiên đưa máy ủi lên đỉnh Trường Sơn cùng hàng vạn TNXP bộ xẻ núi mở đường, giữ con đường huyết mạch Trường sơn với câu nói nổi tiếng " Thân tôi dù nát đường này phải thông".

Anh hùng LLVT Vũ Tiến Đề

Con trai của một du kích anh hùng

Quê hương Vũ Tiến Đề xưa là thôn Phương ĐàiQ, xã Cát Hộ nay là xóm 3 xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Thời thuộc pháp, Phương Đài nằm lọt thỏm giữa một hệ thống  bốt đồn dày đặc. Ông Vũ Tiến Tiếp là bố đẻ của Vũ Tiến Đề vừa là du kích vừa làm công tác hành chính của chính quyền cách mạng xã.

Lúc 8 giờ,  một ngày đầu năm 1951, bọn Pháp cùng Nguỵ quân càn vào xã Cát Hộ bắt  phu, chặt tre lùng cán bộ.Vũ Tiến Đề lúc này 14 tuổi cũng là đồng đội du kích của cha đã mở nắp hầm bí mật dưới gốc cây để cha xuống. Khoảng 11 giờ trưa, xóm làng đã yên trở lại, Vũ Tiến Đề mở nắp hầm cho cha lên. Ông Tiếp vừa ra tới đầu ngõ thì bọn địch (cải trang thành dân thườngc) từ ba phía bao vây  đuổi bắt. Ông Tiếp chạy cắt đường ra phía bờ sông ven làng. Thấy bố bị địch đuổi, Vũ Tiến Đề cũng chạy theo sau, đạn tiểu liên chíu chíu trên đầu, tới gần bờ sông ông Tiếp liền ném lại cho con trai chiếc khăc len đỏ thay lời nhắn nhủ rồi lao xuống dòng nước. Bọn địch thi nhau trút đạn làm ông Tiếp bị thương vào chân, ông vẫn cố hết sức bơi sang bờ bên kia.

Nhưng tưởng đã thoát nào ngờ ông lại rơi vào ổ phục kích của giặc. Bọn địch trói và cho ông vào chiếc lồng rồi bắt 2 người dân khiêng ông  như khiêng lợn về đồn, biết mình lần này không thể thoát khỏi tay giặc, ông nhảy  xuống đất kiên quyết không đi. Một tràng đạn Xít - ten sắc lạnh, ông ngã xuống ở tuổi 37.  14 tuổi, trên đầu Vũ Tiến Đề đã trắng  khăn tang, căm thù giặc  sôi sục, Đề lao vào hoạt động du kích.

Gạt bom trên “trọng điểm tử thần” Trường Sơn

Đến năm 1959 Vũ Tiến Đề xung phong đi bộ đội thời kỳ này yêu cầu sức khoẻ vào bộ đội rất khó.  Đề bị loại  vì không đủ tiêu chuẩn, hơn nữa anh lại là diện con liệt sĩ. Không được đi bộ đội, anh xin đi TNXP, vào được TNXP cũng không  phải dễ. Anh đi bộ nên tận huyện xin đi. Tháng 3/1959, Vũ Tiến Đề cùng với 400 thanh niên Thái Bình tham gia lực lượng TNXP xây dựng CNXH, mở tuyến đường 12 Hòa Bình.

 Vũ Tiến Đề được biên chế vào C201, doanh trại đóng ở chân dốc Cun, Hòa Bình. Nơi đây thường xuyên mây mù che phủ, trời nắng thì không có nước, nhưng khi mưa nước ở xung quanh đổ xuống mênh mông như biển hồ. Lo nhất của chỉ huy đơn vị lúc này là bữa ăn, nước sinh hoạt hàng ngày. Trước tình hình đó, Vũ Tiến Đề xung phong đảm nhiệm công việc khó khăn, vất vả, nặng nhọc này. Việc chợ búa, cơm nước cho anh em đơn vị bắt đầu từ đấy. Hàng ngày phải lo cho hàng trăm miệng ăn, khó khăn chồng chất. Mua thực phẩm mắm muối đều phải vượt đèo cao, suối sâu hàng chục cây số ra thị xã Hòa Bình hoặc phải lặn lội vào bản sâu. Để có nước dùng cho đơn vị, Vũ Tiến Đề phải vượt dốc cao đi tìm từng gánh nước .

Gần một năm trời mặc cho nắng lửa, mưa trơn, bằng đôi chân và chiếc đòn gánh, Vũ Tiến Đề đã đi hàng ngàn cây số để đảm bảo bữa ăn, nước dùng hàng ngày của đơn vị góp phần đưa quân số lao động trên công trường của C201 lúc nào cũng ở mức cao và bếp ăn của C201 được công nhận “ Bếp ăn  kiểu mẫu”. Vũ Tiến Đề được tặng huy hiệu thanh niên tích cực lao động XHCN.

Sau hơn một  nămS, Vũ Tiến Đề được chọn đi học lớp lái xe và máy của Bộ giao vận tải do chuyên giao gia  Liên Xô giảng dạy. Học xong,  anh lên Tây Bắc tham gia mở tuyến đường Mộc Châu - Điện Bịên . Tháng 3 năm  1965 Vũ Tiến Đề là 1 trong  6 TNXP được  Bộ giao thông vận tải điều động  tới  Thái Nguyên  tiếp nhận  một số xe, máy chuyên dụng để làm đường.

Trong một tuần  các anh đã tháo xong 4 chiếc xe ủi  T100 xếp vào 16 xe tải rồi cùng chúng vào Trường Sơn. Dọc đường đoàn xe bị máy bay địch đánh phá nên khi vào tới Khăm Muộn (Lào) thì đồn lại thành 3 chiếc máy ủi. Đây là những chiếc xe máy ủi đầu tiên  của Bộ giao thông vận tải tham gia làm đường 128 thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh. Hoàn thành  đường128 những chiếc xe máy ủi lại tham gia mở đường 20 phá thế độc tuyến trên đường vận tải Bắc Namon>. Sau đó, số xe máy ủi này sát nhập  vào Binh trạm 14 bảo vệ đoạn đường 20 từ km 65 đến km 83 quen gọi là "ATP".

Trong năm tháng trên tuyến lửa đường Trường Sơn, Vũ Tiến Đề đã làm việc quên mình, bất chấp nguy hiểm, hy sinh, kiên cường bám trụ ở các trọng điểm cùng với đồng đội san lấp hàng ngàn hố bom, đảm bảo cho mạch máu giao thông thông suốt để xe pháo vào Nam chiến đấu.

Những trường hợp hiểm nguy nhất, Vũ Tiến Đề thường nhận công việc về mình. Một mình dùng xe ủi đẩy 30 quả bom nổ chậm nằm ở mặt đường xuống vực sâu, góp phần quan trọng giải phóng mặt đường vào những thời điểm khẩn trương ác liệt nhất. Vũ Tiến Đề đã dùng xe xích kéo 70 xe pháo bị sa lầy nằm ở mặt đường thoát khỏi sự đánh phá của máy bay Mỹ.

 Vũ Tiến Đề đã 6 lần bị bom vùi, đất lấp, may mà được đồng đội kịp thời cấp cứu. Sức khỏe tạm được hồi phục, Đề lại xin chỉ huy tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Đề nói: “Còn người còn xe. Tôi quyết không để xe pháo phải chờ đường”. "ATP" là đoạn đường hiểm trở một bên là vách ta -luy  đá tai mèo chênh vênh, một bên là thung lũng sâu thẳm, là " túi bom" trọng điểm mà địch tập trung đánh phá bất kể ngày đêm hòng chặn đứt "mạch máu 20" - mạch máu chiến lược của hậu phương lớn  với tiền tuyến lớn. Trong suốt những năm 1966, 1967, 1968, 1969, Vũ Tiến Đề cùng chiếc xe ủi "không số" dưới  "mưa bom bão đạn" đã san ủi hàng vạn khối đá, đất mở đường, cứu đường, thông đường trên những bãi  bom mìn hiện đại nhất thế kỷ, góp phần giữ liền mạch máu giao thông.

Lần ấy, địch cho B52, máy bay  tiêm kích tập trung đánh phá dữ dội vào đèo Phu - la - nhích. Mặt đường ùn tắc khoảng 500m3 đá lớn. Lệnh của binh trạm bằng mọi giá phải  thông đường cho 2  tiểu đoàn xe 52 và 781 vào chiến trường. Chập tối, Vũ Tiến Đề nổ máy lên đồi, xe đang đẩy những ben đá đầy xuống vực thì lũ máy bay C130 từ Lùm - bùm về phát hiện được liền gọi máy bay AD4 đến đánh. Vũ Tiến Đề cùng binh trạm trưởng Hoàng Trá phải chui vào gầm xe. Bom ầm ầm trên đầu, đất đá tung toé. Hết đợt oanh  tạc Vũ Tiến Đề lại tiếp tục công việc. Bỗng có tiếng súng báo hiệu B52, thủ trưởng binh trạm lệnh cho tất cả vào hầm trú ẩn, anh Đề nói với Binh trạm trưởng: "Thủ trưởng cho tôi làm nốt hố bom này, chưa chắc địch đã đánh ở đây, mà có đánh thì chưa chắc đã trúng".

Vừa dứt lời, bom đã chíu ở trên đầu, một quả bom rơi trúng Ta - luy. Sau 3 loạt bom, anh Đề lại cùng chiếc máy ủi khẩn trương gạt đất đá. Mấy chục phút  sau, đường đã thông, hai tiểu đoàn xe chở đầy súng đạn, lương thực chi viện cho miền Nam, từ các ngách ào ào vượt qua trọng điểm...Vũ Tiến đề cười nói với đồng đội: “ Dù tôi có phải ngậm cỏ xanh cũng xin ở lại làm tròn nhiệm vụ, sống chết với anh chị em TNXP”.

Tháng 5/1968 tại ngầm Ta Lê có 6 hố bom sâu chưa san lấp được, địch lại đánh phá liên tục, phía sau, xe bị ùn tắc nhiều. Trên lệnh, bằng mọi giá với mọi lực lượng phải khẩn trương san lấp giải phóng mặt đường cho xe thông tuyến. Đề đã xung phong nhận nhiệm vụ này cho xe lên đường, bất chấp khói lửa của bom địch và khói đạn pháo của các lực lượng phòng không bắn trả địch.

Với tinh thần tất cả cho miền Nam để đánh thắng, Đề đã quên ăn quên nghỉ, không sợ nguy hiểm hy sinh, làm việc suốt 12 giờ trong ngày để hoàn thành nhiệm vụ. Một đồng chí lãnh đạo Đảnglúc đó đã khẳng định: “Vũ Tiến Đề, người đầu tiên đưa xe ủi lên Trường Sơn để phá bom nổ chậm”. Một kỳ tích anh hùng trên mặt trận giao thông vận tải.Vũ Tiến Đề là chiến sỹ thi đua quyết thắng toàn quân 5 năm liền, được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công. Một vinh dự lớn,  ngày 22/12/1969 anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Người Anh hùng Vũ Tiến Đề không còn nữa nhưng câu nói bất hủ của anh: " Thân tôi dù nát đường này phải thông" sẽ còn mãi trong những trang sử vàng chói lọi của TNXP Việt Namon>, với con đường Hồ Chí Minh lịch sử, với núi rừng huyền thoại Trường Sơn.

Lã Quý Hưng

Hội nhà báo Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày