Thứ 7, 28/12/2024, 13:44[GMT+7]

Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có

Thứ 4, 25/10/2023 | 09:01:55
13,107 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt cho nhân dân Thái Bình, Người đã về thăm Thái Bình 5 lần trong những thời điểm khó khăn cũng như vui mừng nhất. Ngày 26/10/1958, Bác về thăm Thái Bình lần thứ ba, dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân của tỉnh, gặp gỡ 4 vạn đồng bào tại sân vận động thị xã Thái Bình. 65 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình khắc ghi lời Bác dặn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa nông nghiệp, nông thôn có những bước tiến bộ vượt bậc, đời sống người dân ngày càng ấm no.

Đền thờ Bác Hồ và Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tại phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình.

Bác về Thái Bình thêm tiến bộ

“... Lần thứ tư (26/10/1958)
Được tham gia vào đoàn quân danh dự
Đón Bác về thăm tỉnh Thái quê nhà
Hạnh phúc quá! Được gần Người gang tấc
Được tận tường từng sợi tóc, chòm râu
Sung sướng quá! Tuôn lệ trào khóe mắt
Muốn khóc òa cho thỏa nỗi ước mong!
Cho đến khi Bác vẫy tay ra hiệu
Cả Quảng trường phăng phắc đứng lặng im
Bác căn dặn cả nhân dân tỉnh Thái
Phải xứng danh nơi “kho của, kho người”
Tiền tuyến gọi, thóc với người ra trận
Cánh đồng xanh là sức mạnh hậu phương...”

Đó là những vần thơ từ trái tim người cán bộ tiền khởi nghĩa Lều Vũ Cự, 95 tuổi đời, 75 năm tuổi đảng (phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình) đọc cho chúng tôi nghe khi kể về lần thứ tư ông được gặp Bác Hồ. 

Ông xúc động kể: Cuộc đời tôi rất vinh dự khi 4 lần được gặp Bác Hồ và lần gặp cuối cùng vào ngày 26/10/1958 cũng là lần xúc động nhất. Sáng hôm đó, hơn 4 vạn đại biểu nhân dân đội ngũ chỉnh tề tập trung tại sân vận động thị xã Thái Bình để đón Bác nhân dịp tổ chức Đại hội sản xuất Đông - Xuân toàn tỉnh. Tôi vinh dự được tham gia đoàn quân danh dự làm nhiệm vụ đứng thành hàng bảo vệ trật tự đón Bác. Hôm đó Bác mặc bộ đồ quần áo màu gụ, đầu đội mũ cát, chân đi dép cao su đen, nước da hồng hào, vầng trán cao, chòm râu bạc nhìn đồng bào với ánh mắt trìu mến, tự nhiên nước mắt tôi cứ trào ra vì sung sướng, cảm động. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào, tiếng hoan hô vang lên không ngớt. Bác lên lễ đài và phát biểu. Bác nói: “Về sản xuất, do cố gắng của đồng bào và cán bộ, vụ mùa năm nay tốt hơn năm ngoái. Tổ đổi công và hợp tác xã có phát triển, cán bộ thì tham gia lao động sản xuất và lãnh đạo sát hơn, lại có sáng kiến “sạch làng tốt ruộng”, như thế là tốt. Nhưng chớ chủ quan, phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, chú ý diệt chuột, trừ sâu, phòng bão. Phải chuẩn bị gặt nhanh, gặt tốt, gặt kỹ, chớ để thóc lúa rơi vãi”.

Bác nêu 6 nhiệm vụ: Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã; Cán bộ các ngành đều phải làm tròn nhiệm vụ phục vụ nông nghiệp; Phải đánh thông tư tưởng và động viên sáng kiến và lực lượng của toàn Đảng, toàn dân; Cán bộ lãnh đạo phải nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, phải đi đúng đường lối quần chúng, phải biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết tâm của toàn dân; Tất cả đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động, anh em bộ đội phục viên, chiến sĩ lao động, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng phải làm gương mẫu, làm đầu tàu; Toàn Đảng, toàn dân đoàn kết chặt chẽ thành một khối ra sức thi đua. Cuối cùng, Bác kêu gọi: “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.

Đền thờ Bác Hồ tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.

Được đón Bác về thăm, nghe Bác căn dặn, một khí thế mới, quyết tâm và cao trào mới dâng lên trong lòng mỗi người dân Thái Bình. Quyết tâm đó đã biến thành lúa, ngô, khoai, sắn và bao tài sản khác. Vụ đông - xuân năm 1958 - 1959, Thái Bình đi đầu trong phong trào cấy chăng dây, tăng năng suất cao nhất toàn miền Bắc, phong trào làm phân bón được phát động rộng rãi với các khẩu hiệu: “Muốn có thóc ngàn cân, phải có phân mười tấn”, “Kém ải thì rải thêm phân”, “Cấy dầy vừa phải, thóc rải đầy sân”... Vụ ấy Thái Bình được mùa toàn diện, năng suất lúa đạt 2,6 tấn/ha, dẫn đầu toàn miền Bắc. Trung ương Đảng, Bác Hồ rất vui lòng, khen Thái Bình. Cả tỉnh được tặng 40 Huân chương Lao động về thành tích sản xuất nông nghiệp. Những lời dạy bảo của Bác đã chỉ ra cho Thái Bình một phương hướng mới, mở ra triển vọng tốt đẹp cho những năm sau đó. Thái Bình đã giành nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào khai hoang lấn biển và sản xuất nông nghiệp, được đón Bác về thăm lần thứ tư (26/3/1962). Khi Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt 5 tấn thóc/ha, Bác Hồ về thăm lần thứ năm  (31/12/1966 - 1/1/1967).

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Mận (xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư) không giấu được xúc động, tự hào khi 2 lần được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước đầu năm 1967. 

Bà kể: Sau khi Bác về thăm Thái Bình lần thứ năm, những lời căn dặn của Người đã biến thành sức mạnh, khí thế thi đua sôi nổi trên khắp các cánh đồng, các công trình thủy lợi trong toàn tỉnh. Mọi người ai cũng cố gắng lao động gấp 2, gấp 3 lần, làm ra nhiều của cải vật chất đóng góp cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ. Nhờ thành tích cải tiến công cụ, đưa năng suất lao động tăng cao, vượt thời gian quy định nên Đội thủy lợi Quang Trung do tôi làm đội trưởng được tặng cờ thi đua luân lưu của Chính phủ 3 năm liền. Cá nhân tôi được công nhận chiến sĩ thi đua 2 năm liên tục, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi tròn 20 tuổi. Vinh dự lớn lao ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và cả Đội thủy lợi Quang Trung nỗ lực thi đua, dầm mình trên khắp các công trình thủy lợi của tỉnh, đưa dòng nước ngọt đến các xứ đồng, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân Thái Bình làm nên những cánh đồng 5 tấn thóc/ha, rồi 6 tấn/ha năm 1972, 7 tấn/ha năm 1974. Năm 1988, Thái Bình đạt năng suất lúa 8,2 tấn/ha, năm 1989 đạt 8,8 tấn/ha và tiếp tục là tỉnh dẫn đầu về năng suất lúa trong cả nước.

Nông nghiệp, nông thôn đổi mới

65 năm qua, những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác đã in sâu trong tâm trí mỗi người dân Thái Bình, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thắng lợi toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nếu như trong kháng chiến, “Quê hương 5 tấn” là niềm tự hào, là biểu tượng về tinh thần thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của cả miền Bắc thì nay Thái Bình đã đạt đỉnh cao về năng suất lúa trên 13 tấn thóc/ha, sản lượng lương thực đạt trên 1 triệu tấn/năm. 

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thái Bình phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng theo nhu cầu của thị trường. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương thức hợp tác, liên kết, hình thành các hợp tác xã kiểu mới để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất, các hình thức góp vốn trong sản xuất... Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp tích tụ để sản xuất nông nghiệp tập trung là 11.216ha, tăng 3.332ha so với năm 2020. Tích tụ, tập trung đất đai tạo thuận lợi để cơ giới hóa 100% khâu làm đất, gần 25% khâu gieo cấy, gần 100% khâu thu hoạch, từ đó giúp giảm chi phí bình quân 2 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,4 lần so với sản xuất thông thường, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp là sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vụ xuân năm 2023, diện tích cánh đồng có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hơn 5.900ha. Nông nghiệp của Thái Bình đang chuyển sang sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân nông thôn.

Quang cảnh nông thôn mới xã Tân Học (Thái Thụy).

Mô hình trồng rau má thủy canh ở xã Hòa Bình (Kiến Xương).  

Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Thái Bình huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, trở thành điểm sáng của cả nước trong phong trào này. Đến nay, toàn tỉnh có 26 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đã được thẩm định đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ tạo diện mạo cho các làng quê văn minh, hiện đại hơn. 

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Tự hào là quê hương được đón Bác Hồ về thăm, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải không ngừng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Cùng với phát triển công nghiệp, Tiền Hải luôn quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, chú trọng mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướng lấn biển, chuyển đổi các vùng đất ven biển thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; quan tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng các sản phẩm OCOP, phát triển các vùng nguyên liệu liên kết sản xuất gắn với các sản phẩm đặc thù của địa phương với mục tiêu nâng cao đời sống người dân quê hương mình. Đến tháng 10/2023, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 63,5 triệu đồng.

Cơ giới hóa trên đồng ruộng xã Phú Lương (Đông Hưng).

Những thành tựu trong công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn ở Thái Bình hôm nay có vai trò lãnh đạo của Đảng gắn với sự quan tâm và những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình nguyện đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên thi đua sản xuất, thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Cụ Trần Hữu Lẫm, 101 tuổi đời, 75 năm tuổi đảng, thôn Quyết Tiến, xã Hồng An (Hưng Hà)
Rất tự hào cho nhân dân Thái Bình 5 lần được đón Bác về thăm. Mỗi lần về thăm tuy thời gian hạn hẹp nhưng Bác đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nhiều tầng lớp tìm hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Mỗi nơi Bác đến đều để lại những ấn tượng và tình cảm thiêng liêng trong lòng đồng bào. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã xây dựng Đền thờ Bác Hồ thể hiện tình cảm thiêng liêng và lòng biết ơn vô hạn với Bác kính yêu. Riêng xã Hồng An chúng tôi 2 lần vinh dự được đón Bác. Trên con đường đổi mới, lời dạy của Người vẫn còn vang vọng, là động lực để Đảng bộ và nhân dân Hồng An luôn đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhờ có Đảng, có Bác chỉ lối soi đường mà đời sống nhân dân giờ đây hạnh phúc, ấm no, sướng gấp trăm, gấp nghìn lần xưa kia.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Chí Cường, xã Nam Cường (Tiền Hải)

Dù Bác đã đi xa nhưng trong lòng tất cả người dân Nam Cường luôn khắc ghi lời căn dặn của Người: “Muốn ăn cam thì phải trồng cam, đồng bào đi khai hoang cũng vậy, phải cố gắng lao động sản xuất thì mới nhanh chóng ổn định cuộc sống” và “Đồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận. Lúc đầu có gian khổ, mọi người phải đoàn kết giống như dây chão được se bằng nhiều sợi nhỏ, dây lớn không thể đứt được”. Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Cường là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống quê hương cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tình cảm với Bác Hồ đã được Đảng bộ và nhân dân Nam Cường chuyển hóa thành những việc làm cụ thể và thiết thực, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa vùng đất sình lầy, um tùm lau sậy năm xưa vươn mình trở thành xã có nền kinh tế phát triển, trù phú. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đạt 61,1 triệu đồng/người/năm. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc hiện hữu trên quê hương Nam Cường, dự kiến cuối năm nay xã sẽ về đích nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.


Bà Phạm Thị Chắt, thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng)

Mặc dù không được gặp Bác trong những lần Người về thăm Thái Bình nhưng lời Bác dặn: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt” tôi luôn khắc ghi trong lòng. Ơn sâu, nghĩa nặng ấy được người dân Thái Bình chuyển hóa thành những việc làm cụ thể. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nam giới xung phong ra trận, chị em phụ nữ luôn là hậu phương vững chắc, hưởng ứng phong trào “Ba đảm đang”, thi đua lao động sản xuất làm ra nhiều lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến. Trên cương vị tổ trưởng tổ sản xuất, chăn nuôi của thôn Phạm, tôi làm việc nhà vào ban đêm còn ban ngày cùng xã viên thực hiện “đường cày đảm đang”, “cấy chăng dây thẳng hàng”, ngâm ủ bèo hoa dâu làm phân bón cho lúa, ngâm ủ giống đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng cung cấp cho bà con, phát triển chăn nuôi lợn... 3 lần tôi được dự hội nghị tổng kết phong trào chăn nuôi giỏi toàn miền Bắc, được Chủ tịch nước tặng bằng khen.

Thu Thủy 



Nguyễn Hình