Thứ 6, 27/12/2024, 22:29[GMT+7]

Thụy An-Thái Thụy Đất vẫn "nở hoa"

Thứ 4, 10/11/2010 | 10:24:06
2,700 lượt xem
Cách đây 10 năm, xã Thụy An (Thái Thụy) vươn lên trở thành điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là một trong 2 xã đầu tiên của tỉnh có 100% diện tích đất canh tác đạt bình quân 50 triệu đồng/ha. Qua thời gian, nhờ tinh thần lao động không biết mệt mỏi, bàn tay cần mẫn của con người, nay “đất vẫn nở hoa”, cánh đồng không còn mang tên 50 triệu nữa mà đã đổi thành cánh đồng trăm triệu.

Cán bộ xã và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thụy An kiểm tra sự phát triển của cây vụ đông. Ảnh: thành tâm

Dẫn chúng tôi đi thăm các vùng trồng cây vụ đông, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Công Hải hồ hởi khoe: Thụy An có gần 290 ha canh tác, đến nay giá trị thu nhập bình quân trên toàn bộ diện tích đạt 116,5 triệu đồng/ha (tăng 41,4 triệu đồng so với năm 2005), hệ số sử dụng đất đạt 2,81 lần. Kết quả này có được chính là nhờ cuộc “ cánh mạng” chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà những người nông dân nơi đây đã bền bỉ thực hiện suốt 15 năm qua.

 

Thụy An là vùng đất ven biển, trước đây quanh năm bà con chỉ cấy lúa, nhưng do đất bị thẩm thấu chua mặn nên năng suất lúa thường xếp ở hạng cuối trong toàn huyện, còn trồng màu chủ yếu trên đất cao, diện tích ít nên thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

 

Vì vậy khi bắt tay vào làm cuộc “cách mạng trên đồng đất”, địa phương xác định chuyển đổi trước hết là chuyển đổi cơ cấu giống lúa, trà lúa, thời vụ gieo cấy, cải tạo hệ thống thủy lợi, tăng cường thau chua rửa mặn “ngọt hoá ruộng đồng” để tạo quỹ đất trồng cây màu, cây vụ đông, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Vụ xuân, khoảng 95% diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai vì đây là giống vừa chống chịu được chua mặn lại cho năng suất cao.

 

Vụ mùa, bố trí 60% giống lúa chất lượng cao, còn lại là lúa thuần và đồng loạt cấy duy nhất 2 trà: trà sớm để trồng cây vụ đông ưa ấm, trà trung sau thu hoạch bố trí trồng cây ưa lạnh. Với cách làm này, Thụy An đã nhanh chóng giải được 2 bài toán tăng năng suất lúa và mở rộng diện tích cây màu, cây vụ đông. Nhiều năm trở lại đây, năng suất lúa của Thụy An vượt ngưỡng 13 tấn/ha, vươn lên dẫn đầu năng suất lúa của huyện, có năm vụ xuân dẫn đầu năng suất lúa toàn tỉnh.

 

Cũng nhờ chuyển đổi cơ cấu giống lúa, bố trí thời vụ gieo cấy hợp lý nên mỗi năm Thụy An đã gieo trồng được từ 340 đến 350 ha cây màu, cây vụ đông. Trong đó có 80 ha chuyên màu luân canh 4 vụ gồm: thuốc lào-dưa lê xen vụ (để tránh thuốc)-lúa mùa- hành tỏi cho giá trị thu nhập bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng/ha.

 

Trong số những cây trồng này, thuốc lào vốn là cây truyền thống đến nay vẫn được duy trì sản xuất, cho hiệu quả kinh tế rất cao, mỗi ha thu từ 120 đến 130 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình chỉ sau một vụ trồng thuốc lào đã có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Cùng với cây màu, từ nhiều năm qua, sản xuất vụ đông được Thụy An coi là vụ sản xuất chính trong năm, thu nhập hơn 2 vụ lúa. Thời điểm chúng tôi đến, toàn xã đã gieo trồng được khoảng 185 ha (kế hoạch 210 ha) gồm: dưa- bí 80 ha, hành tỏi 90 ha, còn lại là ngô, rau màu các loại.

 

Lúc này, dưa bí đã lan kín mặt ruộng và đang ra hoa, hành đã vươn lên khỏi luống, ngô xanh mướt cao quá gối người,  hiện bà con đang trồng các loại rau màu và dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Anh Hải cho chúng tôi biết thêm: sản xuất vụ đông đối với dân Thụy An đã thành nếp, khoảng 30% hộ gia đình toàn xã trồng từ 5 đến 7 sào, còn lại cũng trồng 2 đến 3 sào.

 

Toàn xã hiện có 140 máy cày tay, 3 đến 4 nhà chung nhau một máy để làm. Hiện nay, 2 loại cây trồng: dưa hấu, hành tỏi đã quy thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn của huyện. Riêng dưa hấu Thụy An đã tạo được thương hiệu nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Đến vụ, thu hoạch đến đâu tư thương về tận ruộng thu mua hết đến đó xuất đi các tỉnh Hải Phòng, Namon> Định, Hải Dương… . 

 

Theo chân anh Hải và cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp ra cánh đồng thôn An Cố Nam khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, lúc này hàng trăm nông dân vẫn mải miết trên những thửa ruộng nhà mình. Vừa tháo nước vào ruộng dưa hấu, nông dân Mai Ngọc Beng vừa kể: “ Nhà tôi cấy 1,2 mẫu lúa, trồng 4 sào dưa, 5 sào hành, sau thu hoạch hành thì trồng thuốc lào. Tuy lao động vất vả quanh năm suốt tháng ở ngoài đồng nhưng bù lại mỗi năm  thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng nên thấy cũng bõ công sức mình bỏ ra”. 

 

Thấy bác Beng khoe vậy, chị Lê Thị Lê đang tưới nước cho dưa ở ruộng gần đấy cũng góp lời: Nhà em có mỗi mình là lao động chính nhưng cũng cố cấy 1 mẫu ruộng, trồng 1 sào dưa, 2 sào hành, 2 sào thuốc lào. Tính sơ sơ thu nhập bình quân được khoảng 30 triệu đồng. Nguồn thu nhập này cơ bản đủ giúp em nuôi 2 cháu ăn học”.

 

Không chỉ có gia đình ông Beng, chị Lê mà theo như lời nhiều người dân ở đây: chỉ có cấy lúa trồng màu thôi nhưng hiện nay hộ gia đình nào ở Thụy An cũng thu bình quân từ 30 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ gia đình nuôi con học đại học cũng từ nguồn này. Tính chung, năm 2009 tổng giá trị thu nhập từ trồng trọt toàn xã đạt gần 32,4 tỷ đồng, tăng 12,4 tỷ đồng so với năm 2005.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày