Thứ 2, 26/05/2025, 02:00[GMT+7]

Lại Văn Ðiệp - Cuộc đời vẫn đẹp tươi

Thứ 2, 07/12/2015 | 09:56:07
1,567 lượt xem
Có mấy ai sinh ra trên đời lại muốn mình gắn liền với cụm từ “người khuyết tật”! Bởi như vậy, cũng có nghĩa, họ phải cố gắng gấp 5, gấp 10 lần so với người bình thường để được sống hòa nhập và vươn lên. Thế nhưng, những con người kém may mắn ấy luôn sống bằng ý chí, bằng nghị lực, bằng quyết tâm, không sống thân phận tầm gửi. Họ tự nuôi sống bản thân và trở thành chỗ dựa cho những người khác. Ðể từ đó, những điều kỳ diệu bắt đầu sinh sôi và nảy nở.

Người khuyết tật làm việc tại Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Điệp.

 

Ở vùng quê còn khó khăn như xã Vũ Ninh thì cái nghèo, cái khó cứ dai dẳng, đeo bám. Và với những người khuyết tật, thì khó khăn lại càng nối tiếp khó khăn. Biết làm sao khi chân tay chẳng thể lành lặn, sức khỏe chẳng đủ gánh vác những công việc đồng áng nặng nhọc, vốn là nghề truyền thống của vùng quê lúa!

 

Bởi vậy mà ít ai tin, ở mảnh đất này có một cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với thu nhập hàng năm lên tới hàng tỷ đồng. Và lại càng ít người tin hơn, cơ sở ấy được gây dựng và điều hành bởi chàng trai bé nhỏ với đôi chân đi chẳng vững cùng quá nửa số nhân công đều là người khuyết tật.

 

Vươn lên từ gian khó

 

Ðến xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, hỏi về anh Lại Văn Ðiệp, không ai không biết chàng trai bé nhỏ với tay trái và đôi bàn chân đã teo rút do di chứng cơn sốt bại liệt từ ngày còn nhỏ. Lại Văn Ðiệp hôm nay có chuỗi giải thưởng thật đáng nể! Kể đến trong số ấy là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Giải thưởng Lương Ðịnh Của, Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... mà mỗi lần nhắc tới đều khiến gương mặt anh sáng bừng.

 

 

Làm giám đốc doanh nghiệp nhưng Lại Văn Ðiệp cũng là một người thợ tài hoa.

 

Nghĩ lại những ngày đã qua, những tưởng cuộc sống cứ mãi gian khó, nhọc nhằn! Vậy nhưng, bước ngoặt cuộc đời đã đến khi Lại Văn Ðiệp quyết định theo học thành tài  nghề chạm khắc đồ gỗ mỹ nghệ. Ðây quả là một công việc không chút dễ dàng, đặc biệt với anh, người chỉ có một bàn tay bình thường. Bàn tay lành lặn còn lại ấy, qua cố gắng từng ngày, đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đẹp về hình khối và tinh xảo qua từng đường nét.

 

Hướng tới những người khuyết tật

 

Lại Văn Ðiệp tâm sự: Bản thân tôi khi chọn được nghề, đi học nghề hay xin việc cũng là cả một vấn đề nan giải. Chính vì sự vất vả, khó khăn ấy tôi nhận ra rằng những bạn khuyết tật có cùng cảnh ngộ như tôi rất cần được giúp đỡ. Tôi muốn truyền cho các bạn sự đồng cảm, động lực để phấn đấu vươn lên và cũng mong giúp đỡ được các bạn khuyết tật muốn học nghề này.

 

Chính vì lý do ấy, năm 2011, Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Ðiệp được thành lập. Sau 4 năm hình thành và phát triển, một quãng thời gian không nhiều nhưng giờ đây, cơ sở sản xuất của anh đã được mọi người biết đến với nhiều loại hình sản phẩm. Trước đây, anh Ðiệp và các cộng sự chỉ tập trung vào mảng đồ gỗ nội thất. Trong đó, giường, tủ, bàn ghế, tủ bếp, cánh cửa, khuôn bao... là những sản phẩm chủ yếu.

 

Một sản phẩm của Công ty.

 

Giờ đây, Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Ðiệp còn được ưa chuộng bởi những sản phẩm như tượng Phật, tượng đức Thánh, các linh vật đến hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ... Ðể chế tác ra một sản phẩm mỹ nghệ bằng gỗ không hề đơn giản, nhất là trong chế tác đồ thờ và tượng Phật lại càng đòi hỏi yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Người làm nghề phải am hiểu và tuân thủ theo các niêm luật của tín ngưỡng tôn giáo, để bức tượng trở nên sống động, có hồn và thể hiện được sắc thái riêng của từng tầng bậc. Nhìn những bức tượng Phật trong cơ sở mình, anh Ðiệp vẫn tự hào nói: Ðó là những bức tượng được thổi hồn bởi người khuyết tật.

 

Vượt biên giới Thái Bình

 

Chúng tôi theo xe Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Ðiệp đến với vùng đất Hưng Yên. Quãng đường khá xa nhưng anh lái xe bảo, con đường này đã quen đi lại nhiều lần, bởi vậy cũng trở nên thân thuộc và không mất nhiều thời gian.

 

Bất ngờ khi đón đợi chúng tôi ở Hưng Yên là đoàn rước với trống dong cờ mở, dàn nhạc bát âm tấu khúc hành lễ rộn ràng. Hàng trăm Phật tử chùa Sùng An, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ rước đón 11 pho tượng Phật và 2 pho tượng thành hoàng làng. Ngày hôm ấy không chỉ là ngày hội lớn, là niềm vui đối với những người dân huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) mà còn là niềm tự hào, niềm hạnh phúc của anh Ðiệp bởi đó là 13 pho tượng được làm ra bởi chính bàn tay, khối óc của những con người chẳng lành lặn ở cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Ðiệp.

 

Ðã ở tuổi xưa nay hiếm, ông Phạm Thanh Bình, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên xúc động nói: “Những pho tượng to và đẹp như ngày hôm nay, làng chúng tôi chưa bao giờ có. Tôi cảm thấy hồi hộp, vui mừng và phấn chấn lắm vì khu tâm linh của làng ngày một khang trang, đẹp đẽ”.

 

Một lần đến với xã Vũ Ninh, ghé qua Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Ðiệp, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được tình yêu thương lan tỏa trong từng sản phẩm. Và cứ mỗi khi một sản phẩm đến với người tiêu dùng, có nghĩa là những khó khăn của người khuyết tật nơi đây phần nào đã được sẻ chia, giúp họ có thêm niềm tin và động lực trong cuộc sống để không ngừng phấn đấu.

 

Từ những bàn tay, khối óc không lành lặn, từ những mảnh đời bất hạnh, những người khuyết tật tại Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Ðiệp vẫn ngày đêm miệt mài để tạo nên những sản phẩm tuyệt vời và hữu ích. Những sản phẩm ấy đều xuất phát từ mong muốn giúp ích được ít nhiều cho xã hội, mong muốn được xã hội nhìn nhận vào năng lực bản thân chứ không chỉ đơn thuần là sự cảm thông, cưu mang. Bởi vậy, mỗi pho tượng Phật, mỗi bức hoành phi, câu đối... cũng là kết tinh của tình yêu, sự chăm chỉ và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

 

"Ðối với các bạn bị động kinh, bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ cảm nhận được liệu bạn ấy đã sắp lên cơn chưa để tạo tâm lý thoải mái, truyền đạt kiến thức bằng tình cảm, sự mềm mại vì người bị động kinh nếu tâm lý bị dồn thì sẽ rất nhanh lên cơn. Còn đối với những bạn bị khuyết tật về vận động, các bạn không làm được những công việc nặng nhọc thì phải giao những công việc nhẹ nhàng, tại chỗ, cần sự tập trung, khéo léo. Nếu giao cho bất kỳ ai công việc họ có lợi thế thì chắc chắn họ sẽ yêu thích và thành công".

 

(Anh Lại Văn Ðiệp, Giám đốc Công ty TNHH Ðồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật Lại Văn Ðiệp)

 

Ông Nguyễn Đình Sơn, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư

Doanh nghiệp dù mới thành lập nhưng tôi thấy có rất nhiều người ca ngợi. Anh em, con cháu trong gia đình tôi đã đặt hàng cơ sở của anh Ðiệp làm, tôi thấy rất an tâm, đảm bảo, vậy nên tôi đến đặt hàng những sản phẩm như cửa võng, bức đại tự, cuốn thư,... để nơi thờ tự của cả dòng họ được khang trang thêm.

Ông Lại Thế Toản, bố anh Lại Văn Điệp

Cháu bị ốm thời gian quá dài, hơn 10 năm, trong lúc ấy, đời sống kinh tế khó khăn, gia đình tôi vẫn hy sinh tất cả, tập trung chữa trị. Ðến nay, về cơ bản, con đã khỏi được bệnh, đã đi được, tự giải quyết mọi việc của bản thân. Vui hơn thế lại còn lo được công ăn việc làm cho nhiều người, giúp ích cho xã hội. Là người cha, người mẹ không gì có thể hạnh phúc hơn.

Ông Nguyễn Văn Tòng, xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương

Tôi mua đồ gỗ ở nhà anh Ðiệp rất nhiều, từ bàn ghế, giường, tủ... và đồ thờ. Quá trình mua ở nhà anh Ðiệp, tôi cảm thấy những người thợ ở đây mặc dù nhiều người từ giám đốc đến nhân viên cơ thể không thật lành lặn nhưng bù lại có bàn tay khéo léo và làm việc cẩn thận, chắc chắn. Sản phẩm làm ra đẹp, sắc nét và đảm bảo chất lượng.

 

Anh Tú

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày