Chủ nhật, 24/11/2024, 00:42[GMT+7]

Anh hùng liệt sĩ Phan Văn Viêm: Người chiến sĩ công an kiên trung

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:49:03
4,631 lượt xem
Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi tìm về thôn Hống, xã Thụy Ninh, huyện Thái Thụy - mảnh đất đã sinh ra người chiến sĩ kiên trung, liệt sĩ Công an nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Viêm, một người con ưu tú, đã sống và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Tấm gương sáng ngời của ông luôn sống mãi với thời gian và với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, Công an Thái Bình nói riêng.

Ông Phan Văn Thạnh bên những kỷ vật của cha.

Lật từng kỷ vật của cha, ông Phan Văn Thạnh, con trai liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Viêm xúc động kể về cuộc đời cũng như những cống hiến của cha mình cho cuộc giải phóng dân tộc.  Ông còn nhớ như in những lời dặn dò của cha trước lúc lên đường: Vào một buổi chiều cuối tháng 3, khi đó ông học lớp 1, thì cha đột xuất về thăm nhà. Đây cũng là lần cuối cùng ông cùng chị gái và hai em đựơc gặp cha. Về nhà ngoài việc chăm lo cho mẹ và các con, cha ông còn tranh thủ vuốt rạ lợp lại mái nhà và trồng hai khóm tre. Trong lúc phụ cha múc nước tưới khóm tre mới trồng cha ông căn dặn: “Thầy trồng hai khóm tre này khi nào tre lớn, thầy về sẽ làm lại nếp nhà mới, con ở nhà ngoan ngoãn, chịu khó học hành, nghe lời bà, lời mẹ và chị, bảo ban hai em nhé!”. Ông Thạnh cũng không ngờ đây là lần cuối cùng được gặp người cha thân yêu của mình.


Anh hùng Phan Văn Viêm tham gia cách mạng từ năm 1947, được kết nạp Đảng khi mới 20 tuổi. Là du kích, rồi làm Xã đội phó xã Thụy Ninh, huyện Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy). Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và bị thương ở chiến dịch đường số 6, Hòa Bình năm 1953. Tháng 10/1957, Phan Văn Viêm trở về quê và được giao nhiệm vụ Trưởng Công an xã, rồi Trưởng Công an huyện Thụy Anh. Năm 1965, cùng với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thái Bình, ông viết đơn tình nguyện đi B. Ngày lên đường vào Nam chiến đấu, ông để lại hậu phương là người mẹ già mù lòa, người vợ trẻ có bệnh cùng 4 đứa con bé nhỏ. Ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn với bao gian khổ vào nhận nhiệm vụ ở Ban An ninh khu V, trực tiếp là địa bàn an ninh tỉnh Kon Tum - một vùng cao nguyên rộng lớn với những cánh rừng bạt ngàn khác hẳn với vùng quê lúa thẳng cánh cò bay quê ông. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Phan Văn Viêm đã hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ nơi này, được người dân yêu thương, đùm bọc, che chở, ông đã tham gia chiến đấu anh dũng và tiêu diệt nhiều đồn bốt địch. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ông trực tiếp tham gia đánh vào nhà lao Mỹ - Ngụy tại thị xã Kon Tum, phụ trách đội công tác bám trụ phía Tây Bắc thị xã Kon Tum. Trong vai trò là người chỉ huy, ông luôn nắm chắc tình hình địch, chỉ đạo đi sâu xây dựng lực lượng cơ sở bí mật, chuẩn bị cho việc mở chiến dịch đánh địch ở nội thị. Bọn Mỹ - Ngụy ra sức xây dựng ấp chiến lược, đưa lính về đóng ở địa phương, đàn áp các phong trào quần chúng và truy lùng các chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật đang được nhân dân che chở. Tuy nguy hiểm, khó khăn, nhưng ở vị trí người chỉ huy, Phan Văn Viêm đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch hoạt động bí mật trong lòng địch. Ông thường xuyên động viên anh em vượt qua khó khăn gian khổ, ăn lương khô, uống nước suối, ban đêm bí mật gặp dân để gây dựng cơ sở. Nhiều hầm bí mật được đào ngay trong vùng ấp chiến lược, bà con giúp đỡ, ủng hộ lương thực, thuốc men cho lực lượng an ninh phục vụ khi quân ta tiến công vào nội thị đánh địch… Do có nhiều thành tích xuất sắc, Phan Văn Viêm đã được đề bạt Ủy viên Ban An ninh tỉnh, Trưởng ban An ninh thị xã Kon Tum.


Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, địch điên cuồng bố ráp, lùng bắt cán bộ ta cài lại. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng bám trụ phía Tây Bắc thị xã Kon Tum. Đây là địa bàn chiến lược, vùng ven cửa ngõ thị xã, đặc biệt là các điểm trọng yếu như ấp Phương Quý, ấp Trung Tín và Trị Đạo. Một trong những công việc cực kỳ khó khăn, nguy hiểm của các chiến sĩ an ninh trong lòng địch lúc này là phải củng cố, xây dựng cho được cơ sở cách mạng bí mật, rộng khắp, vững chắc để tạo thành hành lang bàn đạp bí mật cho lực lượng ta thâm nhập vào nội thị hoạt động thường xuyên và cũng sẽ là bàn đạp khi ta mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt địch ở nội thị. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Biết được ý đồ của ta, Mỹ - ngụy cũng ra sức xây dựng, củng cố các ấp chiến lược “kiểu mẫu”, thành lập các đội dân vệ, đưa lính địa phương về đóng ngay tại ấp Phương Quý. Chúng thường xuyên tung lực lượng cảnh sát đặc biệt trá hình nắm tình hình và hoạt động của ta, đồng thời nắm giữ luôn các chức vụ hội đồng xã, liên gia trưởng, ngày đêm rình mò, phát hiện và phá hoại các hoạt động của ta, hòng cách ly, kìm kẹp đàn áp cách mạng và phong trào quần chúng.


Trước sự kìm kẹp, vây ráp gắt gao của địch, Trưởng ban An ninh H5 Phan Văn Viêm đã lãnh đạo anh em kiên trì bám trụ, ban ngày rút vào rừng, ban đêm cùng cán bộ trực tiếp luồn vào gặp dân, tìm và gây dựng cơ sở. Vì đa số anh em là cán bộ chi viện từ ngoài Bắc vào nên mọi hoạt động đều diễn ra bí mật. Bọn địch biết là có sự tồn tại của các cán bộ an ninh mà không làm gì được. Chỉ trong một thời gian, H5 đã củng cố được các cơ sở cũ, xây dựng được nhiều cơ sở mới hoạt động tốt ngay trên các địa bàn mà địch chiếm đóng, trong đó đã gây dựng được các loại cơ sở như an ninh mật, trinh sát vũ trang, cơ sở điều tra, cơ sở bảo vệ, giao thông liên lạc, cơ sở kinh tế có chất lượng tốt bảo đảm cho các hoạt động của ta… Từ kinh nghiệm này, ông đã đúc rút và phổ biến đến nhiều đơn vị về công tác dân vận trong lòng địch. Ông và đồng đội tiếp tục đột nhập tiêu diệt thêm tên ác ôn Ngô My, trưởng mạng lưới tình báo của địch tại nhà riêng của hắn mà vẫn bảo đảm an toàn lực lượng. Hoạt động trong lòng địch nguy hiểm khôn lường nhưng lòng dũng cảm, trí thông minh và sự kiên cường đã giúp Phan Văn Viêm và đồng đội vững vàng hoạt động trong lòng địch. Bọn chúng ra sức lùng sục để bắt sống ông.


Ngày 29/10/1971, Phan Văn Viêm và đồng chí Lê sa vào vòng vây của địch. Kiên quyết không để rơi vào tay bọn địch, hai ông đã quyết chiến đấu đến cùng, đội nắp hầm bắn địch cho đến hơi thở cuối cùng. Địch đã mang xác các ông phơi giữa sân vận động để uy hiếp tinh thần quần chúng và khủng bố tinh thần cách mạng của chiến sĩ ta. Đêm xuống, chúng mang thi thể hai ông đi thủ tiêu không cho bà con khâm liệm. Sự hy sinh anh dũng của hai cán bộ an ninh đã dấy lên cao trào cách mạng trong quần chúng ở vùng cao nguyên.


Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu và sự hy sinh anh dũng ấy, ngày 9/11/2004, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Công an nhân dân Phan Văn Viêm. Đến năm 2010, sau bao năm nỗ lực tìm kiếm, gia đình và đồng đội đã tìm thấy phần mộ của người anh hùng và đón ông về với quê nhà. Để ghi nhớ những công lao to lớn của ông đối với tỉnh Kon Tum, tháng 12/2008, HĐND tỉnh Kon Tum (khóa  IX) đã quyết nghị đặt tên đường Phan Văn Viêm ở phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum).

Nguyễn Tùng