Chủ nhật, 24/11/2024, 01:19[GMT+7]

Tri ân từ tâm

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:59:42
821 lượt xem
Sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, theo số liệu thống kê, toàn tỉnh vẫn còn gần 30.000 liệt sĩ chưa rõ phần mộ, chưa biết tên hoặc chưa xác định được danh tính. Cùng với các cấp, các ngành chức năng của tỉnh, công tác tìm kiếm, thông báo thông tin liệt sĩ đã được các tổ chức, cá nhân có tấm lòng tri ân, tình nguyện làm công việc này thầm lặng. Họ đã làm nên những điều kỳ diệu, giúp nhiều liệt sĩ trở về với đất mẹ, về với người thân, gia đình. Họ rất ít khi nói về mình cũng như công việc họ đan

Ông Bùi Văn Tý, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kết nối thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ tư vấn giúp thân nhân liệt sĩ Phạm Thế Quế hoàn tất thủ tục đính chính thông tin phần mộ.

Từ hai cuộc đoàn tụ
Cầm tờ Báo Thái Bình số ra ngày 28/9/2018, ông Đặng Đình Tần, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) giới thiệu cho chúng tôi bài báo “Thắp hương anh sau 48 năm” của nhà báo Nguyễn Công Liêm. Bài báo viết về quá trình đi tìm mộ liệt sĩ Đặng Đình Nghệ, anh trai của ông Tần. Theo giấy báo tử số 479C của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình, đồng chí Đặng Đình Nghệ hy sinh ngày 15/9/1970 tại mặt trận phía Nam, thi hài được mai táng tại khu vực riêng của đơn vị, gần mặt trận. Khi mẹ ông Tần còn sống, bà có tâm nguyện tìm và đưa hài cốt con trai Đặng Đình Nghệ trở về quê hương. Hơn 40 năm qua, gia đình ông Tần đã đi tìm mộ người anh trai từ những thông tin ít ỏi có được cũng như qua con đường tâm linh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm không có kết quả.
Ông Tần cho biết: Chỉ đến tháng 2/2018, gia đình tôi nhận được thông tin từ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình mà trực tiếp ông Bùi Văn Tý, Giám đốc Trung tâm Tư vấn kết nối thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình thì gia đình tôi mới biết hài cốt anh Nghệ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Dù mừng nhưng cũng lo lắng vì theo thông tin trên bia mộ liệt sĩ ghi là Đặng Văn Nghệ, Quế Thứ, Thái Bình, sai tên đệm, lệch ngày sinh, năm sinh và quê quán. Để chắc chắn, tôi đã nhiều lần làm việc trực tiếp với ông Tý và cùng ông vào tỉnh Quảng Nam để xác minh. Điều may mắn đã đến với gia đình tôi khi đó chính là phần mộ của anh trai mình. Cuối năm 2018, gia đình đã làm thủ tục đưa hài cốt anh về quê.
Vậy là sau gần 50 năm nằm lại cùng đồng đội, hiện nay, liệt sĩ Đặng Đình Nghệ đã được yên nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương, thỏa nỗi mong mỏi, đợi chờ của người mẹ quá cố. Không chỉ gia đình ông Tần mà còn rất nhiều những người mẹ, người vợ, người con đang khắc khoải kiếm tìm thông tin phần mộ người thân của mình khi chiến tranh đã lùi xa gần nửa đời người.
Cũng là một trường hợp may mắn như gia đình ông Tần, có lẽ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 là cái tết ấm cúng và hạnh phúc nhất của bà Nguyễn Thị Châm, thôn Tiền Phong, xã Tân Lập (Vũ Thư). 47 năm trước bà nhận được giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Phạm Thế Quế hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía Nam. Ngày ấy thông tin liên lạc còn thiếu thốn, gia đình còn khó khăn, chuyện đi tìm mộ chồng phải đến năm 1994, sau 22 năm mới được thực hiện. Bà Châm chia sẻ: Khi nhận giấy báo tử, tôi với ông Quế mới có một người con trai 6 tuổi. Cảnh mẹ góa con côi nương tựa vào nhau vượt qua mọi khó khăn. Tôi đã hứa với ông ấy khi con trưởng thành, tôi và con sẽ đi tìm và đưa hài cốt ông ấy về quê. Vậy mà phải gần 50 năm, lời hứa ấy mới được thực hiện. Tôi có về với ông ấy cũng an lòng rồi.
Cũng như gia đình ông Tần, bà Châm cũng đã tìm đến những nhà ngoại cảm để tìm mộ của chồng qua con đường tâm linh thế nhưng công việc tìm kiếm cũng không đi đến kết quả mong đợi. Những tưởng mọi hy vọng dần khép lại thì một ngày đầu năm 2019, gia đình bà được cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Tân Lập thông báo đã có thông tin về phần mộ liệt sĩ có họ tên và thông tin trùng khớp với liệt sĩ Phạm Thế Quế, chỉ khác tên đệm. Phần mộ trên không phải ở huyện Cần Giuộc (Long An) như lời nhà ngoại cảm chỉ dẫn mà ở Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Bình Long (Bình Phước). Qua Trung tâm Tư vấn kết nối thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình, gia đình bà Châm được ông Tý phân tích, so sánh, đối khớp các dữ liệu thông tin, từ đó có cơ sở khẳng định đây là liệt sĩ Phạm Thế Quế. Hành trình tìm mộ liệt sĩ Phạm Thế Quế được phản ánh khá chi tiết trong bài báo “Chuyện đón xuân của bà Nguyễn Thị Châm” của nhà báo Nguyễn Công Liêm đăng trên Báo Quân khu 3 ngày 26/1/2019. “Bây giờ tôi mới tin điều đó là sự thật, nếu trước đây gia đình tôi tin vào nhà ngoại cảm thì có lẽ mẹ con tôi sẽ không có ngày đoàn tụ với ông ấy. Mẹ con tôi chân thành cảm ơn Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình và ông Tý, bởi có những người như ông mà biết bao gia đình đã tìm được liệt sĩ” - bà Nguyễn Thị Châm nghẹn ngào.
Đến người đưa đò thầm lặng
Đây chỉ là 2 trong số trên 600 liệt sĩ được ông Bùi Văn Tý khớp nối thông tin và hướng dẫn cho khoảng 300 thân nhân liệt sĩ thực hiện các quy trình đính chính phần mộ có tên liệt sĩ, nhưng có sai lệch ở các nghĩa trang trên phạm vi toàn quốc sau hơn 2 năm thực hiện công tác kết nối, tìm kiếm mộ và hài cốt liệt sĩ. Đến nay đã có 20 hài cốt liệt sĩ đã được thân nhân cất bốc từ nghĩa trang các tỉnh phía Nam đưa về quê hương Thái Bình.
Một ngày giữa tháng tư, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Tý tại nhà riêng cũng là trụ sở làm việc của Trung tâm Tư vấn kết nối thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ. Căn phòng nhỏ trên tầng 2 đơn sơ với những chồng tài liệu về thông tin liệt sĩ, thư cảm ơn và các loại giấy tờ liên quan đến công việc của mình. Ngoài ra, bộ máy vi tính để bàn là công cụ đắc lực giúp ông làm tốt “sứ mệnh dẫn đường” đưa liệt sĩ về với quê hương. Mỗi ngày ông Tý dành 10 tiếng để làm công việc kết nối, tìm kiếm mộ và hài cốt liệt sĩ cũng như tư vấn, tiếp nhận các thông tin liệt sĩ từ hội hỗ trợ liệt sĩ các cấp, bạn bè và thân nhân liệt sĩ thông qua trang facebook cá nhân.
Ông Bùi Văn Tý chia sẻ: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Bình thành lập từ tháng 10/2016, trở thành cầu nối của các gia đình liệt sĩ. Khi thành lập hội cũng là thời điểm tôi nhận quyết định nghỉ chế độ hưu trí. Bản thân tôi tham gia hội với tinh thần tự nguyện, bằng cái tâm của mình để kết nối liệt sĩ với thân nhân cũng như tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Mỗi một ngôi mộ được trả lại tên, mỗi gia đình tìm thấy người thân cũng như mỗi hài cốt liệt sĩ được trở về yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ quê hương là một lần tôi được sống trong hạnh phúc, có thêm động lực để tiếp tục công việc nhân văn này.
Là sĩ quan công an công tác tại Công an tỉnh Thái Bình, lại có 10 năm theo dõi công tác chính sách nên ông Tý đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ông Tý chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đưa ông đến với công việc không lương, không phụ cấp này cũng bởi ông và gia đình chính là những người đã từng đi tìm mộ của người thân - liệt sĩ Nguyễn Hữu Chí, thị trấn Hưng Nhân (Hưng Hà) là bố vợ của ông Bùi Văn Tý. Suốt hành trình tìm kiếm, ông đã thấu hiểu cảm giác thất vọng khi vượt hàng nghìn ki-lô-mét tìm hài cốt liệt sĩ mà không có kết quả hay cảm giác vỡ òa hạnh phúc rơi nước mắt khi tìm thấy mộ, hài cốt liệt sĩ của gia đình...
Ông Tý cho rằng: Điều khó khăn nhất đối với thân nhân liệt sĩ là không biết tìm liệt sĩ ở đâu bởi có những sai sót đáng tiếc cũng có thể “đánh lạc hướng” cuộc tìm kiếm. Nếu không có kinh nghiệm, không có thông tin của tất cả liệt sĩ người Thái Bình và không kết nối với các tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng liên quan thì khó mà thực hiện được. Bởi vậy, hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin vào công việc này đóng vai trò quan trọng. 2 năm qua, tôi đã kết nối với gần 100 người có tâm huyết như tôi để cùng trao đổi, thảo luận khi phát hiện ra những thông tin quý phục vụ công tác kết nối, tìm kiếm mộ, hài cốt liệt sĩ. Cứ khi nào tôi có thông tin của một liệt sĩ nào đó, tôi lại đăng tải lên facebook để mọi người chia sẻ, thông báo cho thân nhân của họ...
 Những người như ông Bùi Văn Tý, Giám đốc Trung tâm tư vấn kết nối thông tin về mộ và hài cốt liệt sĩ hay ông Lê Văn Cam, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình - người 24 năm làm “quân bưu của linh hồn liệt sĩ” ví như người chở đò thầm lặng, đưa liệt sĩ về quê hương.

Tất Đạt
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)