Thứ 7, 04/01/2025, 19:25[GMT+7]

Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

Thứ 2, 15/02/2016 | 07:55:47
3,026 lượt xem
Những năm gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh ta được thực hiện khá tốt, góp phần tích cực bảo vệ và phát triển những cánh rừng ngập mặn đang ngày đêm bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Rừng ngập mặn ở xã Thụy Trường (Thái Thụy).

 

Theo ông Đinh Hải Lục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, diện tích rừng ngập mặn của tỉnh ngoài việc cung cấp nguồn gỗ, củi và nhất là chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng sinh thái còn có tác dụng bảo vệ tính đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng vùng ven biển. Với vai trò quan trọng của đất rừng ở địa phương, từ năm 1990 đến nay, trên địa bàn vùng ven biển đã tiến hành 6 dự án lâm nghiệp nhằm góp phần phục hồi và phát triển rừng ngập mặn: chương trình 327 (từ năm 1993 - 1998); chương trình 661 - dự án 5 triệu héc-ta rừng (từ năm 1999 - 2010); Dự án PAM 5325 (từ năm 1997 - 1999); dự án trồng rừng ngập mặn của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch và Nhật Bản tài trợ; Dự án bảo tồn đất ngập nước (RAMSA); Dự án phục hồi và phát triển rừng ngập mặn ven biển giai đoạn 2011 - 2015. Mới đây, Dự án “Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình, Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt với thời gian thực hiện 10 năm, dự kiến trồng mới khoảng 20ha bần. Màu xanh mướt của những cây bần, trang hay cây sú, vẹt tạo thành một vành đai vững chắc bảo vệ đê biển, ngăn lũ bão, triều cường và cũng là ngôi nhà nuôi dưỡng hàng trăm loài động vật: tôm, cua, trai, sò… rừng ngập mặn xã Thụy Xuân (Thái Thụy) có ý nghĩa quan trọng tạo môi trường trong lành, mang lại lợi ích cao về kinh tế cho người dân. Bà Nguyễn Thị Thận (xã Thụy Xuân, Thái Thụy) - một trong những hộ dân được tham gia Dự án “Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2015” cho biết: Rừng ngập mặn không chỉ có tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê biển mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản đáng quý cho ngư dân chúng tôi. Tham gia Dự án, chúng tôi được tuyên truyền cách trồng, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cư dân ven biển về vai trò và tác dụng của rừng phòng hộ ven biển.

 

Là xã ven biển có diện tích rừng ngập mặn lớn của huyện Thái Thụy với trên 800ha, những năm qua, xã Thụy Trường là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng. Ông Vũ Tiến Hiệp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với những lợi ích thiết thực mà rừng ngập mặn mang lại, những năm qua, Thụy Trường đặc biệt chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng. Thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú, đặc biệt là tết trồng cây được phát động hàng năm, người dân đã tích cực hưởng ứng phong trào trồng và bảo vệ rừng. Ngoài ra, xã đã thành lập đội bảo vệ với 5 - 7 thành viên, nòng cốt là dân quân biển, xây dựng quy chế về trông coi, bảo vệ rừng. Trong tổng số trên 800ha rừng ngập mặn ven biển có trên 200ha là đầm ao nuôi trồng thủy sản. Để bảo vệ cây trong đầm, xã đã tiến hành kiểm kê, ký cam kết không chặt phá cây đến từng chủ đầm nhờ đó công tác bảo vệ rừng đạt kết quả tốt.

 

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng bằng việc thực hiện có hiệu quả tết trồng cây hàng năm là một trong những biện pháp bảo vệ và phát triển rừng tỉnh ta thực hiện thời gian qua. Hy vọng, với những nỗ lực của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của người dân khi thấy được tác dụng to lớn của việc trồng và bảo vệ rừng thì “đê xanh” ven biển sẽ mãi mang lại bình yên và no ấm cho người dân nơi đây.

 

Ngân Huyền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày