Thứ 6, 17/05/2024, 09:40[GMT+7]

Ðột phá nước sạch nông thôn (Kỳ 1)

Thứ 3, 01/11/2016 | 08:17:28
1,977 lượt xem
Nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) thì phải hơn 50 năm nữa mới phủ kín được mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, sau gần 4 năm (2012 - 2016) thực hiện xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn, Thái Bình đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu 100% số xã có nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân vào cuối năm 2016.

Công nhân Nhà máy nước sạch Đông Huy vận hành trạm bơm nước.

Kỳ 1: Từ cơ chế, chính sách

 Trước khi thực hiện xã hội hóa

 Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và các văn bản chỉ đạo làm căn cứ triển khai thực hiện việc cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn. 

Cụ thể, giai đoạn 1998 - 2012, bằng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay WB, tỉnh đã đầu tư xây dựng 66 công trình nước sạch với tổng vốn đầu tư hơn 615 tỷ đồng, trong đó 46 công trình cấp nước sạch đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia (3 công trình quy mô liên xã, 13 công trình quy mô xã, 30 công trình quy mô thôn) với tổng công suất 20.520m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu 43.340 hộ dân, tổng vốn đầu tư hơn 152 tỷ đồng. Đa số các công trình này giao cho cấp xã quản lý, vận hành, công suất khai thác thực tế chỉ đạt 49% công suất thiết kế. Có 20 công trình từ vốn vay WB, tổng công suất thiết kế 24.700m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho gần 81.000 hộ dân, tổng vốn đầu tư hơn 463 tỷ đồng. 

Nhìn chung, các công trình nước sạch nông thôn từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn WB đã góp phần nâng cao đời sống xã hội, tăng cường sức khỏe của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, các công trình nước sạch này mới chỉ cung cấp được khoảng 20% số dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, trong đó nhiều công trình đã xuống cấp, không bảo đảm số lượng và chất lượng cấp nước phục vụ nhân dân, hiệu quả đầu tư không cao.

 Hiệu quả từ cơ chế, chính sách

 Trước nhu cầu sử dụng nước sạch tăng nhanh mà nguồn cung đang thiếu, thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 12/7/2012 của HĐND tỉnh, ngày 2/8/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND về việc ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2020. 

Ban hành kèm theo Quyết định là một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, cụ thể: ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hỗ trợ 100% tiền giải phóng mặt bằng; hỗ trợ tạo nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình gồm dự án đầu tư xây dựng mới mức hỗ trợ 3 triệu đồng/m3/ngày đêm, dự án nâng cấp và mở rộng công suất cấp nước mức hỗ trợ 2 triệu đồng/m3/ngày đêm, dự án mở rộng phạm vi cấp nước mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/m3/ngày đêm; việc cấp kinh phí hỗ trợ được thực hiện một hoặc nhiều lần theo khả năng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh nhưng không quá 3 năm kể từ ngày hoàn thành toàn bộ dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay để đầu tư tài sản cố định trong 3 năm kể từ ngày vay vốn; hỗ trợ kinh phí đào tạo…

 

 

Người dân Đông Á (Đông Hưng) sử dụng nước sạch.

Theo ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh, Quyết định số 12 của tỉnh rất kịp thời, là cơ sở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Minh chứng là chỉ sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 12, tỉnh đã thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư 23 công trình phục vụ cấp nước cho 137 xã với tổng vốn đầu tư 1.384 tỷ đồng, gấp hai lần tổng vốn đầu tư cho các công trình nước sạch nông thôn từ trước tới năm 2012. Đây là những kết quả quan trọng ban đầu sau thực hiện xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn. Khác với các dự án nước sạch từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn WB, các doanh nghiệp sau khi đầu tư nhận được ưu đãi theo Quyết định số 12 của tỉnh thường có quy mô lớn hơn, mỗi công trình cung cấp nước sạch từ 3 - 5 xã.

 Quyết định số 12 của UBND tỉnh đã thể hiện những ưu đãi khá cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư vào nước sạch nông thôn. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhận thấy một số điểm chưa sát với thực tiễn, UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh bằng việc ban hành Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 29/4/2014 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2015 - 2020. Điển hình như việc hỗ trợ sau đầu tư tại Quyết định số 12 chỉ thực hiện sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động nhưng ở Quyết định số 19 việc hỗ trợ được thực hiện theo tiến độ dự án. Cụ thể, khi nhà đầu tư hoàn thành giá trị khối lượng công trình đạt tối thiểu 50% tổng mức đầu tư của dự án thì nhà đầu tư có thể tiến hành đề nghị tỉnh hỗ trợ. Sự bổ sung, sửa đổi kịp thời một số cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tại Quyết định số 19 của UBND tỉnh đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bổ sung nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nước sạch nông thôn.

 Có thể nói, những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc phản hồi của doanh nghiệp, người dân và địa phương, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của các cấp, các ngành trong tỉnh.

 

 

Ông Ngô Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch tỉnh 

 Xã hội hóa nước sạch chính là doanh nghiệp vào đầu tư và có sự đóng góp của nhân dân, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và người dân thì doanh nghiệp cũng không dám đầu tư công trình nước sạch nông thôn. Vì vậy, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm tạo sức hút mạnh mẽ để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các công trình nước sạch nông thôn, qua đó sớm giúp người dân nông thôn có nguồn nước sạch để sử dụng.

 

Ông Vũ Hữu Tiếp, Chủ tịch UBND xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy 

 Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước sinh hoạt của người dân. Việc người dân sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước mưa như trước đây đã không còn bảo đảm hợp vệ sinh, là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh tật. Vì vậy, chủ trương xã hội hóa đầu tư công trình nước sạch nông thôn của tỉnh là chủ trương đúng đắn, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sạch của người dân nông thôn hiện nay.

 

Bà Nguyễn Thị Bẩy, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ 

 Trước đây, tôi nghĩ chỉ có ở các thành phố, đô thị mới có nước sạch để sử dụng. Nhưng đến nay, ở vùng nông thôn trong tỉnh đã có nước sạch phục vụ người dân sinh hoạt hàng ngày. Đây là mơ ước của người dân nông thôn từ lâu nay. Có nguồn nước sạch để sử dụng giúp người dân bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm thiểu những bệnh liên quan đến nguồn nước sinh hoạt…


(còn nữa)

Trần Tuấn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày