Thứ 7, 23/11/2024, 16:11[GMT+7]

Viết tiếp bản hùng ca 30/4

Thứ 5, 30/04/2020 | 08:33:38
2,756 lượt xem
Cách đây tròn 45 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ chiến thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công vang dội đó không chỉ là những giá trị tinh thần vĩ đại mà còn là bài học để Thái Bình phát huy xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Quê hương Thái Bình ngày càng đổi mới và phát triển.

Hàng năm cứ đến dịp 30/4 là ông Phạm Ngọc Đáp, 92 tuổi, 73 năm tuổi đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh lại bồi hồi xúc động, tự hào về chiến thắng vĩ đại của dân tộc, càng tự hào hơn với những đóng góp của quân dân Thái Bình làm nên chiến thắng vĩ đại ấy. Ông chia sẻ: Suốt 45 năm qua và mãi mãi về sau, bản hùng ca đại thắng mùa xuân năm 1975 luôn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam với niềm tự hào thiêng liêng. Sức mạnh làm nên chiến thắng vĩ đại ấy chính là sức mạnh của tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong dòng chảy lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Bình phát huy cao độ tinh thần yêu nước, cách mạng, ra sức thi đua thực hiện nhiệm vụ “Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến”. Thái Bình ghi bảng vàng 5 tấn thóc/ha (năm 1966) đánh dấu mốc lịch sử về năng suất lúa của miền Bắc; giai đoạn 1965 - 1975 đã động viên 18% dân số lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu khắp các chiến trường, được Bộ Quốc phòng công nhận là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc. Khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức” của Thái Bình đã cổ vũ tinh thần nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Theo ông Đáp những chiến công của quân và dân Thái Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là bản hùng ca tuyệt vời về lòng yêu nước, đức hy sinh, tinh thần quả cảm, ý chí sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sự vận dụng tài tình, sáng tạo đường lối lãnh đạo cách mạng đúng đắn vào tình hình thực tế của địa phương, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết.


Từ khi đất nước ta thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là sau gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thái Bình đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên. Bình quân 5 năm 2016 - 2020, GRDP ước tăng 10,13%/năm, vượt xa mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm) và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước cao gấp hơn 2 lần so với năm cuối nhiệm kỳ trước. Quê lúa năm xưa nay trở thành tỉnh nông thôn mới với diện mạo mới, sức sống mới và là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Thái Bình cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành cấp nước sạch cho 100% người dân nông thôn, kiên cố đường giao thông nội đồng và giao thông thôn, xóm… Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư xây dựng bằng nhiều nguồn vốn, nhất là nguồn vốn xã hội hóa; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 18 - 20%/năm (trong đó vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm 6 - 7%), cao gấp 2,1 lần giai đoạn 5 năm trước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,66%, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước. Ông Vũ Văn Xứng, 89 tuổi, 61 năm tuổi đảng, xã An Thanh (Quỳnh Phụ) nhận xét: So với 45 năm về trước Thái Bình đã “thay da đổi thịt” với diện mạo mới, sức sống mới, cuộc sống người dân sướng gấp trăm, gấp nghìn lần so với trước đây. Đó là thành quả của sự phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương; của trí tuệ, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường trước thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm của người Thái Bình trong thời kỳ mới. Tất cả mọi người dân chúng tôi đều đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.


Thái Bình đang tạo ra thế và lực mới và chuyển mình đón những cơ hội mới khi Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ ven biển đang khẩn trương được đầu tư xây dựng, kết nối Thái Bình với các tỉnh duyên hải Bắc Bộ. Những cây cầu: Tân Đệ, Triều Dương, La Tiến, Sông Hóa, cầu Hiệp “nối những bờ vui” đã phá thế cô lập bởi ba mặt sông một mặt biển của Thái Bình. Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ được đầu tư sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên quê hương 5 tấn. Cùng với đó, tỉnh đang nỗ lực thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch trục phát triển kinh tế từ hướng Nam và Tây Nam sang hướng Đông và Đông Bắc thông qua phát triển hạ tầng giao thông kết nối, gắn với hình thành các trục phát triển kinh tế mới, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư đến với Thái Bình bằng chính sách thông thoáng, cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, chắc chắn mở ra cơ hội bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành chia sẻ: Tôi luôn tự hào là người con của quê hương Thái Bình và mong muốn làm những điều tốt nhất cho quê hương. Hiện nay, Tập đoàn đang đầu tư xây dựng tuyến đường 221A kết nối với các tuyến đường khác trong Khu kinh tế. Chỉ một thời gian ngắn nữa, tuyến đường hoàn thành sẽ mở ra hướng phát triển cho khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng với tổ hợp tiện ích hiện đại ở cồn Vành, góp phần đưa khu vực ven biển của Thái Bình phát triển sôi động, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế.


Thái Bình đang đón nhận những cơ hội mới song sẽ còn không ít những khó khăn, thách thức ở phía trước. Việc xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển khu vực đồng bằng sông Hồng cũng đặt ra rất nhiều việc phải làm. Tầm cao mà chúng ta hướng đến là tầm cao của trí tuệ đặt trên nền tảng những giá trị đạo đức nhân văn, là tầm cao của đổi mới, sáng tạo trên nền tảng những giá trị văn hóa, truyền thống được phát huy trong thời kỳ mới. Các nhà đầu tư không chỉ đến với Thái Bình bởi những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khả năng sinh lời mà họ đến đây bởi sự yêu quý và đặt niềm tin về truyền thống yêu nước, cách mạng của mảnh đất và con người nơi đây được hun đúc, nuôi dưỡng từ bao đời nay. Vì vậy, những bài học vô giá từ chiến thắng lịch sử 30/4 và những bài học 45 năm hòa bình độc lập sẽ luôn được trân trọng, gìn giữ, phát huy trong xây dựng quê hương ở thời kỳ mới. Bằng tình yêu, niềm tin, sự đoàn kết, bằng trí tuệ và tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ viết tiếp bản hùng ca 30/4/1975 xây dựng quê hương ổn định vững chắc về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, góp phần cùng cả nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Hình