Thứ 3, 23/07/2024, 05:30[GMT+7]

Chính tông Trần Thất

Thứ 2, 18/05/2020 | 08:12:49
5,757 lượt xem

Cụm đền Chúa, chùa Vải, làng Vải, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) - địa danh cổ tồn nghi là thành Ngự Thiên của nhà Trần, thế kỷ XIII.

Sử cũ chép: Cuối thời nhà Hồ (1400 - 1407), Trần Ngỗi, hiệu là Giản Định, con thứ của vua Trần Nghệ Tông (1321 - 1394) thấy nhà Minh lấy cớ “phù Trần, diệt Hồ” kéo quân sang xâm lược nước ta, Trần Ngỗi dựng cờ khởi nghĩa tuyển mộ hương binh chống quân Minh, xưng đế nhà hậu Trần để thu phục thiên hạ lại gặp Đặng Tất là quan nhà Trần trước đã ra hàng nhà Minh được làm “Đại tri châu” ở Hóa Châu cũng theo Giản Định Đế khởi nghĩa liền giết quan nhà Minh. Giản Định Đế lấy thành Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là khu vực xã Hòa Tiến, Cộng Hòa, huyện Hưng Hà) làm nơi phòng ngự.

Giản Định Đế tên húy là Trần Ngỗi còn có tên khác là Trần Quỹ, con thứ của vua Trần Nghệ Tông (do thất truyền nên sử sách không ghi rõ Trần Ngỗi là con thứ mấy, thân mẫu là ai và sinh vào năm nào). Sử cũ ghi: cuối năm Bính Tuất (1406) quân Minh mượn cớ “phù Trần diệt Hồ” đã đem quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống giặc Minh do triều Hồ lãnh đạo chỉ kéo dài được mấy tháng rồi bị thất bại hoàn toàn vào giữa năm Đinh Hợi (1407). Trong cảnh nước mất nhà tan ấy, Trần Ngỗi chạy trốn sự truy bắt của giặc, lánh đến vùng Trường Yên (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) được những người có chí diệt giặc cứu nước biết được đã tôn dựng ông lên làm vua để lãnh đạo sự nghiệp giành lại độc lập, bảo vệ giang sơn. Ông “lên ngôi” tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), đặt niên hiệu là Hưng Khánh và lấy hiệu cũ của mình là Giản Định làm đế hiệu, xưng là Giản Định Đế và sử sách coi ông là vua đầu tiên của nhà hậu Trần.

Trong lần điền dã về làng Vải, làng Hú, xã Hòa Tiến (Hưng Hà) tìm hiểu về dấu tích thành Ngự Thiên tôi được ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến dẫn đi khảo tả địa hình dấu tích thành Ngự Thiên. Truyền ngôn thời nhà Trần, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã từng đưa hoàng thân, quốc thích nhà Trần về làng Vải, huyện Ngự Thiên tránh sự truy sát của quân giặc. Tên làng Vải là gọi theo cách “nôm na” truyền ngôn, đây chính là “xưởng” dệt vải phục vụ quân đội nhà Trần. Sau này, dân làng Vải xây đền thờ Linh từ Quốc mẫu gọi là đền bà Chúa (dân gian gọi là bà chúa Ngừ). Dân làng cũng dựng chùa Vải để thờ Phật và cầu siêu cho vong linh binh lính nhà Trần hy sinh vì cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. 

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” và các nguồn khảo luận, Giản Định Đế (Trần Ngỗi) là vị vua duy nhất bị bắt phải làm Thái Thượng hoàng. Sau khi giết oan trung thần là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân khiến con trai của hai vị tướng này là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị căm giận vì cha bị giết oan liền đem quân về Thanh Hóa đón “Nhập nội thị trung” Trần Quý Khoáng (cháu gọi Trần Ngỗi là chú ruột) rước vào Nghệ An lập làm vua, lấy niên hiệu là Trùng Quang. Để thống nhất lực lượng kháng chiến, Trùng Quang đế sai Thái phó Nguyễn Súy đem quân đánh thành Ngự Thiên, phủ Tân An bắt được Giản Định Đế đưa về Nghệ An “tôn” làm Thượng hoàng mưu kế cùng chung sức đánh giặc”. Các nguồn khảo luận cho biết sách Nguyên sử (Trung Hoa) viết: “Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái Thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm vua, đặt niên hiệu là Trùng Quang”.

Bàn về sự sụp đổ của nhà hậu Trần mà tiêu biểu là Trần Ngỗi khi ông mắc phải sai lầm giết hai công thần, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” bình rằng: “Vua (Giản Định Đế) may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được”. 

“Việt Sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) bàn rằng: “Bô Cô ở sông Thanh Quyết, theo thủy triều, đi thuyền 3 trống canh có thể đến Lạc Tràng, đi thẳng lên Đông Đô không đến một ngày, thừa trận được to ấy mà không tán thành lời quyết định của vua Giản Định, ai chả tiếc là thất cơ. Nhưng mà Tất đã vất vả ở Bố Chính, bị Trương Phụ đuổi ở phía sau, Thế Căng ngăn ở mặt trước mà phá được Thế Căng, lấy lại Tân Bình mới điều động được quân ở các trấn Thuận, Quảng, Hoan, Ái, để có quân tiến đánh Đông Đô; lặn lội hàng tuần đến được Bô Cô, may mà bẻ gãy được gươm giáo của quân Điền và Kiềm, trương thanh thế quân Thanh, Nghệ, còn một bước nữa thì đến Thăng Long, còn gì nữa mà phải dùng dằng không tiến. Tất cả trù tính kỹ lắm rồi, Mộc Thạnh mới sang, xa xôi nghìn dặm, quân bị đói khát mỏi mệt, thoát chết ở Bô Cô là may lắm. Còn Trương Phụ là tay cáo già, như con hổ ngồi nhìn ở Đông Đô. Bây giờ toán quân cô độc của ta xa xôi kéo đến, chưa kể thủ thắng, vạn nhất trước mặt, sau lưng đều có quân địch, ta không có quân, lương cứu viện, có phải là dẫn thân đến chỗ chết không, cho nên thà nghỉ ngơi để mà điều độ, mới là kế vạn toàn. Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông thì người Minh cũng phải có phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta không có người. Tiếc thay! Vua Giản Định tự phá hủy bức trường thành của mình đó”.

Theo sử cũ, đội quân Tinh Cương của nhà Trần do Khâm Thiên Vương Trần Nhật Hạo được vua Trần huy động canh giữ vòng ngoài hành cung Long Hưng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 1 (năm 1258), dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Hạo, đội quân Tinh Cương đã dùng thuyền đón đưa gia quyến và các triều thần theo Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung rời thành Thăng Long về lánh giặc ở Ngự Thiên. 

Truyền ngôn, làng Quan Hà (được xác định là khu vực làng Hú, làng Vải, xã Hòa Tiến và xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà nay) dân gian gọi là làng Chúa bởi chính nơi đây Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã đưa các công chúa nhà Trần về ở nhưng phải tới cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 (năm 1285) do có sự nhìn nhận và đánh giá rất cao về Ngự Thiên của các triều thần mà các vua Trần đã dứt khoát lựa chọn Ngự Thiên làm nơi lánh giặc và xây thành phòng ngự trước những nguy cơ tấn công ào ạt vô cùng tàn khốc của quân thù. 

Ngày nay, khi nghiên cứu về nghệ thuật rút lui quân sự thời Trần trên đất Ngự Thiên, Long Hưng với “cái nhìn” toàn diện, đầy đủ về mảnh đất Ngự Thiên địa linh không những là hậu phương an toàn mà còn là hành lang quân sự vững chắc cung cấp sức người, sức của cho quân đội nhà Trần. Thông qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên Mông (1285 - 1288) địa bàn chiến lược được triều đình nhà Trần xác định rõ ràng là phía Đông Nam thành Thăng Long chính là vùng đất Ngự Thiên, Long Hưng. Cũng bởi vậy mà thời hậu Trần, Giản Định Đế (Trần Ngỗi) lại một lần nữa tìm về mảnh đất cha ông của ông từng lui về lánh nạn để tự mình xây dựng cứ địa mưu sự lớn.


Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh
Ngự Thiên - Long Hưng chính là cửa ngõ nối các lộ Đông - Nam của Đại Việt, nơi mà tôn thất nhà Trần đã quá quen thuộc, gắn bó và thông thạo địa hình. Dù dày dạn sông nước nhưng họ Trần lại rất am hiểu vị trí luồng lạch lợi hại của sông nước Ngự Thiên - Long Hưng, sử dụng những bãi nổi giữa sông Hồng, sông Luộc để phục binh. Ngã ba Luộc với nhưng bãi cát nổi liên tiếp khá hiểm hóc còn gọi là Hải Triều, Hải Thị, nhánh sông Luộc bao bọc phía Bắc Ngự Thiên - Long Hưng và tiếp qua sông Hóa ra cửa sông Thái Bình rồi ra biển…

Ông Nguyễn Văn Thượng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Theo các cụ già kể lại thì các làng Vải, làng Khám, làng Sâm, làng Hú và xã Cộng Hòa nay thời xa xưa là nơi các hoàng thân quốc thích nhà Trần thường hay lui về. Làng Vải, làng Hú có đền bà Chúa, tương truyền Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung từng đưa các công chúa nhà Trần về đây ở. Địa thế các làng kể trên xưa kia cây cối um tùm như rừng, lại nhiều gò đống xen giữa các ao hồ lớn và sông ngòi chằng chịt tạo nên địa thế phòng thủ tránh quân thù rất tốt.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thát, thôn Hú, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà
Thời còn trai trẻ chưa đi bộ đội, gia đình tôi đào đất làm gạch đã phát hiện được rất nhiều đồ gốm sứ cổ, có cả bát, chén cổ đời nhà Tống, đặc biệt bố tôi đào được chiếc nồi đất nung rất to, có thể nấu cơm cho cả chục người ăn. Tương truyền đây là một trong những chiếc nồi nấu cơm phục vụ quân đội nhà Trần khi rút lui chiến lược từ kinh thành Thăng Long về đất Ngự Thiên.


Quang Viện