Thứ 3, 23/07/2024, 05:19[GMT+7]

Vũ ấp tục linh

Thứ 2, 25/05/2020 | 09:19:24
13,180 lượt xem
Thời vua Lý Cao Tông (1173 - 1210), xóm nhỏ làng Hạ (tiền thân của làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ nay) thuộc Vạn Đường trang, huyện Đa Dực, lộ Hải Đông (nay là tỉnh Hải Dương) là thực ấp vua Lý ban thưởng cho một hoàng thân quốc thích trong triều vì có công đánh thắng quân Tống xâm lược.

Tục cướp Nẫm và diệt trừ ôn dịch của làng Vũ Hạ diễn ra lúc nửa đêm cầu mong mùa màng bội thu.

Để tiện cai quản đất đai, nhân sự, các bô lão trong xóm sau đó đã đệ trình “quan trên” cho tách xóm, lập ấp, lấy tên là ấp Mụa. Vì là thuộc ấp của hoàng thân nhà Lý nên ấp Mụa trải nhiều đời vẫn giữ được tục trừ ôn dịch bảo vệ mùa màng và “cướp Nẫm” cầu may...

Ấp Mụa (tên nôm Mụa nghĩa là mía, ấp trồng mía) đời nối đời được nhân dân khai khẩn, mở mang thành những cánh đồng thâm canh lúa nước, hoa màu tốt tươi, màu mỡ. Sơ khai là một xóm nhỏ của làng Hạ (1176) sau hơn 5 thế kỷ, đến thế kỷ XVI làng Vũ Hạ đã chính thức là một làng riêng biệt. Quá trình mở ấp, lập làng, hội tụ dân cư kéo dài nhiều thế kỷ đã tạo dựng cho làng Vũ Hạ một dáng vẻ cổ kính của một làng quê văn hiến.

Theo ngọc phả của làng, trong quá trình “tiếp đón” dân di cư từ khắp mọi vùng miền đổ về, người dân bản địa luôn sẵn lòng đón đồng bào từ các nơi đến lập nghiệp, sinh sống, cùng nhau lao động chuyên cần xây dựng làng ngày thêm trù phú. Thần phả, ngọc phả làng Vũ Hạ ghi: Làng thờ Nhị vị thành hoàng là Lý Rong Xuyên và Trần Lôi Nhạc. Thành hoàng làng thứ nhất Lý Rong Xuyên đại vương đời Lý Cao Tông (1173 - 1210). Tương truyền, mới 10 tuổi ngài đã học hành tinh thông, thi đỗ làm quan. Bấy giờ trong nước thường xảy ra lụt lội do đê điều bị vỡ, đường sá sụt lở nhiều nơi. Vâng mệnh vua đem quân đi trị thủy, ngang qua Vạn Đường trang, ngài dừng chân ở ấp Mụa thấy phong tục tốt đẹp, dân chúng no đủ bèn dựng doanh trại ở đây. Trị thủy xong, ngài về triều báo công rồi mất. Triều đình ban sắc phong làm Phúc thần, tôn hiệu là Rong Xuyên đại vương, sắc phong dân trang ấp Mụa dựng đền thờ, phong thành hoàng. Vị thành hoàng thứ hai là Trần Lôi Nhạc, tên húy là Ngạn, thi đỗ Cao đệ năm Bính Dần (1266; đời vua Trần Thánh Tông, được triều đình phong chức quan Đại phu. Làm quan được một thời gian, ngài cởi bỏ mũ áo từ quan, xin vua cho về sống ở ấp Mụa. Trước đó, ngài đã từng theo vua Trần đi dẹp giặc Chiêm. Khi giặc Nguyên - Mông tràn sang cướp nước ta, ngài được cử làm Đốc tướng, có công đánh giặc giải vây cho vua Trần Nhân Tông ở Đông Bộ đầu. Sau đó ngài lại cùng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn giăng lưới sắt ở Lục Đầu Giang, chém được tướng giặc Nguyễn Bá Linh. Ngài về sống với dân ấp Mụa, hôm ấy làng mở hội, đang cuộc vui, bỗng dưng trời nổi giông gió, mây đen ùn ùn kéo đến, mưa như trút nước, đến đêm mưa gió yên hàn, dân làng không thấy ngài đâu, sáng ra thấy ngài đã hóa ở gốc đa quán đầu làng.

Từ thuở là ấp Mụa cho đến khi thành làng Vũ Hạ, làng có bề dày truyền thống văn hiến, văn hóa. Nhiều tục lệ đẹp được duy trì phản ánh đời sống “nhân khang, vật thịnh”, các triều đại phong kiến đều có sắc phong “Mỹ tục khả phong” cho làng. Ngoài văn hiến truyền đời, làng có “gánh hát” tuồng cổ và nhiều phong tục đẹp. Làng Vũ Hạ cũng nổi tiếng trong vùng vì “giới Nho sĩ” trong làng có khả năng “chơi chữ” uyên thâm và nhân dân có tục “nói lái” vô cùng hóm hỉnh. Trò đánh gậy làng Vũ Hạ là một môn võ thuật cổ truyền độc đáo, xuất phát từ trò chơi luyện quân của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Thi đánh gậy đã trở thành trò chơi dân gian trong lễ hội làng được tổ chức tại đình làng vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Cũng dịp hội làng, một tập tục đẹp của làng được duy trì nhiều đời, nhiều thế hệ, đã bị mai một, hiện đang được khôi phục lại, đó là tục “diệt ôn dịch” bảo vệ mùa màng và tục “cướp Nẫm” cầu cho mùa màng bội thu rất linh ứng. 

Theo các cụ cao niên kể lại: Để tăng cường ý thức bảo vệ mùa màng, phát triển sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị cho lễ hội làng tháng 3 âm lịch, vào hai thời điểm ngày 12 tháng 5 (âm lịch) và ngày 12 tháng 9 (âm lịch) hàng năm, làng chọn khoảng 7 người đàn ông, 9 người đàn bà, tất cả đều khỏe mạnh, chăm làm, tính tình hiền hòa cầm “hái” (công cụ gặt lúa, giống chiếc liềm) ra thửa ruộng màu mỡ, lúa tốt nhất làng để chọn cắt những bông lúa to, dày hạt, sáng bông mang về đình phơi khô (ngày trước cấy giống lúa dài ngày nên thời điểm này là phù hợp). Những bông lúa đã phơi khô được xếp vào một cái hòm sơn son, thếp vàng, đặt ngay trong đình. Gần ngày lễ hội, làng cho người chặt cây mai nước mọc tự nhiên bên bờ ao đình “tước” vỏ mai làm “lạt” buộc. Lạt cây mai mỏng nhưng dai, mềm nhưng chắc, có thể tước lạt thành sợi rất nhỏ. Các cụ cao niên kể, không biết tự thuở nào, cây mai nước mọc tự nhiên ở ao đình mà chỉ có bờ ao đình cây mai mới mọc khỏe, đem trồng nơi khác đều chết. Một nhà người dân trong làng có gia phong nền nếp, con cái “đủ nếp, đủ tẻ” nghĩa là có con trai và con gái khỏe mạnh, gương mẫu, khá sung túc... được chọn làm nơi dựng cây Nẫm. Sau khi làm lạt, đến công đoạn đập dập tre chẻ làm “cọng” lúa, (cọng tre dài 0,43m) đầu cọng tre đập dập. Lấy cọng tre dùng lạt mai buộc bông lúa đã phơi khô để làm “bông Nẫm” (từ Hán nghĩa là lúa), dán thêm mảnh giấy xanh nhỏ gọi là “hổ phù” vào bông lúa tượng trưng cho “ôn dịch” cần phải diệt trừ để “thần linh” chứng giám. Làm bông Nẫm gọi là làm “Ổ”. Cây Nẫm được làm từ rơm khô, loại rơm nếp dẻo và thơm thu hoạch vào vụ mùa (tháng 10 âm lịch hàng năm) được bện thành cây rơm cao khoảng 4,2m. Thời gian làm cây Nẫm (gọi là “vào Kén”) trong 3 ngày. Những ngày làm Nẫm, thủ từ đình phải ăn chay, ngủ tại đình để giữ thanh tịnh và “lên hương” dâng lễ vật cúng thành hoàng làng và các vị quan cai quản mùa màng, phù trừ diệt dịch. Trước ngày khai mở hội làng (ngày 13 tháng 3 âm lịch), cây Nẫm được rước ra đình, đưa vào hậu cung để “Ngài” chứng. Trong ba ngày “niêm yết” trong cung cấm, dân làng tổ chức tế lễ, ca hát, dâng vật phẩm cúng thành hoàng làng. Đêm trước ngày kết thúc hội, làng tổ chức lễ trừ tịch và cướp Nẫm cầu may. Từ tối, dân làng và khách thập phương kéo đến đình làng nghe hát chèo, hát tuồng, nghe kể vè... Trước khi vào nghe hát, làng làm lễ “xin Keo” bằng hình thức gieo đài “âm dương”. Người được cử gieo đài “xin Keo” gọi là “trưởng Tùm”. Cách 3 giờ là đến nửa đêm (canh 1), trưởng Tùm cùng các tổ Tùm được phép vào cung cấm “cắm” Nẫm dựng thẳng đứng gắn với một phiến đá to. Đến thời khắc, nghe một hồi chiêng, trống, dân làng tập trung đèn, đuốc bên ngoài, tốp trai làng khỏe mạnh độ tuổi mười tám mặc quần áo đỏ, đầu chít khăn đỏ “khiêng” rước cây Nẫm từ trong cung cấm ra cửa đình. Trong tiếng chiêng khua, trống giục, tiếng hò reo đuổi trừ ôn dịch, mọi người lao vào “cướp Nẫm”. Một người chỉ được phép “cướp” một bông Nẫm mang về mới linh ứng.  

Truyền ngôn, thành hoàng làng Lý Rong Xuyên, hoàng thất nhà Lý có tài trị thủy, dẫn thủy nhập điền, trừ tịch diệt ôn, bảo vệ mùa màng, chính ngài đã dạy dân chúng ấp Mụa nghi lễ cổ xưa tịch trừ ôn dịch này. Nhờ có những “phép” lạ huyền bí, linh ứng mà người dân ấp Mụa (sau đổi thành làng Vũ Hạ) dân chúng no đủ, mùa màng tốt tươi, cảnh sắc phong quang... Người dân vẫn lưu truyền câu ca: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”.

Nghi lễ rước Nẫm trong đình Vũ Hạ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin

Vũ Hạ là tên gọi bắt nguồn từ bốn chữ vàng “Vũ ấp dân nghĩa” mà Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ban tặng cho nhân dân ấp Mụa đã có công lớn trong việc huy động quân lương giúp Hưng Đạo Đại vương và nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. Làng có nhiều phong tục tốt đẹp điển hình như tục “trừ tịch, diệt ôn” và “cướp Nẫm” cầu may rất cần duy trì và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Nhỡ, 97 tuổi, xóm 1, làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Các cụ xưa truyền lại, có một mùa cả vùng ôn dịch nổi lên, lúa chết khô ngoài đồng, nhiều người bỏ làng ra đi. Ngài (Lý Rong Xuyên) đã kịp thời đến và dạy dân chúng cách trừ tịch, diệt ôn. Khi ngài hóa, dân mang ơn ngài mở hội tế lễ.

Ông Nguyễn Yến Thanh, trưởng quan viên đình làng Vũ Hạ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ

Dân gian vẫn truyền câu ca “Cát xuân, cát hạ, cát thu/Nhờ ơn Thánh Cả lúa thóc đầy bồ an dân”. Mỹ tục “cướp Nẫm” và lễ hội “trừ tịch, diệt ôn” nhằm tưởng nhớ công lao ngài Lý Rong Xuyên (triều Lý) đã có công dạy dỗ dân làng phát triển sản xuất nông nghiệp đang được dân làng Vũ Hạ duy trì, phát triển.


Quang Viện