Thứ 6, 26/04/2024, 11:01[GMT+7]

Thái Bình vững bước đi lên

Thứ 4, 19/08/2020 | 08:38:12
4,370 lượt xem
Đúng ngày này 75 năm trước (19/8/1945 - 19/8/2020), hòa chung với khí thế cách mạng sục sôi trong cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Thái Bình chủ động nắm bắt thời cơ, vùng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân.

Tượng đài du kích làng Nguyễn, xã Nguyên Xá (Đông Hưng).

Một ngày đầu tháng tám, chúng tôi về xã Chí Hòa (Hưng Hà) - cái nôi của phong trào cách mạng những năm kháng chiến chống thực dân, phong kiến và chính quyền tay sai. Năm tháng đã trôi qua, lớp người trung kiên ngày ấy nay chỉ còn cụ Nghiêm Xuân Thố, 99 tuổi, 70 năm tuổi đảng. Mặc dù trí nhớ không còn nguyên vẹn nhưng mỗi khi nhắc về những năm tháng hào hùng đó, cụ Thố vẫn không giấu được niềm vinh dự, tự hào. Cụ kể: Chí Hòa là nơi khởi phát của cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Tiên Hưng - Duyên Hà. Sáng sớm ngày 1/5/1930, tiếng trống lệnh vang lên tại các làng thuộc Liên Chi bộ Thần Duyên giục giã mọi người kéo về tập trung tại chợ Khô rồi hừng hực khí thế tiến về thị xã Thái Bình đấu tranh đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Cuộc biểu tình tuy bị giặc đàn áp dã man nhưng là cuộc tập dượt, khởi đầu cho công cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Tiên Hưng; cũng là quá trình tôi luyện những đảng viên, quần chúng giác ngộ cách mạng, một lòng đi theo Đảng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sáng sớm ngày 19/8/1945, tôi phụ trách đội du kích dẫn đầu đoàn người mang theo súng, giáo mác, gậy gộc kéo lên chiếm phủ huyện lỵ. Nhân dân khí thế lắm, ai cũng tin tưởng đi theo cách mạng. Đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn”, “Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng”.

Ông Nguyễn Hữu Yến, 86 tuổi, nguyên Đội trưởng Đội du kích xã Nguyên Xá (Đông Hưng) nhớ lại: Dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, dân ta không có ruộng đất mà vùng này chỉ có đám Lý Thỉnh với Chánh Tăng có hàng mấy trăm mẫu ruộng phát canh thu tô. Lúc bấy giờ nông dân cấy lúa chiêm được bao nhiêu chúng thu tô gần hết đến đó nên ai cũng uất ức, căm hận vô cùng. Ngày 19/8/1945, nhân dân Nguyên Xá cùng với quân và dân các xã trong vùng nhất tề nổi dậy khởi nghĩa tiến về phủ lỵ Tiên Hưng giành chính quyền. Ủy ban cách mạng lâm thời ở Nguyên Xá được thành lập ngay sau đó. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám đã hun đúc, cổ vũ quân và dân Nguyên Xá tiếp tục đấu tranh kiên cường trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng làng kháng chiến, đã trở thành điển hình cho phong trào đấu tranh cách mạng của toàn tỉnh, vinh dự được Hồ Chủ tịch tặng cờ: “Nguyên Xá - làng kiểu mẫu”.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh: Cách đây 75 năm, tháng 8/1945, nhân dân khắp nơi trong tỉnh muốn vùng lên đập tan xiềng xích của thực dân, phong kiến, tay sai. Mặc dù chưa nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa của Trung ương nhưng nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, bàn kế hoạch và quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh với mục tiêu chiếm các phủ huyện trước rồi tập trung lực lượng các địa phương kéo lên thị xã Thái Bình giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra đầu tiên ở Thái Ninh. Chiều ngày 18/8/1945, các lực lượng cách mạng của Thái Ninh được lệnh tiến vào phủ đường Thái Ninh, tập trung viên chức lại tuyên bố xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng. Thừa phái, lục sự đều xin quy phục lực lượng cách mạng và nộp con dấu, sổ sách. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cổng phủ báo hiệu cuộc khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền đã về tay nhân dân. Sau đó, quần chúng khắp các địa phương trong tỉnh nổi dậy giành chính quyền, chỉ trong 6 ngày (18 - 23/8/1945), chính quyền từ tỉnh, huyện đến các làng xã ở Thái Bình đã về tay nhân dân. Sáng ngày 25/8/1945, khoảng 10.000 quần chúng ở thị xã và đại biểu quần chúng các phủ, huyện đã về dự mít tinh lớn tại thị xã để chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt nhân dân. 

Ông Phạm Ngọc Đáp, 92 tuổi, 73 năm tuổi đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho biết: Thái Bình là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Khí thế cách mạng của quần chúng những ngày ấy sục sôi lắm, không gì cản nổi, ai cũng phấn khởi và một lòng tin tưởng ở sự toàn thắng của cách mạng Việt Nam khiến cho thực dân, phong kiến và bè lũ tay sai đều khiếp sợ. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền  trong toàn tỉnh đánh dấu bước ngoặt vĩ đại của phong trào đấu tranh cách mạng ở Thái Bình, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cùng với nhân dân cả nước, từ đây nhân dân Thái Bình bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập, tự do.

Truyền thống cách mạng vẻ vang ấy và tinh thần, ý chí tiến công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là động lực vô cùng to lớn trong mỗi bước đi lên của Thái Bình trong suốt 75 năm qua. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện thực tế của tỉnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá (nhất là trong 4 năm đầu nhiệm kỳ), chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế được nâng lên. Tổng sản phẩm GRDP bình quân 5 năm (2016 - 2020) ước tăng 9%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XIX đề ra (8,6%/năm), cao hơn mức trung bình cả nước và gấp 1,3 lần mức tăng trưởng của 5 năm trước (6,7%/năm). Quy mô nền kinh tế và GRDP bình quân đầu người có bước tăng mạnh, năm 2020 ước cao gấp 1,8 lần năm cuối nhiệm kỳ trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ đạt 75,5%, tăng 9,5% so với năm 2015. Các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá cao và toàn diện, cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Hết năm 2019, Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt, 100% dân cư trong tỉnh được cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt (sớm 2 năm so với mục tiêu Đại hội XIX). Xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu; dự kiến hết năm 2020 có 14 xã (5%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Đến nay, diện mạo từ đô thị đến nông thôn của Thái Bình thay đổi sâu sắc, toàn diện. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn trên 2%, bằng gần một nửa mức bình quân cả nước. Thế và lực của tỉnh mạnh gấp nhiều lần so với trước, tạo tiền đề vững chắc để Thái Bình tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Di tích lịch sử cách mạng Trường tổng Vị Sĩ ở thôn Vị Giang, xã Chí Hòa (Hưng Hà).

Ông Nguyễn Bá Lạc, 72 năm tuổi đảng, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ)

Sáng ngày 19/8/1945, rất đông người tập trung ở chợ Và, thôn Nguyên Xá (Quỳnh Hội) tham gia khởi nghĩa. Lực lượng tự vệ tham gia khởi nghĩa được trang bị súng trường, súng ngắn, vũ khí thô sơ, giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập tiến về phía huyện lỵ. Tôi năm đó 18 tuổi cũng tham gia vào đoàn người đi mít tinh, khí thế giành chính quyền lúc bấy giờ sục sôi lắm. Đại biểu Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, Ủy ban dân tộc giải phóng huyện ra mắt. Ngày 20/8/1945, Việt Minh các thôn Phụng Công, Nguyên Xá, Tân Hóa, Lương Mỹ, Đông Xá (xã Quỳnh Hội) tổ chức mít tinh tại các sân đình, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ từ tổng xã đến thôn, yêu cầu các chức sắc cũ bàn giao chính quyền, sổ sách, đồng triện, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời quản lý, điều hành mọi hoạt động. Mọi người hò reo trong niềm hạnh phúc, vui sướng khi giành được chính quyền bởi từ nay cuộc sống trên quê hương sẽ đổi thay, nhân dân thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than, được tự do, ấm no, hạnh phúc.

Đại tá Phạm Đức Kiên, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Từ khi có Đảng lãnh đạo, lực lượng vũ trang là lực lượng nòng cốt cùng với nông dân Thái Bình tổ chức các cuộc đấu tranh đánh đuổi đế quốc, thực dân, phong kiến. Âm vang của các cuộc biểu tình của nông dân hai huyện Duyên Hà, Tiên Hưng ngày 1/5/1930, nông dân huyện Tiền Hải ngày 14/10/1930 mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở Thái Bình vẫn luôn còn mãi, là mốc son tô thắm trang sử vàng truyền thống của đất và người Thái Bình. Phát huy truyền thống đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang hôm nay luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đang bước vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh luôn xác định là lực lượng chủ công, tiên phong trên tuyến đầu chống dịch, đồng sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Bỉnh Hiếm, Bí thư Chi bộ thôn Kim Châu 2, xã An Châu (Đông Hưng)

Năm 1945, Đảng ta mới 15 tuổi đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Tám. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng tiếp tục lãnh đạo dân tộc ta giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đạt được thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Thời gian qua, Trung ương đã thể hiện quyết tâm cao trong phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi “giặc nội xâm”, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Là đảng viên, tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Đảng, tin tưởng vào những chủ trương, quyết sách của Đảng và mong muốn trong thời gian tới những quyết sách mới sẽ đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nước ta ngày càng phát triển, văn minh.

Cựu chiến binh Vũ Văn Yến, tổ 18, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tất yếu của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và đầy sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ ngày tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công đến nay đã tròn 75 năm, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt với những thử thách vô cùng gian lao. Nhưng dù ở giai đoạn nào, dù thử thách có to lớn đến đâu, những người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn nguyện hết mình vì dân tộc, vì đất nước. Với tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ cán bộ, hội viên cựu chiến binh quyết tâm vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thành công mọi nhiệm vụ cấp ủy, chính quyền các cấp giao phó, góp phần xây dựng quê hương ngày một lớn mạnh và giàu đẹp.


Anh Vũ Xuân Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư

Là thế hệ thanh niên được sinh ra, lớn lên trong hòa bình, qua các nhân chứng lịch sử và các tư liệu, chúng tôi luôn nhận thức sâu sắc ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Vì vậy, chúng tôi xác định thế hệ trẻ phải có trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xung kích đi đầu, sẵn sàng cống hiến sức trẻ, trí tuệ của mình vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi không ngừng nâng cao nhận thức và tư tưởng, về lý trí và tình cảm, về tầm hiểu biết cũng như khả năng hành động cách mạng phù hợp với thanh niên như các phong trào: xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp... Bên cạnh đó, tham gia nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, yêu quê hương như về nguồn, viếng thăm các “địa chỉ đỏ”; các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, xây dựng nhà tình nghĩa, giúp các gia đình chính sách ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhóm phóng viên


Mạnh Cường - Đạt Hiền