Thứ 7, 23/11/2024, 11:59[GMT+7]

Thập tải phong trần

Thứ 2, 14/09/2020 | 09:15:26
8,888 lượt xem

Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại Trường THPT Nguyễn Du (Kiến Xương).

Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, đại thi hào Nguyễn Du đã trải qua cuộc đời nhiều dông tố trong một giai đoạn lịch sử biến động. Đó là bi kịch của đời ông. Nhưng chính từ bi kịch ấy mà biết bao tác phẩm thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm kiệt xuất ra đời, tiêu biểu là “Truyện Kiều”, đã chinh phục người đọc bởi lòng trắc ẩn với những kiếp người bị đày đọa cùng chất dân gian bắt nguồn từ chính cuộc sống nông thôn thường nhật. Góp phần hun đúc nên chất hiện thực trong thơ Nguyễn Du có 10 năm ông nương náu, ẩn dật tại vùng quê Thái Bình - khoảng thời gian mà ông gọi là “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi).

Nguyễn Du quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên ở kinh thành Thăng Long (Hà Nội) trong một gia đình nổi tiếng “trâm anh thế phiệt” thời Lê Trung Hưng. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, lên 3 tuổi, Nguyễn Du đã được tập ấm (phong hàm do cha làm quan cao cấp), bởi vậy, mặc dù chưa phải là một vị quan tại chức nhưng ông đã đứng trong hàng sĩ tịch của triều đình nhà Lê. Khi cha là Nguyễn Nghiễm thôi giữ chức Tể tướng, về trí sĩ ở quê nhà, Nguyễn Du theo cha về quê. Vậy nhưng, 10 tuổi mất cha, 13 tuổi mất mẹ, từ đây Nguyễn Du phải về sống ở nhà anh trai, rồi khi anh trai bị khép tội mưu loạn, một người thân đã đón ông về nuôi ăn học.

Theo sách “Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền” (NXB Văn học): “Năm Kỷ Dậu 1789, vua Lê chạy sang Trung Hoa, Nguyễn Du theo vua hộ giá nhưng không kịp, phải về quê vợ ở nhờ”. Lại ghi “Chính thất (Nguyễn Du) họ Đoàn, người xã Hải An, huyện Quỳnh Côi, con gái thứ sáu của Đoàn Nguyễn Thục. Bà sinh được một người con trai tên là Tứ, tên chữ là Hạo Như, giỏi văn học”.

Các tài liệu ghi chép về bà Đoàn Thị rất ít nhưng người ta chỉ hiểu: vì bà mà Nguyễn Du đã về sống ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, sống nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn lúc này đã ra cộng tác với triều Tây Sơn và đang giữ chức Thị lang bộ Lại, thay vì cùng hai anh em ruột là Nguyễn Nễ và Nguyễn Úc về quê mẹ ở Kinh Bắc. Trong khoảng thời gian 10 năm ấy, bà Đoàn Thị đã sinh cho nhà thơ 4 người con nhưng cả ba lần sinh đầu đều chết yểu, chỉ giữ lại được người con trai Nguyễn Tứ. Năm 1795, bà Đoàn Thị qua đời, năm 1796, Nguyễn Du rời quê vợ về Hà Tĩnh, nơi quê cha đất tổ. Trong 10 năm Nguyễn Du đã nhận được sự nuôi nấng, đùm bọc của dòng họ Đoàn Nguyễn và nông dân, phú hào nơi miền quê nghĩa tình ở Quỳnh Phụ. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn văn chương của ông. Cuộc sống và tâm sự của Nguyễn Du trên mảnh đất Thái Bình được phản ánh sâu sắc, trung thực qua tác phẩm “Thanh Hiên thi tập” với 78 bài thơ chữ Hán.  

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, tài năng và đức độ của cha và anh vợ là tấm gương sáng đã ảnh hưởng đến Nguyễn Du. Cha vợ của Nguyễn Du là Đoàn Nguyễn Thục, trong những năm làm quan ở Ngự sử đài, ông nổi tiếng là người khảng khái trung thực. Gần 25 năm làm quan ở trong triều, vốn là quan văn nhưng đã hai lần Đoàn Nguyễn Thục được cử làm tướng võ. Anh vợ của Nguyễn Du là Đoàn Nguyễn Tuấn, hiệu Hải Ông, dù thi đỗ cử nhân đời vua Lê Hiển Tông nhưng không ra làm quan với triều Lê. Năm 1788, ông cùng một số nho sĩ yết kiến Nguyễn Huệ, được Nguyễn Huệ tin dùng. Dưới triều Tây Sơn, Đoàn Nguyễn Tuấn có nhiều công trạng, được cử sang sứ phương Bắc và tài thơ văn của Đoàn Nguyễn Tuấn đã làm cho các nhân sĩ Trung Quốc nể phục. Đoàn Nguyễn Tuấn để lại cho đời tập “Hải Ông thi tập” với hơn 200 bài thơ.

Khi Nguyễn Du về sống ở Hải An thì cha của vợ đã mất. Sử sách lưu truyền rằng, Đoàn Nguyễn Tuấn đã dựng một cái gác cao giữa vườn gọi là Phong Nguyệt Sào (ổ gió trăng) tụ tập danh sĩ đàm đạo văn chương, thế sự. Chính vào thời điểm ấy, Nguyễn Du đã về nương náu tại Phong Nguyệt Sào để ký thác tâm sự của mình vào những áng thơ văn bất hủ và cũng là để chờ thời.

Về những bài thơ của Nguyễn Du viết trong thời gian ở Thái Bình, theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Minh Đức, gần như bài nào cũng nói đến tóc bạc, sau nữa là ốm đau, bệnh tật, có khi ốm liên miên ba tháng trời. Cuộc sống không chỉ cô đơn mà còn nghèo khổ. Nguyễn Du có nhiều bài than thở về chuyện nghèo, như trong bài “Khất thực” (Xin ăn) có câu: “Văn tự hà tằng vi ngã dụng/Cơ hàn bất giác thụ nhân liên” (Văn tự nào đã dùng được việc gì cho ta/Đâu ngờ phải đói rét để người thương). Những năm tháng nghèo khó, đau ốm, máu thịt đã thấm khổ để góp phần tạo nên những câu Kiều kiệt tác, như chính tâm trạng cuộc đời Nguyễn Du trong khoảng thời gian tạm lánh về quê vợ ở Thái Bình đã thổi hồn vào Kiều:

Xưa sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao đau đớn chán chường bấy thân
Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì

Chính nhờ những năm tháng nghèo đói, bệnh tật mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết nên những áng thơ để đời về lòng trắc ẩn, thương cảm với những người cùng cảnh ngộ, những kiếp người bị đày đọa. Mười năm gió bụi, mười năm không may cho thân phận nhưng là may mắn cho sự hiểu biết và từng trải, để từ đó đã góp phần lớn làm nên biết bao tác phẩm văn học kiệt xuất, trong đó có Truyện Kiều.

Tú Anh