Thứ 3, 23/07/2024, 05:31[GMT+7]

Ngọc sáng vương triều

Thứ 2, 12/10/2020 | 08:59:50
4,562 lượt xem

Đền Linh Từ Quốc mẫu hay còn gọi là đền Bà Chúa Ngừ, làng Phù Ngự, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà.

Từ một “thôn nữ” hiền thục, “trung nữ” tận tụy đến một hoàng hậu kiêu sa tỏa sáng vương triều Trần, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất (1258), lúc quân nhà Trần đang giao chiến với Ngột Lương Hợp Thai thì ở kinh thành Thăng Long, “Bà” đã tổ chức thực hiện mưu kế “vườn không nhà trống” thành công, bảo vệ các vương tôn, quý tộc nhà Trần. Cuộc phản công của quân dân nhà Trần giành đại thắng, bà đã thực hiện rất tốt việc tích trữ và vận chuyển lương thảo kịp thời cho quân Đại Việt phá tan đạo quân hùng mạnh Nguyên Mông. Năm 1259, “Bà” mất, vua Trần Thái Tông phong bà là Linh Từ quốc mẫu.

“Bà” chính là “Linh Từ Quốc mẫu” Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý, bà vốn quê ở Lưu Gia, Hải Ấp (nay là đất Lưu Xá, xã Canh Tân, huyện Hưng Hà). Năm Kỷ Tỵ (1209), loạn Quách Bốc xảy ra khiến triều chính nhà Lý đổ nát, kinh thành Thăng Long hỗn loạn, thái tử của nhà Lý là Lý Hạo Sảm bấy giờ mới 15 tuổi, chạy đến vùng Lưu Gia (Canh Tân, Hưng Hà nay) lánh nạn. Lúc đó, nhà Trần Lý từ hương Tức Mặc (Nam Định) đã đến đây chọn đất dựng nghiệp và trở thành hào kiệt. Khi loạn Quách Bốc xảy ra, Trần Lý tử trận do tập hợp hương bình chiến đấu quyết tâm bảo vệ nhà mạt Lý, Quách Bốc bị dẹp, Trần Lý tử trận là một mất mát không gì bù đắp được với “Bà” bởi lúc ấy bà vẫn còn thơ dại. Người cậu ruột của bà là Tô Trung Từ đã được nhà Lý trọng dụng trở thành đại thần nhà Lý. Mất cha, mất chỗ dựa lớn nhất “Bà” phải về ở với gia đình cậu Tô Trung Từ ở làng Phù Ngự, huyện Ngự Thiên (nay là làng Ngừ, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà).

Sử cũ ghi, loạn Quách Bốc khiến thái tử Lý là Lý Hạo Sảm chạy đến vùng Lưu Gia được Trần Lý và Tô Trung Từ tận dụng cơ hội giúp đỡ, cưu mang thái tử nhà Lý, cũng nhân dịp này Trần Lý và Tô Trung Từ tận tụy ngầm giúp nhà Lý phát triển thế lực. Được nhà Trần Lý giúp đỡ, chở che mà Thái tử Sảm qua được cơn binh biến, đồng thời xây dựng được lực lượng hùng mạnh dẹp tan loạn Quách Bốc. Bỏ kinh thành Thăng Long hoa lệ, chạy loạn về làng quê Hải Ấp, Thái tử Sảm như được sống thật với chính mình, thấy con gái nhà Trần Lý là Trần Thị Dung xinh đẹp, dù ở quê hẻo lánh nhưng thắt đáy lưng ong, giỏi giang tầm tang lại khéo đàn hát nên nảy sinh tư tình. Thái tử Sảm xin nhà Trần Lý được se duyên “cầm sắt” với Trần Thị Dung. Nhà Trần Lý thấy đây là cơ hội “ngàn vàng” liền đồng ý. Nhân duyên trời phận xui khiến và duyên phúc nhờ gia đình Trần Lý bao bọc và hết lòng giúp đỡ thái tử Lý Hạo Sảm đã nhanh chóng tập hợp được một lực lượng khá hùng mạnh. Đầu năm 1210, vua Lý Cao Tông bệnh nặng, muốn đón thái tử Sảm về kinh, Tô Trung Từ bèn lập kế giả, mang quân bản bộ đi đánh quân phiến loạn ở Khoái Châu, nhân đó Tô Trung Từ về Hải Ấp “nắm lấy” thái tử Sảm. Cuối năm 1210, Lý Cao Tông mất, thái tử Sảm lên ngôi, tức vua Lý Huệ Tông đã mở ra một hy vọng lớn cho nhà Trần. Sử cũ còn ghi: “... vừa lên ngôi, vua Huệ Tông sai đón Trần Thị Dung về triều nhưng Trần Tự Khánh không cho vì lúc trước Tô Trung Từ giành lấy Lý Huệ Tông từ tay anh em họ Trần nên nảy sinh mâu thuẫn với Trần Tự Khánh. Vua Lý Cao Tông chết chưa kịp an táng, Tô Trung Từ và các đại thần có thế lực cũ của nhà Lý đã xung đột dữ dội để tranh quyền. Tô Trung Từ giết Đỗ Kính Tu, Đỗ Thế Quy và giằng co với Đỗ Quảng. Đầu năm 1211, Huệ Tông lại sai người đi đón Trần Thị Dung. Lần này thì Trần Tự Khánh đồng ý để “Bà” về triều, ông liền sai hai tỳ tướng Phan Lân, Nguyễn Ngạnh cầm quân hộ tống. Khi quân hộ tống tới Thăng Long đúng lúc Tô Trung Từ đang đánh nhau to với Đỗ Quảng. Tô Trung Từ hợp binh với hai tướng Phan, Nguyễn phá tan quân phiến loạn, bắt và xử tử Đỗ Quảng. Đáng tiếc, ngay sau đấy, Tô Trung Từ bị sát hại, “bầu không khí” triều chính lâm cảnh u ám. Người anh của bà là Trần Tự Khánh xung đột với các hào trưởng địa phương “thân với nhà Lý” và có lần đã xung đột với quân của Lý Huệ Tông nên Trần Thị Dung bị thái hậu Đàm thị là mẹ Huệ Tông nghi ngờ, đem lòng thù hận. Ngày ngày, Đàm thị mắng nhiếc Trần Thị Dung, Lý Huệ Tông giữ “đạo hiếu” phải nghe lời mẹ, liền phế truất ngôi phi của “Bà” cho làm ngự nữ. Tuy nhiên, sau đó các phe thân nhà Lý cũng như chính Lý Huệ Tông bị Trần Tự Khánh đánh bại. Vì yêu bà, một người con gái thôn quê không chỉ đẹp người mà bà còn được đánh giá là thông tuệ, do vậy đầu năm 1216, Lý Huệ Tông lại lập bà làm Thuận Trinh phu nhân. Lúc này, Đàm Thái hậu cho Trần Tự Khánh là kẻ phản trắc, thường “chỉ mặt” Trần Thị Dung mà nói họ (tức anh em bà) là bè đảng của giặc, bảo Huệ Tông đuổi bỏ đi. Sau đó Đàm Thái hậu lại sai người nói với bà, bảo bà phải tự sát. Huệ Tông biết chuyện bèn ngăn lại. Không nguôi ý định hãm hại bà, Đàm Thái hậu bỏ thuốc độc vào món ăn, quyết chí giết bà. Biết ý đồ Đàm Thái hậu nên mỗi bữa ăn Huệ Tông thường chia khẩu phần ăn của vua cho bà một nửa và không lúc nào cho bà “rời” vua. Tháng 4 năm 1216, các tướng nhà Lý ở Cảo Xã (Nhật Tảo, Từ Liêm, Hà Nội) là Đỗ Ất, Đỗ Nhuế chống lại triều đình. Lý Huệ Tông dựa vào Lý Bát, sai Bát đánh lại nhưng không thắng. Trước tình thế đó, Huệ Tông đành lại quay về nương nhờ anh em họ Trần. Thấy Huệ Tông ngày càng sủng ái Trần Thị Dung lại “quay đầu” nương nhờ nhà họ Trần, Đàm Thái hậu ngày ngày muốn giết Trần Thị Dung liền sai người cầm chén thuốc độc bắt bà phải chết. Huệ Tông hoảng sợ ngăn lại, đợi đêm xuống cùng với bà lẻn đi đến chỗ quân của Trần Tự Khánh. Hai người đi miết cho đến khi trời sáng, phải nghỉ lại ở nhà tướng quân Lê Mịch ở huyện Yên Duyên, gặp tướng của Tự Khánh là Vương Lê đem binh thuyền đến đón. Huệ Tông bèn đỗ lại ở bãi Cứu Liên và truyền cho Tự Khánh đến chầu. Tự Khánh vì ý đồ chính trị của họ Trần nên khi Huệ Tông vời đến vẫn kính cẩn phò trợ.

Từ thôn nữ trắng trong bước vào chốn cung đình ngột ngạt, cuộc đời bà “ba chìm bảy nổi” nhưng đức hạnh bà vẫn tỏa sáng. Bà sinh được 2 con gái với Lý Huệ Tông là công chúa Thuận Thiên Lý Ngọc Oanh và công chúa Chiêu Thánh (Phật Kim), sau này trở thành Lý Chiêu Hoàng. Cuối năm Quý Mùi (1223), Trần Tự Khánh chết, Triều đình nhà Lý truy phong “Kiến Quốc đại vương”, em họ bà là Trần Thủ Độ được giao chức “Điện tiền chỉ huy sứ”. Lý Huệ Tông không có con trai lại mắc bệnh tâm thần nên càng suy sụp. Không còn cách nào lựa chọn, Huệ Tông phải truyền ngôi cho Chiêu Thánh vào năm Giáp Thân (1224), hoàng đế cuối cùng của triều Lý. Năm Ất Dậu (1225), Huệ Tông đi tu. Cuối năm đó (1225), dưới sự đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu) và ngay sau đó thì nhường ngôi cho Trần Cảnh. Trần Thị Dung trở thành hoàng thái hậu nhà Lý. Năm 1259, bà mất, Trần Thái Tông phong bà là Linh Từ quốc mẫu. Dân làng Phù Ngự tiếc thương gọi bà theo tên húy là bà chúa Ngừ và ca ngợi bà bằng đôi câu đối: “Trợ Lý, hưng Trần, Phù Ngự chúa/Cổ lai hữu kiến thử tài phân”. Nghĩa là: (Bà chúa Phù Ngự mở nghiệp nhà Trần, giúp nhà Lý, là bậc nữ nhân tài giỏi xưa nay ít thấy ở trên đời).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vì cơ nghiệp của họ Trần mà Trần Thị Dung trở thành người lạnh lùng với họ Lý, hy sinh hết quyền lợi và tình cảm của người họ Lý. Bà không thể lui vào hậu cung sau cái chết của Huệ Tông như hành động theo “đạo” thường thấy của người phụ nữ thời phong kiến.

Ông Bùi Duy Lan, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Theo “Đông A liệt thánh tiểu lục”, trích từ “Hoàng tông ngọc điệp” thế phả nhà Trần do Trần Thánh Tông biên soạn năm Thiệu Long thứ 10 (1264) thì tên của các bậc tiên lão họ Trần đều có kèm theo bộ “Ngư” do “đời nối đời” làm nghề đánh cá, nên “Linh Từ quốc mẫu” Trần Thị Dung có tên “cúng cơm” là “Ngừ”.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh
Kế sách “thanh dã” nghĩa là “vườn không, nhà trống” mà nhà Trần chọn kế rút lui chiến lược khi quân Nguyên Mông đánh Đại Việt được Trần Thị Dung trực tiếp thực hiện thành công chính là lòng tin đối với đất “bản lộ” Long Hưng trong lúc gian khó nhất.


Quang Viện