Thứ 7, 23/11/2024, 11:53[GMT+7]

Nam thiên đệ nhất lưu

Thứ 2, 19/10/2020 | 10:14:21
5,435 lượt xem

Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở làng Phù Ngự, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà.

Sử cũ chép, tháng 1 năm 1258, quân Nguyên - Mông từ Vân Nam (Trung Quốc) tiến vào nước ta, thế giặc rất mạnh, quân Đại Việt chống đỡ không nổi bèn rút lui xuống phía Nam, vua Trần cũng phải bỏ kinh thành Thăng Long theo đường sông ra hướng biển. Trên đường đi, Trần Thái Tông cho thuyền áp sát thuyền người em ruột là Thái úy Trần Nhật Hạo hỏi kế sách đánh quân Nguyên - Mông, Nhật Hạo lấy ngón tay chấm xuống nước viết lên hai chữ “Nhập Tống”. Vua bèn rời thuyền đến bên thuyền Thái sư Trần Thủ Độ hỏi ông về kế sách, Trần Thủ Độ trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”.

Sử cũ chép, Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194) ở làng Lưu Xá, huyện Ngự Thiên, lộ Long Hưng (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà). Tổ tiên ông vốn nối đời làm nghề đánh cá, từ Yên Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh) về vùng sông nước bên bờ Hoàng Giang (Tức Mặc - Nam Định), rồi rời sang ở vùng  Bát Xá - Tam Nông (dịch nôm là Tám làng Xá, ba làng Nông) bên bờ nam sông Luộc (Nông Kỳ). Đến đời thân phụ Trần Thủ Độ và nguyên tổ Trần Lý của nhà Trần thì nhà trần trở nên giàu có, người quanh vùng quy phục “nhân có nhiều người nổi lên làm giặc” (Toàn thư), nhất là từ khi Trần Lý có người con gái tên là Trần Thị Dung lấy Hoàng Thái tử Sảm (sau là vua Lý Huệ Tông) thì thanh thế nhà Trần Lý càng lớn. Trần Thủ Độ cùng với những người con ưu tú khác của họ Trần sớm tham gia đội hương binh đi đánh dẹp các thế lực cát cứ khác, lúc đầu nhằm khôi phục cơ nghiệp cho nhà Lý. Năm 1224, ông được nhà Lý phong làm Điện tiền chỉ huy sứ quản lĩnh các đạo quân bảo vệ kinh thành. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…Thủ Độ…tài lược hơn người. Làm quan triều Lý được mọi người suy tôn”.

Cuối năm 2018, nhân chuyến hội thảo báo Đảng các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại thành phố Bắc Ninh, đồng nghiệp báo Bắc Ninh đưa tôi đến thăm đồi Lim, huyện Tiên Sơn, thăm một ngôi đền nhỏ trên đồi Lim, vô tình tôi có chụp bức ảnh trước gian thờ có đôi câu đối cổ bằng chữ Hán Nôm. Bây giờ mới lục tìm lại, đem ảnh chụp nhờ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh “dịch hộ”, nội dung câu đối như sau: “Công đáo vu kim, bất đãn Trần gia nhị bách tải/Luận định thiên cổ, kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu”. Tạm dịch là: “Công đức của ông để mãi đến ngày nay, chẳng những chỉ bó hẹp trong 200 năm đời nhà Trần/ Sau nghìn đời, công luận đã định, ông đáng liệt vào bậc thứ nhất trời Nam”. Căn cứ vào những dòng lạc khoản và các tài liệu khảo cứu cùng truyền ngôn có thể khẳng định câu đối trên ca ngợi công đức Thái sư Trần Thủ Độ với vương triều Trần. Lục tìm trong kho tàng ghi chép về Trần Thủ Độ, cho thấy, ông mất tháng Giêng năm Giáp Tý (1264), thọ 71 tuổi. Sách “Kiến Văn tiểu lục” của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn chép: “Trần Thủ Độ sau khi chết, chôn ở địa phận xã Phù Ngự, huyện Ngự Thiên, nơi để mả có hổ đá, dơi đá, chim đá và bình phong bằng đá, chỗ đất ấy rộng đến hai mẫu, cây cối um tùm. Về tư điền, trước vẫn liệt vào hạng thượng đẳng, các quan phủ, huyện, huấn giáo đến kính tế”. Xã Phù Ngự xưa có ba thôn, trong  đó có hai thôn Ngự và Chỉ Cấp có đền thờ Trần Thủ Độ. Hàng năm nhân dân làm lễ cúng giỗ vào ngày mùng 1 tháng 6 và ngày 7 tháng Giêng. Một trong hai ngày ấy là ngày mất của Trần Thủ Độ. Theo các tài liệu khảo cứu, “Trần Thủ Độ là người có bản lĩnh khác thường. Ông xứ lý việc gì cũng thẳng thắn, thường quyết đoán theo ý chí của mình, không để tình cảm chi phối. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế của họ Trần. Kết quả những sự việc ông làm và gây dựng đã đưa quốc gia Đại Việt thoát khỏi sự suy vong nhà mạt Lý và khởi dựng thời đại Đông A với những chiến công hiển oai chống giặc ngoại xâm và nền kinh tế phong kiến phát triển rực rỡ”.

Sử cũ chép, cuối triều Lý, chính quyền phong kiến trung ương bất lực trước những suy thoái về kinh tế và hỗn loạn về chính trị. Thiên tai và mất mùa xảy ra liên tiếp dẫn đến tình trạng đói khổ cho dân lành. Các thế lực cát cứ được đà nổi dậy chống chính quyền phong kiến địa phương dẫn đến cảnh cướp bóc, chém giết lẫn nhau. Ngoài biên cương, phía Nam thì Chiêm Thành, Chân Lạp thường xuyên quấy phá, phương Bắc đế quốc Nguyên - Mông tung vó ngựa diệt Tây Hạ rồi tràn ngang chiếm Triều Tiên chuẩn bị xâm lược nước Tống và chinh phạt các nước phía Nam. Trong lúc đó vua Lý Cao Tông (1175 - 1210) vẫn mải mê trong cung điện vui cùng mỹ nữ hoặc dẫn đoàn quân vào rừng săn bắn, mê mải sắc dục, xây dựng cung điện, lăng tẩm mà không thiết tha triều chính. Khi vua Lý Cao Tông băng hà, Thái tử Sảm lên ngôi, duệ hiệu là Lý Huệ Tông nhưng lại là vị vua nhu nhược, bệnh hoạn. Năm Giáp Thân (1224), Huệ Tông đi vào chùa ở, nhường ngôi cho con gái là Lý Phật Kim (tức Lý Chiêu Hoàng) mới 8 tuổi, rồi tu ở chùa Chân Giáo. Nhà Lý suy yếu cực độ, triều chính nghiêng ngả, Đại Việt chênh vênh bờ vực mất nước.  Họ Trần ở Hải Ấp lúc bấy giờ đã trở thành thế lực mạnh nhất trong các thế lực cát cứ liền nhanh tay “giành” lấy thiên hạ, nhận “trọng trách” xây dựng vương triều và đưa quốc gia Đại Việt vượt qua cơn nguy khó. Trước sự rình rập cướp nước của thế lực phong kiến phương Bắc, nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn non sông là yêu cầu bức thiết, mang tính sống còn của lịch sử, Trần Thủ Độ “bắt tay” vào “đạo diễn” cuộc chính biến tháng Chạp năm Ất Dậu (tức tháng 1 năm 1226) “sắp đặt” cho Trần Cảnh là cháu lấy Lý Chiêu Hoàng làm vợ để rồi Lý Chiêu Hoàng phải nhường ngôi cho Trần Cảnh với lời lẽ trong chiếu nhường ngôi đã được soạn thảo trước mà không ai khác, lời lẽ đó chính là ý chí không gì lay chuyển được của Trần Thủ Độ: “…Trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không có người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, giữ thế nào nổi ngôi báu nặng nề…”. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, làm một cuộc “đảo chính” thay đổi cả một vương triều cũ bằng một triều đại mới mà không để xảy ra “đầu rơi, máu chảy” thật đáng khâm phục tài tổ chức của Trần Thủ Độ, ông thật xứng danh một nhà chính trị sáng suốt và đầy mưu lược, khôn khéo. Theo các nguồn khảo luận, Trần Thủ Độ là nhà lãnh đạo tài giỏi và tận tụy chăm lo việc nước. Phàm công việc gì làm cho đế nghiệp Đông A vững mạnh ông đều cương quyết làm bằng được. Năm 70 tuổi, trước lúc “về với tiên tổ” ông vẫn dẫn quân đi tuần ở vùng biên giới Lạng Sơn, sử cũ chép: “Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì không để ý vì thế đã giúp nên vương nghiệp, giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất”.

Nhìn nhận, đánh giá về Thái sư Trần Thủ Độ, các sử gia nhận định, Trần Thủ Độ có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh. Ngay từ những năm đầu triều Trần ông đã đánh bại các thế lực cát cứ ở các địa phương, tổ chức lại bộ máy hành chính cai trị, đặt ra sổ “trướng lịch” ghi chép danh sách dân gian từ quan nhỏ đến chức quan lớn, từ xã đến chính quyền trung ương (hộ khẩu, hộ tịch ngày nay). Ông đề cao tư tưởng pháp trị, giữ vững kỷ cương, phép nước. Là người có công lao gây dựng vương triều, có tài trị quốc đến vua cũng không dám trái ý.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Không cần phải “bàn cãi” về công đức Thái sư Trần Thủ Độ với vương triều Trần, các sử gia đều có những ghi chép về ông như: “Trần Thủ Độ là nhân vật trụ cột của triều Trần. Ông là công thần sáng lập triều Trần, sử chép: “Thái Tôn lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện tỉnh

Câu nói bất hủ của Trần Thủ Độ khi vận nước chênh vênh: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” cũng là quyết tâm sắt đá của vị tướng già hết lòng vì quốc gia Đại Việt. Chỉ một câu nói đã giúp Trần Thái Tông yên lòng, giữ vững tinh thần dám đánh và quyết thắng kẻ thù của quân dân Đại Việt.

Bà Trần Thị Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tỉnh

Từ một họ tộc “nối đời làm nghề đánh cá”, họ tộc Trần ở Long Hưng nổi lên với những bậc “hiệt kiệt” như Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thị Dung… Trần Thủ Độ với tài thao lược chính trị và quân sự đã giúp họ tộc Trần nắm lấy ngai vàng từ tay nhà Lý đã suy tàn…

Quang Viện

  • Từ khóa